"Chuyện tử tế" - bộ phim chưa bao giờ mất tính thời sự dù hàng chục năm đã trôi qua
Đã hơn 30 năm nhưng những bài học chân lý mà "Chuyện tử tế" đem tới cho khán giả vẫn còn vẹn nguyên như phút ban đầu.
Video giới thiệu phim
Chuyện tử tế là một bộ phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thuỷ. Nó được coi như phần II của tác phẩm đã từng gây tiếng vang lớn, ấy là Hà Nội trong mắt ai. Tuy bộ phim được sản xuất vào năm 1985, nhưng mãi hai năm sau mới được công chiếu rộng rãi.
Giống như Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế là một tác phẩm phản ánh những suy nghĩ của Trần Văn Thủy về cuộc sống và xã hội thời kỳ bao cấp. Để đưa ra một định nghĩa về sự tử tế, đạo diễn chọn cách khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo khổ trong xã hội một cách tự nhiên, không làm quá, không nương nhẹ.
Chuyện tử tế - Câu chuyện thời sự ngày ấy và bây giờ
Bộ phim Chuyện Tử Tế được đề tập II nhưng lại chỉ có duy nhất 1 tập
Tuy ra đời cùng một thời với Hà Nội trong mắt ai, song ít người biết đến Chuyện tử tế và càng ít người đã từng xem phim tài liệu này. Và cũng vì Hà Nội trong mắt ai từng bị cấm chiếu ngay sau lần duyệt đầu tiên, nên con đường để Chuyện tử tế đến với khán giả càng khó khăn hơn. Đoàn phim phải làm việc trong quá trình vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ đường. Thế nhưng đạo diễn và ê-kíp vẫn quyết tâm làm cho kỳ được một tác phẩm tử tế dù cho đã biết trước nó sẽ có chung số phận với bộ phim trước.
Chuyện tử tế là một bộ phim không hề có kịch bản mà hoàn toàn chỉ là các ý tưởng được xâu chuỗi. Tất cả câu chuyện đây đó phản ánh trong xã hội thời bao cấp. Mạch phim rất lạ. Nó cứ chậm rãi, chuyện nọ nối với chuyện kia, những cuối cùng đi đến đích thì lại chỉ là “một cái gì”. Chính điều này đã tạo cho bộ phim một khoảng trống khá lớn trong nội dung, nhưng là khoảng trống đắt giá. Chẳng có một định nghĩa nào trong sách vở dành cho sự tử tế cả. Sự tử tế là cảm nhận riêng của những người cho đi và của những người đón nhận nó.
Một lời lý giải cho việc tại sao bộ phim từng được đạo diễn Mỹ nổi tiếng John Giavito khen ngợi là “nổi tiếng và rất hợp thời cuộc” lại không hề thu hút được khán giả Việt Nam đương thời, ấy là bởi người ta sẽ chỉ có thể mua được hoa hồng khi đã đủ tiền mua được bánh mì trước đó. Người dân còn đang đầu tắt mặt tối với những mối lo cơm, áo, gạo, tiền, …rồi họ còn thất vọng đến cáu kỉnh quát những người làm phim rằng “Tại sao các ông không quay cảnh thực xem chúng tôi đang sống như thế nào? Các ông chỉ tô vẽ những điều không có thật, còn chúng tôi sống như thế nào thì mặc kệ”.
Thế rồi bộ phim đã được khai sáng lần hai chính là nhờ cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Sau khi được công chiếu rộng rãi, Chuyện tử tế còn giành được hàng loạt những giải thưởng danh giá như giải Bồ câu bạc của Liên hoan phim Quốc tế ở Leipzig 1985, Giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1988,… Ngoài ra, phim cũng được công chiếu tại Liên hoan phim Viennale 2008 và nhiều các quốc gia khác.
Những câu nói khiến người xem phải trăn trở trong phim
Nếu xét trong hoàn cảnh hiện tại của điện ảnh Việt Nam, có lẽ Chuyện tử tế không phải một bộ phim có thể thoả mãn nhu cầu nhìn của đại bộ phận khán giả, nhưng việc nghe và cảm nhận thì Chuyện tử tế hoàn toàn có thể ăn đứt nhiều bộ phim khác. Một cách làm phim độc đáo hơn tất thảy bộ phim hiện nay, ấy là để một người giấu mặt đọc thoại, chứ không phải là đối thoại. Tuy điều này dễ khiến khán giả rơi vào trạng thái nản, thế nhưng nếu họ cứ xem lần một, lần hai, rồi lần ba, … thì sau mỗi lần, một định nghĩa mới về sự tử tế được gửi gắm sau ba mươi năm sẽ đến với họ.
Định nghĩa về sự tử tế
Trong phim, đã có nhiều lần người dẫn thoại đến tìm những người lạ mặt và hỏi cùng một câu rằng “Theo anh/chị, thế nào là sự tử tế”. Và trong cái khoảng thời gian xưa cũ mà đối với giới trẻ chúng tôi, đó là quãng thờigian ngắn ngủi tồn tại sự tử tế giữa người với người, thì câu trả lời lại khiến chúng tôi chưng hửng. “Để tôi nghĩ đã, hỏi làm gì đấy”, “Chịu, bây giờ thì khó lắm đấy”, thậm chí có người còn dè dặt hỏi rằng “Có được phép nói thật không ạ” và chốt lại “chuyện tử tế là chuyện xa xôi”, thậm chí còn là “Chuyện vớ vẩn”.
