Ăn cắp nội dung để up lên YouTube cũng phải cạnh tranh khốc liệt
Mặc dù những người làm nội dung trên YouTube chỉ được ăn chia một khoản tiền ít ỏi, khoảng trên dưới 10% doanh thu mà YouTube thu của nhà quảng cáo, song những đối tượng ăn cắp nội dung để chia sẻ trên YouTube cũng phải cạnh tranh nhau khốc liệt nhằm kiếm tiền quảng cáo.
Như ICTnews đã đưa tin, theo tiết lộ của đại diện Tổ hợp quảng cáo Đất Việt, nhà quảng cáo phải trả chi phí cho YouTube từ 160.000 -240.000 đồng cho 1.000 lượt xem quảng cáo, trong khi YouTube chỉ thanh toán lại cho nhà phát hành nội dung vẻn vẹn có 20.000 đồng cho 1.000 lượt xem (khoảng tầm 10%). Khoản doanh thu mà các nhà phát hành nội dung trên YouTube nhận được rất nhỏ bé so với số tiền mà họ phải bỏ ra để sản xuất nội dung, trong khi nội dung mới là thế mạnh để thu hút quảng cáo thì nhà cung cấp nội dung chỉ được chia lại khoảng trên dưới 10%.
Tuy nhiên, những người làm nội dung số lậu cũng phải cạnh tranh nhau vô cùng khốc liệt để giành giật người xem. Ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long cho hay, trước đây một bộ phim khi được phát sóng ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan thì sau 18h kể từ lúc phát sóng sẽ có bản phụ đề up lên các diễn đàn hoặc mạng Internet. Nhưng đến nay thì khoảng thời gian gán phụ đề cho các bộ phim trên các trang mạng ngày càng rút ngắn, bởi đội ngũ làm nội dung lậu tổ chức thành đội chuyên nghiệp, chuyên dịch và làm phụ đề cực nhanh để cạnh tranh nhau, thời gian này rút ngắn xuống chỉ khoảng 12 giờ, thậm chí là 30-60 phút là đã có bản ăn cắp trên các trang mạng.
Ông Nguyên cho hay, các chương trình của Đài PT-TH Vĩnh Long bị ăn cắp ở Việt Nam nhanh một cách khủng khiếp. Các nội dung vừa phát sóng là có từ 100-200 trang web, trang mạng xã hội sao chép lại bằng đủ các chiêu trò. Trước đây các trang ăn cắp sau 1-2 ngày mới đưa lên mạng thì nay họ làm giàu bằng cách “ai ăn cắp nhanh hơn”, chỉ sau khi truyền hình phát sóng 30 phút là đã có trên mạng. Ăn cắp cũng phải cạnh tranh khốc liệt, có những bộ phim nhà đài vừa chiếu 15 phút là họ làm phụ đề và đưa lên chiếu song song với các đài nước ngoài. Hành vi ăn cắp bản quyền này khiến các phim nước ngoài mà Đài mua bản quyền về bị sụt giảm lượng người xem đáng kể, nguyên nhân là phim lậu trên mạng đã khai thác hết trước đó rồi, trong khi nhà đài phải mua phim bản quyền với giá không hề rẻ.
"Sống chung với mẹ chồng" là bộ phim ăn khách bị hàng trăm kênh YouTube lấy lại.
Chính vì phim trên mạng bị ăn cắp quá nhanh nên Đài PT-TH Vĩnh Long không dám đầu tư các chương trình hay và mạnh nữa, trong thời gian gần đây Đài đã phải tính toán lại việc mua phim từ 3 nước Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc vi phim của các nước này gần như bị đưa lên mạng hết. Nếu không chấn chỉnh được vi phạm bản quyền quyền lợi của dân Việt bị ảnh hưởng vì không được xem những phim có nội dung tốt trên truyền hình nữa.
Trên thực tế, hành vi vi phạm bản quyền ngày càng đa dạng và tinh vi. Các hình thức phổ biến là tải từ các trang chính thống rồi up lại trên YouTube, Facebook hoặc trên những trang web lậu; tìm cách qua mặt hệ thống rà soát bản quyền tự động của YouTube, Facebook bằng cách bóp méo tiếng, thu nhỏ khung hình, xoay đối xứng khung hình; có trang còn lấy tín hiệu trực tiếp từ các kênh của các Đài mà không xin phép sau đó đóng gói dịch vụ và đem bán lại cho người xem hoặc phát lại để thu hút quảng cáo; tạo Facebook giả mạo các đài, post chương trình vi phạm bản quyền nhằm thu lợi bất chính; dẫn link từ YouTube về trang chủ các trang vi phạm bản quyền.
Ông Nguyên cho hay, để ngăn chặn vi phạm, Đài PT-TH Vĩnh Long đã phải dùng cách up nội dung YouTube nhưng để chế độ không ai xem được, để YouTube quét ID xác nhận bản quyền và không ai vi phạm bản quyền được nữa sau đó 1 tuần sẽ mở ra cho người xem.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng cách làm này của Vĩnh Long cũng khó có thể ngăn được nạn vi phạm bản quyền. Mà các nhà sản xuất nội dung phải ngừng đưa nội dung lên YouTube và Facebook trước khi ngăn chặn các đơn vị lậu.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim của VTV cho biết, giá trị nội dung số đang không mang lại hiệu quả kinh tế cho các đơn vị làm nội dung của Việt Nam, mà ngược lại làm chảy lợi nhuận đó ra nước ngoài. Do đó, VTV đã quyết định không up tất cả các chương trình của VTV lên YouTube nữa, mà chỉ up những video 2-3 phút, rất ngắn để quảng cáo cho chương trình. VTV nhận thấy mình phải bảo vệ tài nguyên nội dung, đồng thời để cho các đơn vị nội dung khác nhận thức được họ đừng chạy đua đẩy nội dung lên trang nước ngoài vì các nền tảng này đang là đối thủ triệt tiêu ngành truyền hình.
Việc các nhà làm nội dung Việt Nam cạnh tranh nhau đưa nội dung lên các nền tảng chia sẻ video của nước ngoài được cho là làm lớn mạnh cho các mạng xã hội nước ngoài, và thực tế là YouTube và Facebook đang dần dần “ăn hết” nguồn tài nguyên nội số của Việt Nam mà không hề bỏ bất cứ chi phí nào để sản xuất nội dung.
Với tính năng này, người xem sẽ khó bị “dụ“ nhấn vào những đoạn video câu view.