Hàng loạt quốc gia áp dụng chính sách “cứng” của châu Âu với Facebook
Trung Quốc không chỉ là bức tượng sừng sững chặn đứng Facebook bước chân vào cánh cổng quốc gia đông dân nhất thế giới, Facebook còn đối mặt với làn sóng phản đối tại châu Âu. Ngay cả ở châu Phi, nơi mạng xã hội tình nguyện mang Internet miễn phí đến, Facebook cũng bị “hạch sách” lên xuống.
Hàng loạt quốc gia "học" châu Âu buộc Facebook bảo vệ quyền riêng tư người dùng
Mùa hè năm ngoái, rất nhiều email đã được chuyển đi chuyển lại giữa các thành viên trong nhóm chính sách toàn cầu của Facebook. Họ đang hoàn thiện kế hoạch kéo dài hơn hai năm với WhatsApp, ứng dụng nhắn tin mà Facebook đã mua vào năm 2014, để chia sẻ dữ liệu với một tỷ người dùng của công ty mẹ mới. Facebook dự định sử dụng dữ liệu để điều chỉnh quảng cáo trên các dịch vụ khác của Facebook và ngăn chặn spam trên WhatsApp.
Nhưng có một vấn đề lớn: đó là làm thế nào để giành chiến thắng trước các nhà quản lý thận trọng trên toàn thế giới.
Vào cuối tháng 10/2016, 28 cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia của châu Âu đã cùng nhau kêu gọi Facebook ngừng chia sẻ dữ liệu người dùng
Mặc dù kế hoạch kỹ lưỡng, Facebook vẫn trúng một phản ứng dữ dội. Một tháng sau khi thỏa thuận chia sẻ dữ liệu mới bắt đầu vào tháng 8/2016, các quan chức bảo mật của Đức đã ra lệnh WhatsApp ngừng truyền dữ liệu của 36 triệu người dùng lên Facebook, tuyên bố mọi người dùng WhatsApp vẫn chưa đủ thông tin về việc chia sẻ dữ liệu này. Cơ quan bảo vệ sự riêng tư của Anh sau đó cũng đã có hành động giống với Đức.
Vào cuối tháng 10/2016, 28 cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia của châu Âu đã cùng nhau kêu gọi Facebook ngừng hành vi trên. Facebook đã phải lặng lẽ xóa bỏ kế hoạch của mình ở châu Âu. Hãng tiếp tục thu thập thông tin của người dùng ở nơi khác, bao gồm cả Mỹ.
Isabelle Falque-Pierrotin, cơ quan quản lý sự riêng tư của Pháp, cho biết: "Nhận thức về việc dữ liệu người dùng bị các công ty sử dụng ngày càng tăng”.
Sự rút lui của Facebook cho thấy châu Âu đã vận dụng hiệu quả các quy định - bao gồm những quy tắc về bảo vệ quyền riêng tư - để kiểm soát internet.
Mục đích của các nhà quản lý châu Âu là cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu từ các bài đăng trên mạng xã hội, từ các tìm kiếm và mua bán trực tuyến. Facebook và những người khổng lồ công nghệ khác thường dựa vào đó để theo dõi thói quen của người dùng.
Giờ đây, các nhà quản lý từ Colombia đến Nhật Bản thường bắt chước quan điểm của Châu Âu về tính riêng tư trên mạng internet.
Trong các cuộc phỏng vấn, Facebook phủ nhận việc hãng lỏng lẻo với các thông tin trực tuyến của người dùng và khẳng định họ tuân thủ quy định của các quốc gia. Facebook đặt ra câu hỏi liệu châu Âu có thực sự hiệu quả trong việc bảo vệ sự riêng tư của các cá nhân, khi châu lục này tiếp tục thua kém Mỹ và Trung Quốc về mọi thứ kỹ thuật số.
Tuy nhiên, Facebook nói rằng họ tôn trọng lập trường của châu Âu về bảo vệ dữ liệu, đặc biệt ở Đức. Richard Allan, chủ tịch của Facebook về chính sách công ở Facebook cho biết: "Không nghi ngờ gì, chính phủ Đức có tiếng nói mạnh mẽ trong cộng đồng Châu Âu”.
Trụ sở chính của Facebook ở Dublin, Ireland. Công ty đã phải đối mặt với nhiều chính sách bảo vệ quyền riêng tư tại Châu Âu.
Châu Âu đã có luật về bảo vệ sự riêng tư toàn cầu. Người dùng Facebook, ngoại trừ người Bắc Mỹ, có gần 1,8 tỷ người, chủ yếu chịu sự giám sát của cơ quan bảo vệ riêng tư của Ireland bởi vì trụ sở quốc tế của Facebook ở Dublin (thủ đô Ireland), chủ yếu vì các lý do về thuế. Vào năm 2012, Facebook đã buộc phải thay đổi các thiết lập bảo mật toàn cầu - bao gồm cả ở Mỹ - sau khi cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu Ireland gặp phải vấn đề khi kiểm tra hoạt động của công ty ở đó.
Ba năm sau, tòa án cao nhất của châu Âu cũng đã đưa ra một thoả thuận chia sẻ dữ liệu 15 năm giữa châu Âu và Mỹ, sau khi có khiếu nại rằng Facebook đã không bảo vệ đầy đủ dữ liệu của châu Âu. Facebook phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Ngày 12/9, cơ quan bảo vệ sự riêng tư của Tây Ban Nha đã phạt Facebook 1,2 triệu euro vì không để người dùng kiểm soát dữ liệu của họ, khi Facebook thu thập thông tin từ các trang web của bên thứ ba. Các giám sát viên ở Đức, Hà Lan và các nơi khác cũng tiến hành điều tra tương tự. Facebook đang kháng cáo lên tòa án Tây Ban Nha.
Max Schrems, một luật sư người Áo, từng chỉ trích Facebook, nói rằng: "Facebook đơn giản không thể đưa ra một sản phẩm phù hợp cho tất cả các nước trên thế giới”.
Đáng lo ngại hơn cho Facebook là quan điểm bảo vệ quyền riêng tư của châu Âu đã lan ra nhiều nơi trên thế giới. Các quốc gia từ Brazil đến Malaysia, rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của Facebook, cũng đã đưa nhiều nguyên tắc riêng tư của châu Âu vào luật pháp của họ.
Và cuộc chơi tại Kenya...
Facebook đang cố gắng trở thành "internet" của châu Phi
Bị chặn ở Trung Quốc và gặp rắc rối với các nhà quản lý châu Âu, Facebook đang cố gắng trở thành "internet" của châu Phi. Trợ giúp mọi người trực tuyến, trợ cấp truy cập, cố gắng tung ra vệ tinh để Internet tới tận các thị trường mà họ mong muốn, Facebook đã trở thành một lực lượng thống trị trên một lục địa nhanh chóng “online toàn dân”.
Nhưng điều đó lại mang đến cho Facebook thứ quyền lực khiến một số nước châu Phi không thoải mái.
Và kết quả là một số quốc gia đã chặn truy cập, một số phàn nàn Facebook có thể giết chết các sáng kiến kinh doanh trực tuyến của đối thủ.
Đối với những người Kenya như Phyl Cherop, 33 tuổi, một doanh nhân ở Nairobi, đời sống trực tuyến đã bị mạng xã hội thống trị. Cô đã từ bỏ cửa hàng của mình trong một khu trung lưu của thành phố vào năm 2015 để bán hàng trên Facebook và WhatsApp.
Cherop cho biết: "Tôi đã bỏ cửa hàng vì mọi người không đến nữa", cô bán những đồ vật như áo cưới, sách giáo khoa. Cô nói thêm rằng thiết lập một website cũng không bằng dùng Facebook. “Tôi thích sử dụng Facebook vì đó là nơi khách hàng của tôi xuất hiện. Điều đầu tiên mọi người muốn làm khi mua smartphone là mở một tài khoản Facebook”.
Khi Facebook săn tìm người dùng, khát vọng của hãng đã chuyển sang các nền kinh tế mới nổi, nơi có những người như Cherop sống. Chưa đến 50% dân số Châu Phi có kết nối internet, và quy định quản lý cũng thường rất thô sơ.
Kể từ khi Facebook thâm nhập châu Phi khoảng một thập kỷ trước đây, Facebook đã trở thành nền tảng công nghệ thống trị của khu vực. Theo thống kê của Facebook, khoảng 170 triệu người - chiếm 2/3 số người dùng Internet từ Nam Phi đến Senegal - sử dụng nền tảng của hãng, tăng 40% từ năm 2015.
Công ty đã hợp tác với các nhà mạng địa phương để cung cấp các dịch vụ internet cơ bản miễn phí - tập trung vào các dịch vụ của Facebook. Hãng cũng đã xây dựng một phiên bản Facebook nhỏ gọn để chạy trên các điện thoại giá rẻ phổ biến ở châu Phi.
Một quán cà phê Internet ở Nairobi, Kenya. Châu Phi, nơi nhiều người chỉ mới bắt đầu online, là một sân chơi cho các công ty internet như Facebook.
Facebook cũng đang đầu tư hàng chục triệu USD, cùng các nhà mạng xây dựng một kết nối Internet cáp quang dài 500 dặm ở nông thôn Uganda. Tổng cộng, hãng đang làm việc với khoảng 30 chính quyền khu vực về các dự án số.
Facebook cũng đang chạy đua giành lợi thế trước các đối thủ như Google hay các đối thủ Trung Quốc, trong đó có Tencent, tại châu Phi. Google đã xây dựng mạng internet cáp quang ở Uganda và Ghana. Tencent đã phát hành WeChat tại Nam Phi.
Facebook cũng gặp phải một số trở ngại tại châu Phi, như bị chặn truy cập trong cuộc bầu cử hoặc các cuộc biểu tình chính trị. Uganda cũng đã tiến hành các hành động pháp lý tại các tòa án của Ireland để buộc mạng xã hội phải nêu tên một blogger vô danh đã chỉ trích chính phủ.
Tại Kenya, một trong những quốc gia kết nối nhất của châu Phi, Facebook gặp ít sự phản đối hơn. Facebook đã tiếp cận Kenya, nước có 48 triệu dân, vào năm 2014. Hãng đã hợp tác với Airtel Africa, nhà mạng của Kenya, để ra mắt dịch vụ Free Basics của Facebook – phiên bản mạng xã hội miễn phí, để người dùng truy cập vào tin tức, sức khỏe, công việc và các dịch vụ khác.
Gói Free Basics hiện nay cho phép người Kenya sử dụng Facebook và dịch vụ Messenger miễn phí, cũng như đọc tin tức từ một tờ báo Kenya và xem thông tin về các chương trình y tế công cộng. Joe Mucheru, Bộ trưởng Công nghệ của Kenya, cho hay ít nhất nó cũng mang lại cho người dân của ông một cơ hội truy cập internet.
Tuy nhiên, kế hoạch của Facebook không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều người Kenya chỉ dùng Free Basics như một sự “dự phòng”, khi điện thoại của họ hết tiền.
"Free Basics? Tôi không thường xuyên sử dụng nó ", Victor Odinga, 27 tuổi, một kế toán tại trung tâm thành phố Nairobi cho biết. "Thỉnh thoảng tôi mới dùng, đơn giản vì không ai muốn bị xem là không đủ tiền để online”.
Theo báo New York Times của Mỹ, mạng xã hội Facebook, đang phải đối mặt với những chính sách quản lý cứng rắn, kiên quyết...