"Bí mật" ít người biết về cối xay gió - biểu tượng của người Hà Lan
Khi bốn cánh quạt đứng yên theo hình chữ thập hay dấu cộng (+) là trạng thái nghỉ tạm thời, hình chữ X trọn vẹn là trạng thái nghỉ lâu dài, nếu cánh đứng trên cùng được giữ nghiêng về phía bên phải của trục thẳng là dấu hiệu có sự sinh nở, niềm vui, hạnh phúc...
Nói đến Hà Lan người ta thường liên tưởng đến những bông tulip kiều diễm, quý phái cùng những chiếc cối xay gió huyền thoại - biểu tượng của niềm tự hào và sự kiêu hãnh không thể đánh đổi của người Hà Lan.
Đất nước này nổi tiếng với các cối xay gió không chỉ vì số lượng lớn mà còn vì chúng là biểu tượng cho cuộc chiến Hà Lan với mực nước. Lịch sử của Hà Lan gắn liền với biển cả và sông nước. Để chống lại lũ lụt và để bồi đất lấn biển, người Hà Lan đã xây dựng các hệ thống tưới tiêu và những chiếc cối xay gió đầu tiên ra đời cũng được phục vụ cho mục đích ấy.
Hà Lan hiện có trên 1100 cối xay gió các loại, cái lâu đời nhất được xây trước năm 1450. Trong quá khứ, thời cao điểm số lượng cối xay gió Hà Lan có khoảng 10.000 chiếc. Quay quanh năm nhờ gió biển, những chiếc cối xay gió đóng nhiều vai trò quan trọng trong đời sống người dân như để bơm nước ra sông, xay bột, làm nhà ở, nhưng quan trọng nhất là guồng nước đổ ra sông, ra biển và phát điện.
Người Hà Lan mãi mãi tự hào rằng, cối xay gió đã tạo ra đất nước xinh đẹp của họ, cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Do có phần lớn lãnh thổ nằm thấp hơn so với mực nước biển, người Hà Lan từ thời xa xưa đã phải đấu tranh chống lại sự xâm nhập của nước biển và Kinderdijk chính là một biểu tượng điển hình nhất cho cuộc “thủy chiến” đó, trở thành vùng đất hội tụ của nét văn hóa đặc trưng nhất tại đất nước này.
Trong tiếng Hà Lan, kinder là đứa bé và dijk là con đê. Theo một truyền thuyết, Kinderdijk có tên gọi hiện nay là do một sự kiện đặc biệt trong trận lũ tồi tệ nhất vào năm 1421: một chiếc nôi có một đứa trẻ nằm bên trong bị nước cuốn trôi, được giữ thăng bằng bởi một con mèo và bị mắc lại trên sườn đê. Địa điểm xảy ra việc này được gọi là Kinderdijk.
Ở Kinderdijk có 19 cối xay gió xây dựng từ khoảng năm 1500-1740, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997. Trong quá khứ, các cối xay gió này đảm nhận nhiệm vụ thoát nước thừa từ vùng đất lấn biển Alblasserwaard. Chúng gắn liền với đời sống sinh hoạt và cả đời sống tinh thần của người dân Hà Lan.
Khi bốn cánh quạt đứng yên theo hình chữ thập hay dấu cộng (+) là trạng thái nghỉ tạm thời, hình chữ X trọn vẹn là trạng thái nghỉ lâu dài. Nếu cánh đứng trên cùng được giữ nghiêng về phía bên phải của trục thẳng là dấu hiệu có sự sinh nở, niềm vui, hạnh phúc. Khi cánh đứng yên trên cùng nghiêng sang bên trái của trục thẳng là dấu hiệu đang có tin buồn.
Ngày nay, các cối xay gió tại ngôi làng này không còn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước như chúng đã làm trong hàng thế kỷ qua. Thay thế chúng là một trạm bơm hiện đại với tổng công suất 1.350 m3 nước/phút. Mặc dù vậy chúng vẫn tồn tại và góp sức khi cần thiết và hơn thế, làng cối xay gió Kinderdijk đã trở thành nơi du lịch nổi tiếng của Hà Lan, hàng năm thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Trong số đó, chỉ có một chiếc cối xay gió (Nederwaard) mở cửa cho tham quan suốt năm. Số còn lại chỉ hoạt động vào thứ 7 hàng tuần trong 2 tháng 7 và 8.
Thăm bảo tàng Cối xay gió Nederwaard có thể hình dung được cuộc sống của ông chủ với vợ và mười ba người con tại đấy.
Sẽ chẳng là một chuyến đi Hà Lan hoàn hảo nếu du khách không tới làng Zaanse Schans, phía bắc thủ đô Amsterdam - một quần thể di tích nổi tiếng Hà Lan không chỉ thu hút khách du lịch bởi những chiếc cối xay gió mà còn bởi phong cảnh hữu tình.
Tại đây, ngoài những chiếc cối xay gió, du khách còn có thể tìm hiểu về những nét kiến trúc truyền thống của Hà Lan qua những bảo tàng, nhà cổ, cửa hàng trưng bày guốc gỗ và cả đặc sản phô mai. 250 năm trước, vùng này có hơn 600 cối xay gió tập trung trong một khu vực nhỏ làm nhiệm vụ cưa gỗ, xay bột, sản xuất thuốc nhuộm, sơn, dầu…, tạo thành một khu công nghiệp đầu tiên trên thế giới.
Thế kỷ 17, 18 là thời gian cực thịnh của thị trấn này. Tàu thuyền đóng ở đây đã đưa người Hà Lan khám phá nhiều nơi trên thế giới. Khi khoa học kỹ thuật tiến bộ, người ta biết dùng sức máy nổ thay cho sức gió thì nơi đây bớt quan trọng, các cối xay gió hư hỏng dần.
Tại Zaanse Schans hiện có 13 chiếc cối xay gió, trong đó có 6 chiếc cối xay gió cổ có tên riêng, được bảo tồn nghiêm ngặt và nguyên vẹn, nằm dọc theo bờ sông Zaanse thơ mộng.
Được xây dựng từ 3-4 thế kỷ trước, mỗi cối xay gió ở Zaanse Schans đều có kiến trúc, kích thước và nội thất khác nhau, có cái mở cửa cho du khách vào bên trong, leo lên trên cao để ngắm cảnh xung quanh.
Tất cả những cối xay gió này ban đầu không phải được xây dựng ở địa điểm hiện tại mà rải rác ở các nơi trong vùng. Tới năm 1961, người ta bắt đầu khôi phục Zaanse Schans bằng cách di dời và tái dựng lại những cối xay gió, những ngôi nhà cổ xưa với kiểu cách kiến trúc của người Hà Lan, tạo thành một bảo tàng mở thu hút một triệu du khách mỗi năm.
Những cối xay gió đóng vai trò quan trọng trong việc định hình Hà Lan, cho thấy sự sáng tạo, bền bỉ của người dân nước này.
Qua nhiều thế kỷ, Hà Lan đã xây dựng được hệ thống đê hoàn thiện, thế nhưng vai trò và ý nghĩa của cối xay gió vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức của mỗi người dân.
Đền thờ thần Vệ Nữ là một trong những bảo tàng tình dục đầu tiên và lâu đời nhất trên thế giới ở Hà Lan.