Tấn công mạng đang biến tướng vào đời sống
Giới chức Mỹ lo ngại tấn công mạng sẽ ngày càng khó đoán và gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống đời thường của người dân.
Một phần mạng lưới điện của Ukraine bỗng nhiên bị phá hỏng vào tháng 12.2015 đã từng gây xôn xao giới công nghệ. Bởi vì không ai tuyên bố nhận trách nhiệm, nhưng điều tra sau đó đã nêu ra khả năng hệ thống điện bị tấn công trực tuyến.
Một số chuyên gia nghi ngờ vụ tấn công phát xuất từ một địa điểm ở Nga, cách hiện trường khoảng 1.000km. Đây có thể là lần đầu tiên tin tặc đánh sập mạng lưới điện, song nó báo hiệu hiểm họa chiến tranh mạng là khôn lường.
Tấn công mạng đang dần biến tướng. (Ảnh minh họa: Internet)
Theo CNET, tấn công mạng có thể phá hoại các cơ sở hạ tầng quan trọng như vụ đánh vào mạng lưới điện Ukraine nói trên. Thậm chí, các vụ tấn công còn nhằm đánh cắp dữ liệu bí mật quốc gia như vụ trộm dữ liệu cá nhân trong hồ sơ của nhân viên Liên bang Mỹ hồi năm ngoái.
Ngoài ra, còn có những vụ việc liên quan tới tấn công mạng từng gây xôn xao, như trường hợp Sony phát hiện hệ thống của mình bị xâm nhập, sau khi công ty này dự tính phát hành bộ phim chế nhạo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong hội nghị về thuật toán mã hóa RSA tại San Francisco hồi tuần trước, chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh đặc nhiệm mạng Mỹ, đô đốc Michael S. Rogers đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ cơ sở hạ tầng của Mỹ bị tấn công.
“Phải đặt vấn đề là “khi nào” chứ không phải “nếu” có một tấn công quốc gia hoặc một nhóm nào đó có hành vi phá hoại nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ”, đô đốc Rogers nói.
Trong khi đó, cựu tướng lĩnh thủy quân lục chiến Mỹ Peter Pace lưu ý rằng, vũ khí mạng dễ dùng để tấn công nhưng rất khó chống lại.