Khổ đau khi những ông lớn công nghệ ‘gãy gánh’
Các tập đoàn công nghệ đóng cửa sản xuất các sản phẩm hay các dịch vụ, thường không phải các hãng mà chính người dùng là khổ nhất.
Chuyện tập đoàn công nghệ Internet Yahoo phải rao bán mảng kinh doanh Internet của mình cho nhà mạng di động Verizon không phải chỉ ảnh hưởng trong nội bộ của họ. Theo đó hơn một tỉ người dùng thật sự hằng tháng (số liệu tháng 2-2016) cũng sẽ dễ bị “văng miểng” lây. Họ không rõ sau khi đã hoàn tất thủ tục pháp lý vào năm 2017 này, ông chủ mới Verizon sẽ “xử” ra sao với dịch vụ email miễn phí của Yahoo.
Người dùng bị vạ lây
Xét về nhiều khía cạnh, việc mất địa chỉ email còn gây nhiều khó khăn cho người dùng hơn là mất tài khoản một mạng truyền thông xã hội nào đó, ngay cả với Facebook. Ai lỡ mất tài khoản Facebook thì vẫn có thể dễ dàng tạo một tài khoản khác rồi với công nghệ và đặc thù của mạng xã hội này, dần dần các bạn cũ lại “châu về Hợp Phố” với nhau. Trong khi đó, thay đổi địa chỉ email có nghĩa là mất các mối liên lạc, phải in lại các name card, giấy tờ…, thậm chí còn phải làm các thủ tục để đăng ký lại với các dịch vụ Internet như ngân hàng, điện lực, bảo hiểm, hàng không…
Không chỉ các hãng phần mềm, các nhà sản xuất phần cứng cũng làm người tiêu dùng đau khổ không kém. Rộ đám nhất là trên thị trường di động khi có hàng lô lốc thương hiệu điện thoại di động sớm nở tối tàn. Nếu như thương hiệu được bán cho chủ mới, khách hàng còn có khả năng được chủ mới tiếp tục duy trì chế độ bảo hành, hậu mãi. Còn trong trường hợp xui xẻo tận cùng mạng, nhà sản xuất không còn nữa, khách hàng coi như bị bỏ rơi, phải chấp nhận thương đau.
Nổi đình đám nhất trong thời gian gần đây là vụ hãng Nokia (Phần Lan) từng là nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới. Sau đó hãng này bán cho Microsoft và chìm lỉm trong hàng tá thương hiệu. Gần đây nhất là BlackBerry cũng khiến người dùng ngao ngán khi hãng này tuyên bố ngưng sản xuất và nhường quyền cho đối tác Trung Quốc.
Yahoo Mail vẫn là sự lựa chọn của không ít người dùng. Ảnh: INTERnET
Không nên quá lệ thuộc một dịch vụ
Chuyện các sản phẩm phần cứng thì dù sao người dùng vẫn có thể chọn sản phẩm khác. Quan trọng nhất là các dịch vụ sử dụng quen thuộc, giải pháp nào trong trường hợp cụ thể mất địa chỉ email của Yahoo? May mắn là bạn có các mạng truyền thông xã hội để thông báo cho bạn bè. Nhưng xin lưu ý là chỉ nên cho biết mình đã thay đổi địa chỉ email mới, có gì sẽ inbox từng bạn một, chớ nên công bố địa chỉ email của mình lên mạng xã hội kẻo có thể chuốc lấy lắm muộn phiền sau này.
Nhưng cách tốt nhất và có tính lâu dài nhất vẫn là sử dụng hai dịch vụ email khác nhau song song nhau. Đó là cách giúp những người lâu nay sử dụng cả email Yahoo lẫn email của Google đỡ khốn đốn khi có một địa chỉ email bị mất.
Ngoài chuyện đại sự là Yahoo Mail, trong thực tế người ta vẫn nhiều lần phải thay đổi những dịch vụ công nghệ trên Internet khác do nhà cung cấp ngừng hoạt động hay người dùng chán nên nhảy sang dịch vụ khác. Chuyện này có thể gây bỡ ngỡ lúc ban đầu, thậm chí bị mất một số tính năng cần thiết hay quen dùng nhưng rồi cũng xong vì người dùng vẫn tiếp tục xài được dịch vụ mà mình cần. Chẳng hạn như chuyển đổi giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet, truyền hình cáp...
Dĩ nhiên, vật đổi sao dời là bình thường, nhất là trong lĩnh vực công nghệ vốn phát triển và thay đổi với tốc độ chóng mặt và có sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Chỉ tội cho những người dùng công nghệ, đặc biệt là những khách hàng trung thành xui rủi khi nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ ngừng hoạt động hoặc thay tên đổi chủ. Nếu ở những nước có hệ thống pháp luật mạnh mẽ, họ có thể được bảo vệ khi nhà sản xuất bị ràng buộc bởi những quy định luật pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Còn nói chung thì coi như may nhờ rủi chịu.
Bán xong mất luôn thương hiệu Người dùng máy tính IBM một thời lừng lẫy của Mỹ đã lao đao khi hãng IBM năm 2005 bán mảng sản xuất máy tính cho hãng Lenovo (Trung Quốc). Hãng Lenovo giờ chỉ còn giữ lại thương hiệu ThinkPad của IBM mà thôi. Thương hiệu máy tính Compaq (Mỹ) ra đời từ năm 1982 đến năm 2002 được bán cho hãng đồng hương HP để rồi tới năm 2013 bị cho về hưu mất thương hiệu. Hay hãng máy ảnh Mỹ Kodak ra đời năm 1888 tới năm 2012 phải tuyên bố phá sản và không còn sản xuất máy ảnh nữa. Công ty Samsung Điện tử (Hàn Quốc) năm 2016 đã bán mảng sản xuất máy in lại cho hãng HP với giá 1,05 tỉ USD. Tất nhiên, máy in Samsung sẽ không còn xuất hiện trên thị trường. |