“Ngày tàn” của truyền hình analog
Người dân nên chuyển sang truyền hình cáp số, số vệ tinh (chảo) hoặc mua đầu thu.
Từ ngày 15-6, tại thành phố Hà Nội, Cần Thơ và TP HCM đã chính thức ngắt sóng các kênh truyền hình analog theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT). Người dân ở 3 địa phương này và các tỉnh lân cận đã không còn xem được 6 kênh truyền hình analog.
1.000 hộ bị ảnh hưởng
Việc ngắt sóng các kênh truyền hình analog tại Hà Nội, Cần Thơ và TP HCM bắt đầu từ lúc 8 giờ ngày 15-6. Cụ thể, Hà Nội ngừng phát các kênh VTV6, H2, VTC9; Cần Thơ tắt đủ 4 kênh VTV5-TNB, VTV6, VTV9 và VTC9; TP HCM tắt các kênh VTV6, VTV9 và VTC9. Ghi nhận tại Thái Bình, người dân không còn xem được VTV6, H2, VTC9 phát từ Hà Nội. Các tỉnh, thành lân cận TP HCM cũng không còn xem được các kênh đã ngắt.
Ngoài ra, tất cả các máy phát sóng truyền hình tương tự mặt đất của VTV và VTC đặt tại tỉnh Bình Dương và phát các kênh chương trình VTV6, VTV9, VTC9 phủ sóng địa bàn TP HCM cũng ngừng hoạt động kể từ ngày 15-6. Cục Tần số vô tuyến điện cho biết việc tắt sóng truyền hình analog đã được thực hiện đúng theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình.
Nhiều kênh truyền hình analog bị ngắt sóng khiến người dân tại tỉnh Long An chỉ còn xem được một vài kênh Ảnh: Thanh Tâm
Ngay trong ngày ngắt sóng một số kênh analog, qua tìm hiểu tại các hộ gia đình ở khu vực phía Nam như TP HCM, Long An, Bình Dương, Tây Ninh…, chúng tôi nhận thấy tại một số nơi, người dân tỏ ra bất ngờ do không nắm bắt thông tin. Ông Nguyễn Văn Tư (ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM) nói: “Gia đình tôi bắt tivi bằng ăng-ten trời, tự dưng màn hình nổi hột. Tôi ra xoay ăng-ten hoài không được, hỏi thì mới biết bị ngắt sóng”. Một số người dân phản ánh không nhận được thông tin từ cơ quan quản lý hay từ nhà đài về việc tắt sóng này. Ngoài ra, một số nơi khi được hỏi về việc số hóa truyền hình đang diễn ra thì người dân cũng cho biết chưa nắm rõ. Một chuyên gia về viễn thông tại TP HCM cho hay do thông tin tuyên truyền không được phổ biến rộng rãi, nhất là trên chính các kênh ngắt sóng dẫn đến nhiều người dân không biết.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Truyền hình Kỹ thuật số Miền Nam (SDTV), đơn vị chịu trách nhiệm triển khai truyền dẫn, số hóa truyền hình khu vực phía Nam - số lượng người xem bị ảnh hưởng về việc ngắt sóng này là không nhiều. “Tại TP HCM, số hộ gia đình bị ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình analog là khoảng hơn 100.000, chiếm 5,5% trong tổng số 1,8 triệu hộ xem truyền hình” - ông Hòa nói.
Không khó xem truyền hình số
Theo kế hoạch, vào ngày 15-8, tại 4 thành phố gồm Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ và Hải Phòng, các kênh truyền hình analog sẽ bị tắt sóng hoàn toàn. Tất cả các máy phát sóng các kênh truyền hình tương tự mặt đất còn lại của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đặt tại tỉnh Bình Dương phủ sóng địa bàn TP HCM cũng phải ngừng hoạt động từ thời điểm này. Theo đó, sẽ có 19 tỉnh lân cận của 4 thành phố trên bị ảnh hưởng.
Với việc ngắt sóng này, đại diện Bộ TT-TT cho rằng người dân không nên hoang mang bởi để xem được truyền hình, chỉ cần mua đầu thu kỹ thuật số đạt chuẩn hay đăng ký sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền hoặc mua tivi mới đã được tích hợp đầu thu kỹ thuật số.
Đại diện kỹ thuật Công ty TNHH Điện tử Viễn thông Nguyễn Đức tại TP HCM hướng dẫn: Để được xem các kênh truyền hình như trước đây, người dân có thể lựa chọn đăng ký dịch vụ truyền hình cápsố, số vệ tinh (chảo), truyền hình thông qua đường truyền internet (hay còn gọi là IPTV). Trường hợp khác, nhất là đối với người dân ở các tỉnh, nên mua đầu thu DVB-T2 (kiểm tra tivi có tích hợp đầu thu này hay không) để bắt sóng các kênh truyền hình số.
Theo ghi nhận của chúng tôi, do số lượng người sử dụng ăng-ten trời tại TP HCM không nhiều nên tình trạng đổ xô đi mua đầu thu DVB-T2 không xảy ra. Ông Mai Văn Phong, chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tử viễn thông trên đường 3 Tháng 2 (quận 10, TP HCM), cho hay gần như không có biến động gì về thị trường đầu thu DVB-T2 tại TP HCM. Tuy nhiên, sức mua đầu thu DVB-T2 ở các tỉnh đang có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân là do ở các tỉnh, số lượng người sử dụng truyền hình analog vẫn còn nhiều nên cần đầu thu DVB-T2 để xem truyền hình số.
Trên 454.000 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ Liên quan đến việc số hóa truyền hình tại TP HCM, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, cho biết theo quyết định của UBND TP, có 18.037 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn sẽ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số DVB-T2. Còn ở phạm vi 4 TP Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP HCM và 19 tỉnh lân cận dự kiến có trên 454.000 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đầu thu. |