Đại gia công nghệ sụp đổ
Chậm thay đổi, nhiều hãng công nghệ nổi tiếng một thời phải bán mình hay chỉ tồn tại vật vờ
Mặc dù cái chết đã được báo trước từ rất lâu nhưng ngày 25-7 vừa qua, khi nghe tin Yahoo phải bán mảng kinh doanh internet cho Công ty Viễn thông Verizon Communications (VC - Mỹ), người dùng toàn thế giới đã không khỏi ngậm ngùi bởi quy mô ảnh hưởng của Yahoo quá rộng lớn, đặc biệt là dịch vụ email có 281 triệu người dùng trên toàn cầu vào tháng 12-2012. Nhiều triệu người vẫn thường xuyên theo dõi tin tức thế giới qua dịch vụ Yahoo News đã được bản địa hóa theo từng nước, trong đó có Việt Nam. Yahoo chính là một điển hình mới nhất trong chuỗi sụp đổ của những “ông lớn” hay “đế chế” công nghệ.
Bảo thủ, thiếu tầm nhìn
Từ điển Wikipedia mô tả cập nhật về Yahoo lúc này: Từng là website phổ dụng nhất ở Mỹ, Yahoo bắt đầu sa sút dần từ cuối những năm 2000. Số tiền 4,8 tỉ USD mà VC bỏ ra để mua mảng internet của Yahoo xét chiều nào cũng quá bèo bọt so với giá trị hơn 100 tỉ USD mà Yahoo từng được định giá trước đây. Năm ngoái, VC cũng đã mua lại mảng kinh doanh internet của AOL (công ty chuyên cung cấp dịch vụ internet của Mỹ) với giá 4,4 tỉ USD. Bán mảng kinh doanh internet được ví như Yahoo bán đi “xương sống” của mình. Có thông tin rằng thương vụ mua bán không liên quan gì tới khoản cổ phần 15% của Yahoo trong tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba và 35,5% cổ phần trong Yahoo Japan.
Nhiều người dùng ngậm ngùi cho những thương hiệu một thời
Có thể nói, công nghệ là lĩnh vực kinh doanh dễ khởi nghiệp nhất nhưng cũng dễ tiêu đời nhất. Nếu với các công ty công nghệ khác, sự so sánh có phần khó. Nhưng với trường hợp Yahoo, người ta có thể tìm thấy một đối thủ đầy thuyết phục là Google. Chỉ khác giữa hai “ông lớn” này là Yahoo có những gì Google có nhưng Google còn có những thứ Yahoo không có. Đơn giản vì Google không ngừng tìm tòi mở rộng phạm vi kinh doanh của mình, kể cả bên ngoài internet.
Nhiều nhà quan sát công nghệ cho rằng sự thất bại của Yahoo và nhiều công ty công nghệ khác là do bảo thủ, nặng nề, thiếu tầm nhìn xa, không có đầu óc cách tân, thậm chí ngủ quên trong hào quang chiến thắng của thời hoàng kim. Không ít công ty khi nhận ra sai lầm của mình mới vội vàng trở bộ thì đã muộn.
Vào thời kỳ đầu của công nghệ đại chúng, Yahoo làm mê mẩn người dùng với dịch vụ email miễn phí Yahoo Mail (1997), dịch vụ chat và tin nhắn tức thì Yahoo Messenger (1998). Thời đó, Yahoo Messenger là công cụ làm việc tập thể lý tưởng cho doanh nghiệp mới bắt đầu kết nối internet, nhất là doanh nghiệp có nhiều chi nhánh ở khắp nơi; là phương tiện liên lạc “nghe và nhìn tức thì” của những người có bạn bè, người thân ở xa.
Khi thời công nghệ phát triển lên cao, những công ty công nghệ “ông già, bà lão” như Yahoo nhanh chóng bị đuối hơi rồi trở thành lạc hậu. Giao thức đóng và khép kín tuy an toàn hơn nhưng không hữu hiệu so với các dịch vụ mở nhanh nhạy với xu thế thời đại. Các dịch vụ như Yahoo Messenger đã nhanh chóng tỏ ra thất thế trước các dịch vụ do các mạng truyền thông xã hội không ngừng tung ra. Yahoo Messenger như một bà lão so với cô gái tuổi trăng tròn Facebook Messenger.
Để mất cơ hội
Hồi tháng 5-2012, trang Econsultancy đã đưa ra 10 sai lầm chết người của Yahoo. Trong đó, oái oăm thay, có những sai lầm là Yahoo đã “tự hại mình”. Năm 1998, hai chuyên gia công nghệ trẻ (hai nhà đồng sáng lập trẻ của Google sau này) tìm đến Yahoo chào bán công nghệ của mình. Thay vì mua hay chí ít là nhượng quyền giấy phép công nghệ của họ, Yahoo đã làm ngơ. Và thế, Google ra đời. Năm 2000, nhận thấy tiện ích của công cụ tìm kiếm, Yahoo đã đầu tư nghiên cứu phát triển mảng này, đồng thời chọn Google cung cấp các kết quả tìm kiếm cho dịch vụ Yahoo Search. Và Yahoo đã để vuột mất cơ hội khi chê giá đắt, không chịu chi 5 tỉ USD để mua lại Google vào năm 2002. Năm 2006, Yahoo gần như có thể mua được Facebook với giá 1 tỉ USD nhưng do thị trường cổ phiếu rớt giá, Yahoo kỳ kèo giảm giá 850 triệu USD và bị Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, khước từ. Yahoo bắt đầu lao dốc và phải bán mình. Năm 2008, Yahoo bỏ qua cơ hội bán lại cho Microsoft với giá 44 tỉ USD. Tới năm 2012, giá thị trường của Yahoo chỉ còn dưới 19 tỉ USD.
Tất nhiên, trong bài này, chúng tôi chỉ đưa ra một số thông tin có liên quan chứ không tham vọng phân tích tìm nguyên nhân thất bại của Yahoo. Ở đây, chúng tôi chỉ nói về chuyện Yahoo là cái tên mới nhất, thậm chí là “ông lớn” trong làng công nghệ thế giới, đã “chết đuối” ngay giữa thời công nghệ cao, cạnh tranh khốc liệt và người dùng có quá nhiều sự lựa chọn. Công ty internet sống dựa vào các dịch vụ trên internet. Trong khi đó, Yahoo đã bị thất bại trong cuộc chiến quảng cáo trên internet trước các đối thủ Google và Facebook.
Mà liệu Yahoo có giúp cho các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới, trong đó có ở Việt Nam, có được những bài học kinh nghiệm sống còn để sinh tồn và phát triển? Chắc chắn là có nhiều và rất thiết thực. Muốn sống sót, doanh nghiệp công nghệ phải linh hoạt, nhìn xa trông rộng để dự phòng tương lai và không bỏ lỡ những cơ hội mà không phải của mình thì sẽ về tay đối thủ.
Nokia cũng nối gót Yahoo Trường hợp của Nokia cũng vậy, Stephen Elop (CEO của Nokia Phần Lan từ năm 2010-2014) bị coi là người đã tiếp tay khiến bộ phận sản xuất điện thoại, một thời số 1 thế giới của Nokia, phải bán cho Microsoft vào năm 2014 với giá 7,2 tỉ USD và 2 năm sau lại phải bán cho hãng Foxconn với giá chỉ 350 triệu USD. |