Góp ý Chương trình môn Ngữ văn mới: Cứng nhắc, thiếu tính thẩm mỹ?

Sự kiện: Giáo dục

Mở rộng giới hạn các tác phẩm bắt buộc; cần có những tác phẩm văn chương về Hoàng Sa- Trường Sa; không nên quá mở, các tác phẩm văn học đưa vào nhà trường phải được Bộ GD&ĐT phê duyệt… là những ý kiến đóng góp của các nhà văn, nhà thơ cho chương trình Ngữ văn mới.

Góp ý Chương trình môn Ngữ văn mới: Cứng nhắc, thiếu tính thẩm mỹ? - 1

Sáng ngày 22/3, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư đã phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức buổi đóng góp cho chương trình môn Ngữ văn mới. Nhiều ý kiến không đồng tình với việc ban soạn thảo chỉ chọn 6 tác phẩm bắt buộc.

Ông Phạm Quang Long, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho rằng, ban soạn thảo đã tách phần giáo dục ngôn ngữ với văn học ra thành những phần riêng biệt nên đã làm nhòe đi các đặc trưng của môn Ngữ văn. Chương trình dạy môn Ngữ văn mà ban soạn thảo đưa ra 4 kỹ năng: đọc, viết, nghe, nói là không lôgic bởi sau quá trình học, ngoài kiến thức, môn Ngữ văn còn giúp học sinh biết cảm thụ văn học, giáo dục nhân cách. Trong đó phần cảm thụ văn chương, từ rung động thẩm mỹ để khơi dậy khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện đến sự hình thành nhân cách qua môn học Ngữ văn lại hơi nhẹ so với những tri thức và yêu cầu về mặt ngôn ngữ học.

Về chương trình, ông Long cho rằng ban soạn thảo chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc gồm: Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập là đơn điệu về thể loại. Phần còn lại, chương trình chỉ gợi ý mà không bắt buộc, thậm chí, các tác phẩm bắt buộc cũng chỉ nêu tên mà không có gợi ý về trích đoạn là nên dạy những nội dung gì.

Còn GS TS Lã Nhâm Thìn, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, dự thảo chương trình xác định tính chất “mở” quá lớn. Việc quy định nội dung dạy học và yêu cầu cần đạt chưa thật tường minh, chưa tạo ra cho người học đường hướng. Trong khi, chương trình Ngữ văn hiện hành và trước đây nhấn mạnh đến tính thẩm mỹ, thái độ, tình cảm con người thì nay chỉ đưa ra các kỹ năng cần thiết. Việc cho giáo viên lựa chọn bất kỳ tác phẩm nào để dạy học là cần phải xem lại.

Trong khi đó, PGS TS Lê Quang Hưng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, chương trình Ngữ văn mới có tính mở và liên kết. Học sinh có thể học liền mạch và nâng cao, dần dần hoàn thiện các năng lực kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, theo PGS Hưng, trong chương trình mới, kiến thức về từng thể loại văn học chưa thể hiện rõ, trong khi phần lý luận văn học lại ít và nhạt.

Ông cũng không đồng tình với việc chỉ đưa 6 tác phẩm để quy định cứng, phải bắt buộc. “Có cần phải bắt buộc không, bởi làm việc này khó như chọn khách mời đám cưới. Không có tiêu chí rõ ràng, nhất quán thì rất dễ bị trách. Nếu có thi chọn 6 tác phẩm như vậy chưa hợp lý về thời đại văn học, chưa đa dạng về nội dung, về tính thẩm mỹ nghệ thuật và tính hiện đại về thể loại”, ông nói.

Có “cứng” phải có “mềm”

GS Hà Minh Đức đánh giá, chương trình Ngữ văn mới được làm công phu nhưng ngoài phần “cứng”  gồm các tác phẩm bắt buộc cần quy định cả phần “mềm” là các tác phẩm tự chọn. “Nếu các ý kiến đóng góp nói cần đưa vào 7 hay 8 hay hơn nữa mà có lý thì các nhà biên soạn cũng nên tiếp thu. Bởi trong 6 tác phẩm này, chưa có bóng dáng cuộc sống thanh bình, hình ảnh người phụ nữ…”.

Còn xét về góc độ lớn hơn, GS Hà Minh Đức cho rằng, việc lựa chọn tác phẩm đưa vào chương trình, sách giáo khoa phải tuân thủ các quy tắc như: hợp thời đại, vấn đề đưa vào phải phản ánh được vấn đề của thời đại mới; lựa chọn kỹ tác phẩm của tác giả; phù hợp với trình độ của học sinh từng lứa tuổi và đội ngũ tác giả có tác phẩm lựa chọn phải có sự hòa hợp.

GS Đinh Xuân Dũng, Nguyên ủy viên hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư đề nghị ban soạn thảo rà soát lại nội dung vì nhiều phần được đề cập rất chung. Chưa kể, cách dùng từ ngữ, thuật ngữ cũng khó hiểu. Ông ví dụ, từ “trục tích hợp”; “vẻ đẹp nhân văn của đề tài lý luận tư tưởng”… tôi dạy văn từ năm 1996 không thấy có từ nào thể hiện vẻ đẹp nhân văn của đề tài , ông nói.

GS Dũng cũng không đồng tình với việc ban soạn thảo chỉ chọn 6 tác phẩm quy định bắt buộc. Ông cho rằng, như vậy là quá ít, quá bó hẹp, khó chấp nhận mà mỗi lớp học nên lựa chọn từ 5-6 tác phẩm bắt buộc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, có rất nhiều tác phẩm hay viết về Hoàng Sa - Trường Sa cần được đưa vào chương trình mới để giảng dạy học sinh.

Môn Ngữ văn, học 6 tác phẩm là quá ít

Theo dự kiến, môn Ngữ văn trong tương lai sẽ tập trung phát triển năng lực của học sinh, chỉ có 6 tác phẩm văn học bắt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN