Những lý do bạn nên tắt toàn bộ push notification trên điện thoại đi ngay bây giờ
Vốn dĩ được sinh ra với mục đích giúp con người không phải liên tục kiểm tra điện thoại, push notification giờ đây lại trở thành lý do chính khiến mọi người không thể rời mắt khỏi thiết bị di động.
Vài năm trở lại đây đã chứng kiến nhiều cuộc kêu gọi khẩn thiết về việc đánh giá lại mối quan hệ giữa con người và smartphone. Bên cạnh tất cả những lợi ích và tiện nghi mà chúng đem lại, điện thoại thông minh giờ đây thu hút sự chú ý của chúng ta đến mức chúng tạo ra nhiều vấn đề thực sự nghiêm trọng. Tony Fadell, Phó Chủ tịch Cao cấp của bộ phận iPod, người đã đóng góp rất nhiều vào sự ra đời của iPod lẫn iPhone, đã nói trong một phỏng vấn gần đây: “Tôi biết chính xác điều gì sẽ xảy ra nếu như tôi tách công nghệ khỏi các con của tôi, chúng sẽ cảm thấy như một phần da thịt của chúng bị xé rời ra vậy. Chúng trở nên kích động, rất kích động và chúng sẽ chẳng khác nào người nghiện trong vòng vài ngày sau đó”.
Sự thực là, smartphone không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ những tiếng kêu và tràng rung bất tận mời gọi sự chú ý của bạn. Một nghiên cứu năm 2016 của Deloitte đã tìm ra rằng trung bình mọi người nhìn vào điện thoại 47 lần mỗi ngày, con số này lên tới 82 đối với người trẻ. Năm 2013 Apple đã tự hào công bố có 7,4 nghìn tỷ lượt push notification được gửi đi qua máy chủ. Bốn năm sau, mọi việc không có chiều hướng được cải thiện.
Vậy giải pháp là gì? Tắt bỏ thông báo điện thoại đi, tắt toàn bộ. Bạn sẽ cảm thấy mình không nhớ những tràng thẻ thông báo bất tận liên tục bật sáng trên màn hình điện thoại nữa, bởi vì chúng chưa bao giờ được sinh ra dành cho bạn. Chúng tồn tại như một công cụ để giúp các ứng dụng và nhà phát triển thu hút sự chú ý của bạn bất cứ khi nào họ muốn. Cho phép một ứng dụng nào đó gửi push notification cho bạn thực chẳng khác nào để một người bán hàng nắm tai bạn kéo vào cửa hàng của họ cả. Hay nói cách khác, bạn đang cho phép người khác đưa quảng cáo vào cuộc sống của mình bất cứ khi nào họ muốn. Đã đến lúc tắt hết thông báo đi rồi.
Dồn dập và vồn vã
Vốn dĩ, push notification được thiết kế để giúp bạn không cần phải liên tục kiểm tra điện thoại. Khi BlackBerry công bố push email lần đầu tiên vào 2003, người dùng đã tỏ ra hào hứng khi họ không cần phải liên tục kiểm tra inbox và lo sợ sẽ bỏ lỡ những email quan trọng nữa. BlackBerry đã hứa với người dùng rằng khi email tới, điện thoại sẽ thông báo cho bạn, và cho tới lúc đó, bạn không cần phải lo nghĩ gì cả.
Apple đã tích hợp sâu push lên toàn hệ thống nền tảng vào năm 2008, không lâu sau đó đến lượt Google. Và thế là đột nhiên xuất hiện một cách để bất cứ ai cũng có thể nhảy vào cuộc sống của bạn, làm gián đoạn mọi thứ bạn làm và liên tục thu hút sự chú ý của bạn mọi nơi mọi lúc. Push notification rõ ràng là mỏ vàng với các nhà tiếp thị: Chúng gần như không thể phân biệt được với tin nhắn hay email nếu không nhìn vào điện thoại, và thế là bạn bắt buộc phải ngó qua màn hình trước khi quyết định bỏ qua hay mở thông báo. Công ty marketing Localytics đã viết năm 2015: “Tin nhắn push đóng vai trò rất lớn vào khả năng tiếp cận người dùng của một ứng dụng, và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy xu hướng sử dụng push sẽ giảm trong thời gian tới”.