Những định nghĩa về sự tử tế muôn hình vạn trạng
Thế nhưng, ấy cũng chỉ là một phần xã hội. Ở bất cứ đâu cũng vậy, người tốt có thì cũng có cả kẻ xấu, trắng có thì phải có cả đen. Thực chất, họ tuyệtvọng vì một xã hội thiếu sự tử tế, ấy là bởi họ chưa được chứng kiến và cảm nhận những điều tử tế mà thôi. Một chia sẻ rất đang lưu tâm, ấy là sự giảng giải từ tốn của một “cánh già” rằng "Tử tế, các đồng chí làm phim thân mến ạ, gốc của nó là từ chữ Hán. Chữ "tử" có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ "tế" có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ "tử tế" gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện,k ế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời”.
Từ sự tử tế đến hạnh phúc đời người
Cũng trong phim, đạo diễn Trần Văn Thuỷ còn đưa ta đi tiếp trên con đườngcủa sự tử tế để đến với hạnh phúc. Ấy là sự tử tế trong những trại Phong. Phong, hay bệnh hủi, là thứ bệnh mà tất cả mọi người đều ghê sợ và muốn tránh xa, thế nhưng những bà sơ thì lại không. Thực chất, chưa chắc là những bà sơ không sợ sẽ lây bệnh, nhưng vì sự tử tế trong phần người của hai chữ “con người” mà họ đã làm việc một cách rất tận tâm.
Và không chỉ những người làm việc hẳn ở trại Phong mới là những người tử tế. Hẳn chúng ta, ai mà chẳng biết đến Hàn Mặc Tử với câu chuyện đời éo le của ông. Nhưng có lẽ người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy sẽ cảm thấy ấm lòng hơn giữa căn phòng lạnh lẽo đầy bệnh tật bởi sự giúp đỡ giấu mặt của những người xa lạ. Họ giấu mặt, để cho Hàn nhận sự giúp đỡ mà không thấy ái ngại. Họ giấu mặt vì sự giúp đỡ ấy với họ quá nhỏ nhoi và không đáng để phải ghi ơn. Và đúng như một người được phỏng vấn trong phim chia sẻ, đó là “Thiếu sự tử tế thì chúng ta không còn là con người nữa”.
Đã hơn 30 năm nhưng những bài học chân lý mà "Chuyện tử tế" đem tới cho khán giả vẫn còn vẹn nguyên như phút ban đầu
Lại nói, thế giới không bao giờ là phiến diện. Có người được nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng, nhưng có những người chỉ có thể nhìn thấy đượcnhững khoảng trời u tối. Ấy cũng là lý do vì sao lại một “cánh già” khác tiếc nuối mà nói “Khi tìm được sự tử tế thì có lẽ cánh già chúng tôi đã rủ nhau sang thế giới bên kia rồi”.
“Chúng ta sẽ còn khốn đốn nếu có nhiều điều không thật, nhiều người không thật, nhiều sự việc không gọi bằng đúng cái tên thật của nó”.
Xin được phép mượn lời của một nhân vật trong phim để nhắc lại về sự tử tế. Thực ra, tử tế chẳng phải là cái gì đó quá xa vời, quá vĩ mô. Tử tế trước hết là hãy thành thật. Sống thành thật với tâm mình để không bỏ qua ai trong khả năng mình có thể giúp đỡ. Sống thành thật với người, để không có ai phải khốn đốn vì cuộc sống cứ phải luẩn quẩn trong nút thắt của sự dối trá. Và một vòng tròn dù có quay thế nào cũng sẽ luôn đi lại về điểm bắt đầu. Gieo điểm bắt đầu gian trá thì sẽ chẳng bao giờ đi được đến điểm đích là sự tử tế của cuộc đời.
"Một bộ phim đã ra đời từ rất lâu mà vẫn được người ta mất công để tìm xem như vậy là một niềm vui đối với chúng tôi. Chuỵên tử tế cũng là một bộ phim đặc biệt trong cuộc đời làm phim tài liệu của tôi. Đây là bộ phim khác thường từ khi ra đời và cũng có rất nhiều kỳ bí quanh cuộc sống của nó. Chuyện tử tế đi cùng trời cuối đất, trên generic bao giờ cũng có chữ “Tập 2”. Mọi người sẽ đều hỏi không biết tập 1 của nó đâu. Dòng chữ này chính là sự ra đời ly kỳ của bộ phim. Tháng 10.1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trì cuộc họp gồm các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu chuẩn bị cho việc ra Nghị quyết 05 giải phóng cho văn nghệ sĩ. Giờ giải lao, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói với tôi rằng tôi nên làm tập 2 cho Hà Nội trong mắt ai. Khi ý này được đề cập đến trong cuộc họp, tôi đã lóe lên ngay trong đầu mình và bật lên rằng: “tập 2 của Hà Nội trong mắt ai sẽ có tên là Chuyện tử tế ạ!”. Đạo diễn Trần Văn Thủy |
Khác hẳn với sự mưu mô, tàn ác trên phim, ngoài đời diễn viên Hoàng Thắng là người vô cùng hiền lành và vui vẻ.