Bí quyết đạt điểm thủ khoa đại học

Các thủ khoa cho rằng trong quá trình học và ôn thi cần đặt mục tiêu hướng đến, có phương pháp làm bài thật tốt, thật bình tĩnh khi vào phòng thi.

“Em luôn đặt mục tiêu cho mình, chẳng hạn thi ĐH phải đạt bao nhiêu điểm. Khi có mục tiêu, em sẽ tìm cách đạt được nó”. Đó là tiết lộ của Nguyễn Hoàng Nam, thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP HCM, trong kỳ thi ĐH  năm 2013 với 29 điểm (khối A1: toán: 10 điểm, lý: 9,75 điểm, Anh văn: 9 điểm). Trước kỳ thi ĐH, Hoàng Nam cũng đặt mục tiêu đỗ thủ khoa và điều này đã trở thành sự thật. Hiện Hoàng Nam là sinh viên chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp của Trường ĐH Bách khoa TP HCM.

Viết đủ ý, tăng tốc độ làm bài

Từng đoạt HCV Olympic 30-4 môn toán năm lớp 10, giải khuyến khích quốc gia môn toán năm lớp 11, HCV Olympic toán lớp 11, giải nhất học sinh giỏi TP HCM môn toán và lý lớp 12, thi ĐH đạt điểm tuyệt đối môn toán, Hoàng Nam chia sẻ bí quyết học toán của mình: “Em chú ý nghe thầy cô giảng, nắm bài ngay trên lớp. Về nhà, em làm những dạng bài hôm đó đã học để nhớ công thức, cách làm bài. Dựa theo cách giải bài trong sách tham khảo, em nắm vững cách trình bày rành mạch, đủ ý để không bị trừ điểm”.

Bí quyết đạt điểm thủ khoa đại học - 1

Nguyễn Hoàng Nam (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Bí kíp” làm bài thi của Hoàng Nam là theo thứ tự các câu lúc ôn thi. Chẳng hạn đầu tiên làm khảo sát hàm số, tiếp đến phương trình lượng giác, hình học không gian… “Làm xong câu này chuyển ngay suy nghĩ sang câu khác, như vậy đỡ băn khoăn mình làm sai” - Hoàng Nam cho biết.

Với môn lý, Hoàng Nam nhấn mạnh: “Trong 3 môn thi, lý là khó nhất. Điều đầu tiên thí sinh cần nắm rõ là hiểu được các hiện tượng vật lý. Trong những năm gần đây, đề thi đều tập trung vào ý nghĩa, lý do tại sao có công thức nhiều hơn. Nếu biết rõ nguyên nhân, khi làm bài có thể linh hoạt thay đổi công thức phù hợp với đề”. Hoàng Nam cho biết môn lý có 2 phần khó là cơ dao động và sóng điện từ. Thí sinh nên nắm vững lý thuyết phần này để vào vào phòng thi không bị bối rối.

Khác với cách làm môn trắc nghiệm dễ trước khó sau, với môn lý, Hoàng Nam làm theo thứ tự từ trên xuống dưới để tránh bỏ sót câu hỏi. Gặp câu khó, nếu chưa tìm ra đáp án, Hoàng Nam chọn đáp án theo cảm tính rồi đánh dấu trên đề thi để sau khi làm xong các câu khác sẽ quay lại làm. “Em thường giới hạn thời gian làm một đề trong khoảng 30-60 phút. Cần tạo áp lực thời gian, tăng tốc độ làm bài để tránh thiếu thời gian” - Hoàng Nam nói.

Với môn Anh văn, Hoàng Nam cho rằng phải nắm vững ngữ pháp vì có nhiều phần lạ. Nam đọc sách, xem phim tiếng Anh nhiều để tăng vốn từ vựng, quen với vài câu giao tiếp trong đề thi, luyện cách phát âm giống người bản xứ. Một từ tiếng Anh có nhiều cách dùng nên Nam thường tưởng tượng câu có từ vựng đó để nhớ từ hơn.

Không làm theo văn mẫu

Đạt 26,5 điểm trong kỳ thi ĐH năm 2013 (văn 8, sử 9,5, địa 9), Trần Nữ Vi Linh trở thành thủ khoa khối C của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM.  Hiện Vi Linh đang là sinh viên năm nhất ngành Báo chí - Truyền thông của trường ĐH này.