Công bằng mà nói, các công ty và nền tảng chịu trách nhiệm của họ cũng đã có những nỗ lực tích cực nhằm cải thiện tình hình. Chiếc Apple Watch ban đầu được ra đời với mục đích giúp bạn không cần liên tục cầm điện thoại bằng cách hỗ trợ các bộ lọc thông minh hay thậm chí là rung thông minh có thể phân biệt giữa các thông báo quan trọng và không quan trọng. Thế nhưng thay vào đó, đồng hồ lại biến thành một thiết bị rung thứ hai, gắn ngay trên cổ tay của bạn - và thế là người dùng còn khó lờ đi hơn trước.
Sau nhiều năm “tra tấn” người dùng, Apple cuối cùng cũng đã cho phép người dùng dễ dàng bỏ qua tất cả thông báo trong một lần bấm, trong khi Google gần đây cũng đã đơn giản hóa quá trình tắt thông báo của một ứng dụng cụ thể, và dự định trong phiên bản Android tiếp theo sẽ tiếp tục nâng cấp tính năng này, cho phép người dùng quyết định tắt hay bật từng loại thông báo của riêng một ứng dụng.
Tại thời điểm này, quản lý thông báo là một trận chiến mà người dùng nắm chắc phần thua. Các báo tin tức vẫn sẽ tiếp tục gửi push noti, mời gọi bạn mở ứng dụng của họ nhiều hơn của đối thủ. Games điện thoại vẫn sẽ tiếp tục cầu xin bạn chơi nhiều hơn, để tiêu nhiều tiền hơn nữa vào các vật phẩm trong game. Các ứng dụng thu lợi nhuận từ quảng cáo vẫn sẽ tiếp tục dụ dỗ bạn mở ứng dụng để họ có thể đẩy quảng cáo lên màn hình điện thoại của bạn, dù bạn có muốn xem hay không. Không có lý do gì để bất cứ nhà phát triển nào giảm bớt push notification, kể cả là Google hay Apple - những người hạnh phúc nhất mỗi lần bạn nhìn vào màn hình điện thoại. Mọi thứ sẽ không tự trở nên tốt đẹp hơn nếu bạn không thực sự hành động.
Sự bình yên thời hiện đại
Trên cả hai hệ điều hành Android lẫn iOS đều không có lựa chọn nào cho phép tắt tất cả thông báo bằng một thao tác. Bạn phải vào sâu trong mục Cài đặt và bắt đầu tắt thủ công từng ứng dụng. Một việc tốn thời gian và tẻ nhạt, nhưng lợi ích mang lại cho bạn chắc chắn sẽ xứng đáng với công sức bỏ ra. Và nếu như bạn không thể chịu được việc không thấy thông báo, đây là một biện pháp thay thế: trên iOS, tắt mọi thứ trừ “Show in Notification Center”, và điện thoại sẽ không phát tiếng kêu, không hiện số thông báo, không hiện trên màn hình khóa, không gì cả...cho đến khi bạn kéo thanh thông báo xuống. Trên Android, lựa chọn “Show Silently” cũng có chức năng tương tự.
Bằng cách này, bạn sẽ nhận thấy bản thân giành lại được quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Bạn có thể lướt Facebook và trò chuyện với bạn bè khi bạn rảnh, không phải khi Facebook ra lệnh cho bạn trả lời một bình luận nào đó,bạn xem YouTube khi bạn muốn xem, không phải khi có thông báo YouTuber ưa thích của bạn vừa đăng tải video nóng hổi mới. Đó chính là quyền kiểm soát nằm trong tay bạn. Đó, chính là sức mạnh.
Lỗi “Không tìm thấy trang“ (404) được sáng tạo theo nhiều phong cách độc, lạ.