Những xu hướng công nghệ camera di động của tương lai
Camera có độ phân giải "khủng" không còn là mục tiêu duy nhất mà các hãng smartphone hướng tới.
Theo nhận định của trang Android Authority, công nghệ camera di động đã phát triển nhảy vọt trong vài năm qua và là điểm nhấn chủ đạo trên smartphone. Đây cũng được xem là ngành công nghiệp không có ranh giới nên các công nghệ camera di động chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai theo nhiều cách khác nhau.
Dưới đây là 3 xu hướng công nghệ camera hứa hẹn tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai của ngành di động, đã và đang hiện diện trên các đời smartphone trong năm 2016.
Zoom quang học bằng camera kép
Corephotonic đã phát triển công nghệ zoom bằng camera kép và đã trình diễn phiên bản mới nhất cho công nghệ này vào đầu năm nay. Đó là sự kết hợp giữa 2 cảm biến máy ảnh 13MP: Một là cảm biến thông thường, và cảm biến còn lại dựa trên một thiết kế độc quyền để thu ánh sáng, kết quả cho ra khả năng zoom quang học lên đến 5X.
Ảnh chụp bởi camera kép của Corephotonic (bên phải) và camera thường (bên trái).
Mặc dù vậy, về bản chất, công nghệ của công ty này không thực sự dựa trên các ống kính hay các kỹ thuật zoom quang học bằng cơ khí như truyền thống. Thay vào đó, nó dựa trên các thuật toán bằng phần mềm để ghép các mảnh nhỏ của hình ảnh lại với nhau. Công ty cũng đã giới thiệu một phiên bản khác của công nghệ này, giúp kết hợp cảm biến 13MP và 8MP để cho khả năng zoom quang học 3X.
Hơn nữa, thuật toán kỹ thuật số và các cảm biến máy ảnh kép cũng có thể sử dụng để cải thiện việc chụp trong điều kiện ánh sáng yếu và giảm độ nhiễu của ảnh. Các camera của Corephotonic có thể hoạt động tốt với vi xử lý Qualcomm Snapdragon và công ty đang nghiên cứu để mang công nghệ này lên các nền tảng Exynos của Samsung và MediaTek.
Dừng cuộc đua độ phân giải MP
Samsung đã chọn cho mình cảm biến hình ảnh 12MP trên chiếc Galaxy S7, giảm so với cảm biến 16MP trên chiếc Galaxy S6. Một vài trong số những camera tốt nhất của ngành công nghiệp này như Nexus 6P, cũng sử dụng cảm biến độ phân giải nhỏ hơn để chứa các tế bào điểm ảnh lớn hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất thiết bị tầm trung của Trung Quốc lại bị cuốn vào cuộc đua độ phân giải camera theo thông số MP.
Camera kép kết hợp công nghệ của Leica trên smartphone Huawei P9.
Trong năm 2016, Huawei là hãng tiên phong trong việc hợp tác với Leica - công ty nổi tiếng của Đức về việc làm ra những chiếc máy ảnh và ống kính rất tốt. Theo đó, Leica và Huawei đã cùng nhau nghiên cứu và phát triển một công nghệ mới mẻ, cho chất lượng hình ảnh vượt trội. Đặc biệt, công nghệ giữa đôi bên sử dụng camera kép, nên có thể xem là sự kết hợp cùng lúc của nhiều công nghệ camera tương lai.
Trong quá trình hợp tác, Leica đã giúp đỡ Huawei nghiên cứu, đánh giá và tối ưu hóa thiết kế ống kính quang học của camera kép sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn của Leica. Bên cạnh đó, hãng này còn cùng Huawei nghiên cứu thiết kế cấu trúc cơ học của các mô-đun máy ảnh nhằm hạn chế hiện tượng phân tán ánh sáng, chẳng hạn hiệu ứng ảnh ảo và lóe sáng,...
Hiện, công nghệ ống kính Leica đã và đang được Huawei nghiên cứu, sử dụng trên một số dòng smartphone như P9, Mate 9,... và cho đánh giá ban đầu rất tốt.
Siêu ổn định quang học
OPPO và MEMS Drive Inc. đã giới thiệu công nghệ ổn định hình ảnh SmartSensor của họ tại triển lãm MWC 2016. SmartSensor là một MEMS - micro-electro-mechanical system (tạm dịch: hệ thống vi cơ điện), là nền tảng cho sự ổn định hình ảnh trên smartphone được nghiên cứu, sản xuất từ sự hợp tác giữa hai công ty nói trên. Công nghệ này hứa hẹn sẽ cải thiện công năng cho camera của điện thoại thông minh và chất lượng hình ảnh.
Cuộc đua camera di động đang trở nên nóng hơn.
Các công nghệ ổn định hình ảnh quang học bên trong smartphone thường dịch chuyển ống kính để giảm dao động lắc, bằng cách sử dụng các bộ truyền động Voice Coil Motor (VCM: động cơ cuộn dây dao động). Trong khi đó, công nghệ MEMS thực sự di chuyển cả cảm biến, tương tự như máy ảnh DSLR chuyên nghiệp, cho phép khả năng ổn định quang học được mở rộng từ hai trục lên ba trục.
Bộ ổn định ba trục này mang đến khả năng bù chuyển động cho cả trục ngang, dọc và xoay. Công nghệ này nhanh hơn và chính xác hơn đáng kể so với công nghệ chống rung OIS trên smartphone thông dụng hiện nay, đồng thời khả năng tiêu thụ năng lượng cũng thấp hơn.