Lo 4G phập phù, tốn kém

Cũng như 3G, người dùng hoài nghi về chất lượng của 4G khi được phủ sóng trên diện rộng.

Viettel và MobiFone đều đã thử nghiệm thành công dịch vụ 4G LTE/LTE-Adv tại băng tần 1.800 MHz ở một số địa bàn. Các cơ quan quản lý đang yêu cầu các nhà mạng nhanh chóng hoàn tất hồ sơ xin cấp phép triển khai chính thức 4G. Tuy nhiên, người dùng vẫn còn lo lắng về tốc độ, giá cước và các dịch vụ nội dung đi kèm.

Sớm cấp phép 4G

Theo kết quả thử nghiệm dịch vụ mạng 4G tại Phú Quốc và một số quận ở TP HCM của VNPT VinaPhone, tốc độ download nhanh nhất lên tới 584 Mbps, là tốc độ thực tế được ghi nhận cao nhất châu Á. Đại diện VNPT VinaPhone cho biết khả năng cung cấp tốc độ download hơn 200 Mbps tại thời điểm hiện tại và sắp tới có thể đạt 600 Mbps.

Lo 4G phập phù, tốn kém - 1

Người dùng Việt Nam đang chờ trải nghiệm 4G Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Viettel cũng đã thử nghiệm dịch vụ 4G tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tốc độ 4G tại TP Vũng Tàu đạt trung bình từ 40-80 Mbps, gấp 7 lần so với tốc độ trung bình của 3G. Tại một số điểm tốc độ có thể đạt đến 230 Mbps, gần với tốc độ lý tưởng theo lý thuyết (công nghệ 4G LTE-A cao cấp hiện nay có thể đạt tốc độ download 300 Mbps, upload 150 Mbps). Dịch vụ 4G của MobiFone thử nghiệm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đạt tốc độ tải xuống/tải lên lên đến 225 Mbps/75 Mbps, gấp 10 lần 3G.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), hiện các nhà mạng đã hoàn tất thủ tục xin cấp phép 4G sử dụng băng tần 1.800 MHz. Sau khi các doanh nghiệp (DN) viễn thông hoàn tất báo cáo kết quả thử nghiệm sẽ chính thức cấp phép 4G. Cục Tần số vô tuyến điện cũng đã được Bộ TT-TT yêu cầu chuẩn bị phương án cấp phép băng tần 2.600 MHz cho 4G. Theo dự kiến, việc cấp phép 4G chính thức cho các DN viễn thông có thể được triển khai ngay trong tháng 9, đầu tháng 10.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, cho biết để thúc đẩy lĩnh vực viễn thông và internet phát triển đột phá sắp tới, cần sớm cấp phép 4G cho các DN viễn thông. Việc 4G được triển khai sẽ giúp viễn thông lẫn internet Việt Nam phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, nhiều người dùng, các chuyên gia vẫn còn lo ngại 4G triển khai sớm mà không chuẩn bị kỹ có thể lại “phập phù” như 3G trước đây.

Lo giá cước, dịch vụ đi kèm

Anh Vũ Nguyên Bảo (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) nhận xét: “Trải nghiệm các dịch vụ trên nền 4G của một số nhà mạng tại một số khu vực trung tâm TP HCM, tôi thấy tốc độ khá nhanh so với 3G nhưng nhiều nơi khác tốc độ vẫn thất thường. Ngay cả hiện nay 3G cũng vậy, tốc độ tốt ở các đô thị lớn nhưng khu vực ngoại tỉnh, một số vùng xa thì rất tệ. Nếu 4G không cải thiện tốc độ và sự ổn định thì chẳng khác biệt gì 3G”.

Giá cước 4G cũng là vấn đề người dùng quan tâm. Trong thời gian thử nghiệm, đến nay, chỉ có MobiFone cung cấp giá cước 4G cụ thể với 4 gói cước, trong đó gói thấp 120.000 đồng/30 ngày sử dụng cho 3 GB dữ liệu. Gói cao nhất 600.000 đồng/30 ngày sử dụng cho 9 GB. So với các gói cước 3G của MobiFone hiện tại thì các gói cước 4G này không cao so với cước 3G. Chẳng hạn, gói M120 (3 GB dữ liệu dùng trong 30 ngày của 3G MobiFone) cũng có giá là 120.000 đồng như gói 4G thấp nhất. Chỉ có sự khác biệt là dùng gói 4G thì tốc độ cao hơn 3G. Còn nhà mạng Viettel, VinaPhone đã thử nghiệm 4G nhưng không công bố có gói cước cho 4G mà tính theo 3G, tức người dùng đang dùng gói cước nào của 3G thì sẽ trả phí như thế ấy dù đang chạy trên 4G.

Có thể thấy dù chưa công bố giá cước chính thức do chưa được cấp phép song các nhà mạng cũng đã “đánh tiếng” là giá cước 4G sẽ không có sự chênh lệch so với 3G. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết mức giá cước 3G hiện nay vẫn cao sau nhiều lần điều chỉnh giá cước, mức dung lượng được sử dụng. Do vậy, nếu 4G có mức cước bằng hoặc cao hơn 3G một chút cũng khó thu hút người dùng chuyển sang 4G vì 4G chỉ hơn về tốc độ (ưu thế này vẫn chưa được kiểm nghiệm thực tế khi phủ sóng chính thức trên diện rộng).

Một chuyên gia viễn thông tại TP HCM khuyến cáo các nhà mạng cần thận trọng khi triển khai 4G để tránh lặp lại các khiếm khuyết của 3G. Hiện nay, số lượng các thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G chưa nhiều, chỉ có các thiết bị cao cấp và trung cấp có hỗ trợ 4G, thậm chí nhiều mẫu iPhone cũng chưa được Apple mở mạng 4G để sử dụng tại Việt Nam. “Số lượng thiết bị hỗ trợ kết nối 4G còn ít có thể ảnh hưởng đến số thuê bao 4G. Bên cạnh đó, các dịch vụ nội dung hỗ trợ 4G hiện cũng chưa có nhiều, chủ yếu vẫn dựa trên nền dịch vụ của 3G. Dịch vụ nội dung nghèo nàn thì khó lòng thu hút được thuê bao” - chuyên gia này nói.

4G đang phát triển nhanh

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu GSA, hiện trên thế giới số lượng thuê bao 4G đạt 1,29 tỉ, trung bình có 2 triệu thuê bao mới đăng ký 4G mỗi ngày. Dự kiến tới năm 2021, thế giới sẽ có khoảng 4,3 tỉ thuê bao 4G. Hiện tại, trên thế giới đã có 521 nhà mạng triển khai 4G tại 167 quốc gia, có khoảng 5.600 loại thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G. Các chuyên gia nhận định: Thời điểm này đã đạt đến mức độ chín muồi về công nghệ và thiết bị cho 4G trên toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chánh Trung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN