Cẩn thận trò lừa trúng xe, thưởng tiền trên Facebook
Gửi thông báo trúng thưởng trong chương trình quay số tri ân khách hàng, kẻ gian muốn lừa đảo người dùng Facebook để chiếm đoạt tài khoản và tiền của.
Với số lượng người dùng đông hơn cả dân số Trung Quốc thì không có gì khó hiểu khi Facebook trở thành mục tiêu nhắm tới của tin tặc. Theo đó, người dùng Facebook dễ dàng nhận phải các tin nhắn lừa đảo hay bị tag vào các thông tin sai sự thật...
Và mục tiêu của tin tặc, ngoài việc muốn chiếm đoạt tài khoản Facebook của người dùng đã chuyển sang mục tiêu lừa tiền người dùng. Cụ thể nhất là trò lừa đảo "tri ân khách hàng" vừa mới nổi trong gần một tháng qua.
Thông báo lừa đảo về chương trình tri ân khách hàng trên Facebook. (Ảnh chụp màn hình)
Về cơ bản, nội dung tin nhắn sẽ như sau: "Xin chúc mừng tài khoản Messenger của bạn đã may mắn trúng được giải nhất từ chương trình tri ân khách hàng Tháng 3 Quý I Năm 2015".
Theo thông tin chi tiết trong thông báo, giải thưởng do nhãn hàng Facebook Messenger và công ty Piaggio đồng tài trợ. Giải thưởng bao gồm: 01 chiếc xe máy Liberty 150 và phiếu quà tặng trị giá 75.000.000 VNĐ tiền mặt.
Nhìn vào thông báo và giải thưởng trên, hầu hết Facebooker được hỏi đều cho biết họ dễ dàng nhận ra lừa đảo. Tuy nhiên, đây là một hành vi lừa đảo mới và có phần tinh vi nên người dùng Facebook cần hết sức thận trọng.
Trong thông báo còn gửi kèm số điện thoại của một người được cho là sẽ giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn nhận giải. Tất nhiên, hành vi lừa gạt sẽ thể hiện rõ khi người này yêu cầu khai báo thông tin trên một trang web, sau đó gửi các khoản tiền hay nạp thẻ cào để làm chi phí nhận giải.
Trên ICTNews, đại diện Facebook và Piaggio cũng khẳng định, các đơn vị này không tổ chức một chương trình nào như vậy.
Bên cạnh đó, người dùng Facebook cũng cần chú ý bảo vệ tài khoản Facebook của mình để không bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt và sử dụng tài khoản sai mục đích. Như trường hợp mà phóng viên Dân Việt phát hiện ra, tin tặc đã chiếm đoạt tài khoản của chị N.T.K.Hương (Q.Tân Phú, Tp.HCM) và đổi thành tên "Thông Báo", sau đó sử dụng để phát tán thông tin lừa đảo.