Phát hiện hóa thạch thực vật lâu đời nhất trên thế giới
Việc tìm thấy hóa thạch tảo đỏ có niên đại 1,6 tỉ năm trong đá trầm tích ở Chitrakoot (miền Trung Ấn Độ) cho thấy các sinh vật đa bào dường như đã bắt đầu tiến hóa sớm hơn mốc thời gian mà con người nghĩ tới 400 triệu năm.
Hóa thạch tảo đỏ trong đá trầm tích ở Ấn Độ.
Hai hóa thạch tảo đỏ được cho là bằng chứng lâu đời nhất về đời sống thực vật trên thế giới đã được các nhà khoa học khai quật trong đá trầm tích ở Chitrakoot (miền Trung Ấn Độ).
Theo Daily Mail, các hóa thạch này có niên đại tới 1,6 tỉ năm, được bảo quản khá tốt và cho phép các nhà khoa học có thể nghiên cứu cấu trúc phức tạp của tảo nguyên thủy.
Stefan Bengtson – giáo sư danh dự ngành cổ sinh vật học tại Bảo tàng Thụy Điển cho biết: “Cấu trúc DNA của hóa thạch này đã bị phá hủy. Nhưng dựa trên hình thái và cấu trúc của hóa thạch, có thể dự đoán đây là tảo đỏ.”
Trong tế bào của hóa thạch tảo đỏ, nhóm các nhà khoa học tìm thấy sự hiện diện của lục lạp – bộ phận đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp của thực vật.
Đây là bằng chứng cho thấy các sinh vật đa bào dường như đã bắt đầu tiến hóa sớm hơn mốc thời gian mà con người từng nghĩ tới 400 triệu năm. Bởi trước đó, hóa thạch tảo đỏ lâu đời nhất từng được tìm thấy chỉ có niên đại 1,2 tỉ năm.
“Có lẽ các thực thể sống có thể nhìn thấy bằng mắt thường (được tạo nên từ sinh vật đa bào) – đã xuất hiện trên Trái đất sớm hơn chúng ta tưởng”, giáo sư Bengtson nói.
Tuy dấu hiệu lâu đời nhất của sự sống trên Trái đất là những vi khuẩn khoảng 3,5 tỉ năm tuổi. Nhưng đây đều là những sinh vật đơn sơ, chưa có nhân tế bào. Khoảng 600 triệu năm sau đó, các nguyên sinh vật mới xuất hiện. Sự xuất hiện của các nguyên sinh vật có ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến hóa của các sinh vật phức tạp bao gồm thực vật và động vật. |