Phim Việt đầu tiên lọt đề cử Oscar khiến người xem mê mẩn
Bộ phim mang lại cảm xúc nhớ thương đậm hương hồn đất Việt.
Câu chuyện đẹp bằng âm nhạc
Nhân vật Mùi lúc nhỏ bên cửa sổ phòng ngắm nhìn cây đu đủ xanh tỏa hương đầu mùa
Mùi đu đủ xanh của đạo diễn gốc Việt - Trần Anh Hùng - lấy bối cảnh của Sài Gòn đầu những năm 50, khi chưa có dấu tích của chiến tranh, vẫn còn yên bình phẳng lặng. Cuộc đời của cô bé tên Mùi đi ở cho một gia đình tiểu tư sản xuyên suốt toàn bộ mạch phim.
Ngày còn nhỏ, Mùi đã bắt đầu một cuộc sống vất vả phải đi ở vì nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ ở lại quê cùng em gái. Cô bé may mắn được vào một nhà chủ tốt, bà chủ quan tâm tới người ở nhưng ông chủ lại không mặn mà với hạnh phúc gia đình. Lần thứ tư bỏ nhà ra đi, ông đã mang theo hết sạch của cải tiền bạc, để rồi lúc trở về trong bệnh tật.
Cảnh tượng Mùi ngủ gật bên chậu nước được coi là bước đệm để bước sang phần hai của câu chuyện. 10 năm sau, vẫn là bối cảnh đó nhưng Mùi giờ đã trở thành thiếu nữ. Cô mang nét đẹp truyền thống, giản dị và đằm thắm.
Lúc này Mùi được chuyển sang làm giúp việc cho một nghệ sĩ dương cầm tên Khuyến. Anh là một nhạc sĩ sáng tác, đam mê âm nhạc, gia đình lại khá giả. Khuyến có một vị hôn thê theo phong cách sống phương Tây thích cái mới và lãng mạn.
Khuyến dạy Mùi cách viết và đọc chữ
Khi đứng giữa hai người phụ nữ, một là vị hôn thê theo mô hình phương Tây về hình tượng giải phóng người phụ nữ, một là cô giúp việc tên Mùi theo lối truyền thống của người phụ nữ Việt, Khuyến đã quyết định chọn Mùi. Kết thúc phim đẹp mơ màng với cảnh Khuyến dạy cho Mùi cách đọc viết. Cô cũng hạnh phúc đón chào đứa con sắp chào đời.
Trong mạch hạnh phúc của Mùi luôn có âm hưởng của tiếng nhạc. Tiếng dương cầm khi du dương ngọt ngào theo tình yêu khi trỗi dậy mạnh mẽ trong khoảnh khắc Khuyến phải đối mặt với vị hôn thê mà anh thấy không phù hợp với mình.
Tiếng nhạc ấy theo chân của Mùi khi bước chân tới nhà Khuyến để bắt đầu một cuộc sống mới, điềm tĩnh và chan chứa ngọt ngào. Nói như nhà phê bình Roger Ebert từng đoạt giải Pulitzer chấm bộ phim này 5/5 sao, nhận xét: “Xem Mùi đu đủ xanh giống như đang nghe nhạc êm dịu vậy. Đây là một bộ phim điềm tĩnh, nội tâm, trầm lặng - không có tình tiết chèo lái nhưng tập trung vào sự phát triển của cô gái trẻ”.
Hình tượng mùi đu đủ xanh và số phận người phụ nữ
Nhân vật Mùi lúc nhỏ và khi thành thiếu nữ vẫn luôn gắn bó với hương đu đủ xanh
Cùng với câu chuyện về cuộc đời của Mùi, hình tượng đu đủ xanh được miêu tả gắn liền với số phận của người con gái ấy. Ngày nhỏ, Mùi đã vương vấn với cây đu đủ xanh mọc trước phòng ngủ của cô. Mỗi sớm thức dậy, cô lại hít hà cái mùi thơm thoang thoảng và ngắm nghía những giọt nhựa chảy xuống nhành lá.
Khi gọt hết trái đu đủ xanh đủ cho bữa cơm, phần còn lại cô không vứt đi như lời người vú ở cùng nhà. Cô bổ đôi trái, nhẹ nhàng nắn nót đưa tay cảm nhận những hạt trắng mịn màng bên trong. Cách Mùi gắn bó với hương đu đủ khiến người ta cảm nhận rõ nét hơn vì sao bộ phim được đặt tên như vậy.
Đạo diễn Trần Anh Hùng từng nói: “Hình tượng quả đu đủ xanh nói lên, theo lối ẩn dụ, chủ đề chính là thân phận của người đàn bà Việt Nam, một quan hệ truyền thống giữa đàn bà và đàn ông, quan hệ phục dịch. Một sự phục dịch chấp nhận bằng một sức mạnh tâm linh phi thường mà người ta có thể bắt gặp ở các bà mẹ Việt Nam. Một chế độ không thể chấp nhận, nếu xét một cách duy vật”.
Nhân vật Mùi mang nét đẹp đằm thắm, truyền thống và cả khao khát giải phóng thân phận
Dù tập trung miêu tả về số phận người phụ nữ nhưng đạo diễn Trần Anh Hùng khẳng định anh không có ý định tố cáo thân phận phục dịch của người đàn bà. Anh xác định không làm bộ phim này như Trương Nghệ Mưu trong Thê và Thiếp. Bởi làm như vậy không khác nào phủ nhận vai trò của người mẹ sinh ra anh.
Vị đạo diễn gốc Việt này khẳng định Mùi đu đủ xanh chỉ nêu lên một thực trạng để tạo cảm xúc về sự khiếm khuyết, về những điều nan giải của cuộc sống. Ở đó, Mùi đã làm lay động trái tim của một người đàn ông thuộc tầng lớp tiểu tư sản hơn cô.
Từ những cử chỉ phục dịch, hầu hạ, số phận Mùi đã thay đổi trên nền của tình yêu. Đúng như vậy, tình yêu đã giải thoát cuộc đời Mùi ra khỏi thân phận một người giúp việc. Và chính Khuyến trong cách dạy chữ cho Mùi đã trao cho cô chìa khóa để tự giải phóng cuộc đời mình.
Tự hào phim Việt đầu tiên lọt đề cử Oscar
Bối cảnh phim được quay tại Paris nhưng vẫn toát lên tâm hồn Việt nhờ cách bố trí hậu trường tinh tế
Bộ phim nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình điện ảnh ngay từ khi ra mắt vào năm 1993. Đây là một bộ phim nói tiếng Việt, phần lớn diễn viên trong phim là người Việt nhưng được sản xuất tại Pháp với sự đầu tư từ ê kíp quay phim, kỹ thuật đều của Pháp.
Tuy lấy bối cảnh thành phố Sài Gòn thập niên 50 nhưng phim được quay tại Paris, trường quay Bry – số 2 đại lộ Europe. Nhưng điều khó khăn với đạo diễn Trần Anh Hùng không phải là vị trí trường quay thực tế mà ở chỗ tâm hồn Việt có mang đến cảm nhận cho khán giả hay không.
Trích đoạn trong phim Mùi đu đủ xanh khi Khuyến bày tỏ tình cảm với Mùi
Mọi cảnh quay trong phim đều được chắt lọc kỹ lưỡng, từ kiểu nhà cổ đến các món đồ nội thất bên trong, tới những khung hình cây đu đủ xanh và góc bếp quen thuộc với người Việt. Nữ diễn viên thủ vai Mùi chính là Trần Nữ Yên Khê, vợ của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Cô vốn là một người Pháp gốc Việt nên cách phát âm cũng mang nhiều nét giống một người mới bắt đầu học đọc tiếng Việt. Sau này, cô còn tham gia diễn xuất trong hai bộ phim tiếp theo của chồng mình là Xích lô và Mùa hè chiều thẳng đứng.
Trần Nữ Yên Khê trong vai Mùi lúc lớn
Mùi đu đủ xanh đánh dấu màn ra mắt hoa mỹ của đạo diễn Trần Anh Hùng trong phim dài. Bộ phim mang lại niềm tự hào được nhận đề cử giải Oscar danh giá ở hạng mục phim ngoại ngữ hay nhất. Qua đó, trở thành bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên nhận đề cử Oscar.
Năm 2015, phim lọt danh sách 100 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại tại LHP Quốc tế Busan và đứng ở vị trí thứ 66. Bên cạnh đó phim còn đoạt nhiều giải thưởng quan trọng khác, trong đó có đề cử giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 1993…
Đây cũng là bộ phim làm điểm tựa để Trần Anh Hùng tiếp tục tạo nên những tác phẩm xuất sắc sau này như Và anh đến trong cơn mưa, Rừng Na Uy...