Bí quyết đạt điểm thủ khoa đại học - 2

Trần Nữ Vi Linh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vi Linh chia sẻ kinh nghiệm học môn văn của mình: “Với những bài dài, em thường chia ý chính rồi vẽ sơ đồ hình cây để dễ nhớ nội dung. Với những câu tái hiện kiến thức tác phẩm, em đọc đi đọc lại tác phẩm cho hiểu”.

Khi học văn, Vi Linh không đọc văn mẫu mà chủ yếu nghe thầy cô giảng bài. “Vì khi viết, em không muốn bị ám ảnh câu từ trong văn mẫu mà muốn thể hiện cách hiểu theo ý mình” - Linh giải thích.

Khi học các môn, Vi Linh luôn tập trung nghe thầy cô giảng bài vì hiểu bài ngay trên lớp sẽ nhanh nhớ hơn là học thuộc lòng. Môn địa và sử, Linh thường vừa học vừa ghi chép những sự kiện ra giấy để nhanh nhớ hơn. “Thường khi học, các bạn chỉ cầm sách lên đọc nhưng nếu không hiểu nội dung bài thì sẽ rất khó nhớ. Vậy nên trước tiên, cần đọc qua tìm ý của đoạn rồi viết triển khai ý chính, nếu mình có quên bài thì vẫn còn nhớ ý chính đó” - Linh cho biết.

Vi Linh cũng thường ghi âm bài giảng để nghe trong lúc làm việc nhà. Với môn sử có nhiều sự kiện ngày tháng năm, Linh gắn với những ngày sinh của bạn bè cho dễ nhớ. “Em chủ yếu học trong trường, không tham gia trung tâm luyện thi vì ở đó học đông người, khó tiếp thu bài mà chỉ trong vòng 1 tháng sát kỳ thi nên không học được gì” - Linh khẳng định.

Về kinh nghiệm khi đi thi của mình, Vi Linh cho biết: “Trước khi bước vào kỳ thi cần có tâm lý thoải mái, không nên quá áp lực, sợ hãi. Mình đã học hết sức thì dù kết quả thế nào cũng không nên buồn. Bước vào phòng thi, đọc đề xong thì hãy cố gắng bình tĩnh để làm bài”. Vi Linh cũng cho rằng không nên học quá khuya, thay vào đó là hẹn giờ dậy sớm ôn bài thì tâm trí sẽ minh mẫn hơn. 

Tự tin với môn thi năng khiếu

Đồng Thị Thùy An, sinh viên ngành giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP HCM, trong kỳ thi ĐH 2013 đạt 9,5 điểm ở môn năng khiếu (hát, kể chuyện, đọc diễn cảm) khối M. Thùy An tiết lộ bí quyết thi môn năng khiếu của mình: “Phải thường xuyên ôn luyện, lúc kể chuyện tập cách đi đứng, cách nói, cách phát âm, khẩu hình. Phải luôn nói to, phát âm rõ ràng, lấy hơi thở tốt. Kể chuyện phải diễn đạt sao cho diễn cảm, thu hút được người nghe. Trước ngày thi cần chuẩn bị sức khỏe tốt, nắm vững bài thi. Khi bước vào phòng thi thì luôn giữ nét mặt tươi vui, mạnh dạn, bình tĩnh thực hiện phần thi của mình”.

Bạn muốn nhận đáp án thi Đại Học 2013 của mình làm đúng hay sai sau khi hết giờ thi? Để nhận ngay đáp án, soạn tin:

DACD Mãkhối Mãmôn Mãđề gửi 8702 
Mã môn: TOAN, LY, HOA, SINH, VAN, SU, DIA, ANH, NGA, PHAP, TRUNG, NHAT, DUC 
Mã đề: là mã đề thi của thí sinh, nếu là môn thi tự luận thì không cần có mã đề 
VD: Bạn vừa thi xong môn Lý khối A mã đề thi số 123, bạn muốn biết đáp án mã đề này hãy soạn: 

DACD A LY 123 gửi 8702 
Xem hướng dẫn chi tiết BẤM ĐÂY!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thiết (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN