Giáo viên không phấn trắng, bảng đen
Đến với nghề tình cờ rồi vì tình thương yêu mà gắn bó không rời, mong ước của người thầy ở những ngôi trường chuyên biệt là một lần đứng trên bục giảng với bảng đen, phấn trắng
“Những ngày đầu đi dạy, tôi từng ám ảnh bởi những đôi mắt không bình thường của học trò. Nhưng rồi những nụ cười ngây thơ tỏa sáng và những mong ước giản dị của học sinh khiếm thị đã níu tôi lại. Tôi đến với nghề vừa là cái duyên vừa như mắc nợ”. Cô Trần Hồng Điệp - giáo viên (GV) Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP HCM - chia sẻ.
Không đến với học trò thấy như có lỗi
Đến nay, cô Trần Hồng Điệp đã có 27 năm gắn bó với học trò khiếm thị. Từng là GV dạy vật lý bậc THCS ở huyện Củ Chi, TP HCM, trong một lần làm công tác từ thiện tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, chứng kiến cảnh nhiều em mắt không còn nhìn thấy nhưng khuôn mặt háo hức với từng con chữ, cô Điệp đề xuất xin về dạy.
Quyết định chóng vánh này gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình và đồng nghiệp. “Lúc đó, chỉ duy nhất có chồng tôi là người ủng hộ. Nhiều đồng nghiệp còn tưởng tôi có vấn đề về đầu óc, người lành không dạy, đi dạy người mù. Nhưng tính tôi đã quyết là làm ngay. Lúc đó không kịp nghĩ mình có sai lầm hay không mà chỉ nhớ đến khuôn mặt học trò khuyết tật đã gặp. Tôi cứ mang cảm giác nếu không quay lại là mình có lỗi” - cô Điệp nhớ lại.
Cô Điệp chia sẻ những ngày đầu đi dạy học sinh khiếm thị cũng là những ngày đấu tranh tư tưởng xem quyết định của mình có sai lầm không? Vì thấy nghề vất vả quá, có những học sinh đã lớn tuổi nhưng xúc giác rất kém và các em lớn tuổi thì sự can thiệp, phục hồi chức năng càng khó khăn. Lúc này, chưa có quy định độ tuổi học sinh khuyết tật đi học nên có những em đã 15 tuổi mới vào học lớp 1. “Tôi bắt đầu mày mò phương pháp, hướng dẫn các em định hướng trên tay. Cầm cây đinh phân biệt phải, trái, trước, sau rồi học chữ nổi. Dạy học sinh cũng là tôi đang tự học” - cô Điệp nói. Sau này, sáng kiến mà cô đã áp dụng thành công là ứng dụng phần mềm quicktac về vẽ sơ đồ mạch điện (chữ nổi trên giấy) giúp học sinh khiếm thị học tốt phần điện học trong môn vật lý lớp 7, 9.
Cũng như cô Điệp, cô Trương Thanh Dung, GV Trường Chuyên biệt Hy vọng (quận 8, TP HCM) lại đến với nghề từ sự đồng cảm với người chồng cũng bị khuyết tật. Là GV giảng dạy ở trường mầm non bình thường nhưng khi lập gia đình với người chồng gặp khuyết tật về vận động, cô chuyển sang dạy tại Trường Chuyên biệt Hy Vọng. Cô Dung chia sẻ: Chính sự cảm thông với người bạn đời là động lực thôi thúc cô đến với nghề giáo dục đặc biệt và từ đó gắn bó với học sinh mình như cái nghiệp.
Khóc vì sự tiến bộ của trò
Dạy học sinh bình thường có tiến bộ đã là thử thách nhưng với học sinh khuyết tật, GV phải cố gắng gấp nhiều lần. Cô Điệp tâm sự: “Có những bài phải dạy đến 3, 4 tiết, học sinh mới hiểu. Học sinh khiếm thị thì tiếp xúc với các môn tự nhiên, nhất là khi làm thí nghiệm vật lý, càng khó khăn hơn, GV phải cầm tay chỉ cho từng em, có khi nói đi nói lại đến khản tiếng. Mơ ước có một lần được lên lớp với tà áo dài, bảng đen, phấn trắng giản đơn nhưng lại là xa xỉ với GV chuyên biệt”.
Cô Điệp hướng dẫn học trò khiếm thị trong giờ thực hành. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vất vả với nghề nhưng nếu được chọn lại, cô Điệp vẫn quyết tâm dạy trẻ khuyết tật. “Tôi vẫn nhớ như in ngày một phụ huynh với gương mặt khắc khổ, lam lũ dắt con đến trường nhờ các thầy cô giúp đỡ. Em học sinh đó là Nguyễn Đình Phụng, bị ung thư mắt. Bố em làm nghề xe ôm; còn mẹ thì thờ ơ, không quan tâm khi thấy con tật nguyền. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ phải làm sao, bằng cách nào và bằng mọi giá giúp cậu bé có gương mặt thông minh, ham học này. Thế rồi tôi vừa dạy vừa đi vận động, quyên góp để giúp em phẫu thuật mắt. Trời không phụ lòng người khi em khỏi bệnh, nay là sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM. Ngày em đậu ĐH, tôi đã khóc như thể chính đứa con mình sinh ra đã trưởng thành” - cô Điệp xúc động chia sẻ.
Còn cô Trương Thanh Dung thường được nhắc đến như người thầy của những ca bệnh khó vì ngoài học trò bị khiếm thính, rất nhiều trường hợp học trò bị đa khuyết tật nhưng nhờ sự kiên trì của cô mà nhiều trường hợp tưởng như không còn hy vọng lại có tiến bộ rõ rệt. Không những thế, ngoài giờ học, cô Dung còn hướng dẫn học sinh tập vẽ tranh, thêu, may với mong muốn sau này, học sinh của mình có thể hòa nhập tốt, có nghề nghiệp để tự nuôi sống bản thân.
Gắn bó với nghề suốt 33 năm qua, cô Dung tâm niệm chưa từng một ngày nghĩ đến xa nghề vì nó gắn với cô như cái duyên, cái nghiệp. Học trò của cô Dung có đến 83,3% học sinh khá giỏi. Không những thế, học trò còn đoạt giải trong các kỳ thi cấp quận, thành phố. Bản thân cô cũng có nhiều đóng góp cho ngành qua những sáng kiến trong giảng dạy như biện pháp rèn phát âm cho học sinh khiếm thính, rèn viết cho học sinh đa tật.
“Có những lúc phát khóc, tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì nhiều ngày trôi qua không thấy học trò chuyển biến. Rồi bất ngờ các em tiến triển tốt, lúc đó cảm xúc như vỡ òa và tôi lại lao vào nghề như chưa từng phải chịu vất vả” - cô Dung xúc động nói.
Mong học trò được hỗ trợ nhiều hơn Trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật, cả cô Điệp và cô Dung cùng mong muốn có nhiều GV có chuyên môn dạy giáo dục chuyên biệt hơn nữa vì học sinh khuyết tật rất thiệt thòi. Hỏi về mong ước ngày 20/11, các cô không mong cho mình mà chỉ mong những học trò đặc biệt được hỗ trợ nhiều hơn về nghề nghiệp để cánh cửa hòa nhập, được làm người có ích thuận lợi hơn. |