Thổn thức với nhạc xưa Hoàng Thi Thơ
Khi nhắc tới nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì khán giả yêu nhạc sẽ nhớ ngay tới một nhạc sĩ có nhiều sáng tác ở các thể loại khác nhau và ở thể loại nào ông cũng có những tác phẩm nổi bật.
Ca khúc Túp lều lý tưởng mở màn của chương trình chính Tình khúc vượt thời gian tối qua (23/3) là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông ở thể loại nhạc sôi động mà khi xưa người ta gọi là nhạc “giật”. Ca khúc này được thể hiện qua giọng hát sôi nổi của đôi song ca Thu Trang và Trần Phương.
Bên cạnh những sáng tác nhạc “giật’ thì Hoàng Thi Thơ cũng khiến khán giả bất ngờ với những ca khúc mang giai điệu quê hương như Duyên quê, hay những sáng tác theo phong cách nhạc kể chuyện như Chuyện tình người thiếu nữ tên Thi và những sáng tác trữ tình như Tà áo cưới hay Niềm đau của cát. Những ca khúc này được trình diễn bởi NSUT Ái Xuân, Đông Đào và Nguyễn Hồng Ân.
Chương trình mở đầu bằng những ca khúc "giật" sôi động
Sự đối lập trong những sáng tác của Hoàng Thi Thơ thể hiện rất rõ nét khi có những sáng tác với giai điệu và hình ảnh mang ngôn ngữ âm nhạc hiện đại phương tây, song song đó lại có những sáng tác mang đậm tình quê hương với những hình ảnh mộc mạc gần gũi và nên thơ được đặt vào trong những nét nhạc mang âm hưởng ngũ cung của âm nhạc dân tộc.
Nhạc tình của Hoàng Thi Thơ không chỉ hạn hẹp trong tình yêu đôi lứa ở trong nhiều trạng thái tình cảm khác biệt, mà còn được đặt vào một bối cảnh thiên nhiên với những cánh đồng lúa mênh mông, những nhịp cầu tre, với những đêm trăng sáng, với những câu hò đượm tình dân tộc.
Ngày càng nhiều ca sỹ trẻ hát nhạc xưa
Sự đối lập đầy thú vị này đã được thể hiện qua các tác phẩm của ông như: Rong chơi cuối trời quên lãng (thể hiện Thụy Vân), Đường xưa lối cũ (thể hiện Thu Trang), liên khúc Mấy nhịp cầu tre – Rước tình về với quê hương (thể hiện Thụy Vân, Đông Quân).
Sau phần 1 khá hấp dẫn bởi những tác phẩm quá đỗi quen thuộc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, phần 2 của chương trình là những bản tình ca không thể nào quên trong lòng người yêu nhạc Việt. Nữ ca sĩ lần đầu tiên tham gia chương trình Tình khúc vượt thời gian là Phi Nhung.
Chị đã lựa chọn hai sáng tác mà theo chị là rất hay nhưng ít người thể hiện để dành tặng cho khán giả của chương trình. Đó là Tựa cánh bèo trôi (sáng tác Hoàng Minh) và Mong chờ (sáng tác Giao Tiên).
Phi Nhung da diết với nhạc xưa
Ngoài những tình khúc vượt thời gian thì nhạc Việt cũng có những giọng ca vượt thời gian – đó là những giọng ca được yêu mến liên tục trong vài chục năm. Thời gian và sự yêu mến của khán giả chính là thước đo của tiêu chí vượt thời gian ấy và một trong những ca sĩ đó chính là Elvis Phương.
Elvis Phương ru lòng khán giả với Anh còn nợ em
Anh hát hai ca khúc tại chương trình lần này và được khán giả trầm trồ bởi chất giọng riêng biệt, đó là hai ca khúc: Anh còn nợ em (sáng tác Anh Bằng) và Tôi đi giữa hoàng hôn (sáng tác Văn Phụng).
Tiếp tục dòng cảm xúc mà những tình khúc nhạc xưa mang lại, chương trình còn chia sẻ những câu chuyện tình yêu cùng với những cảm xúc man mác buồn. Những câu chuyện tình yêu mà ta sẽ bắt gặp đâu đó một chút hình ảnh hay kỷ niệm của chính mình.
Phương Thanh nức nở với Sang ngang
Những đớn đau khi phải nói những lời an ủi “Thôi khóc làm gì, đã lỡ duyên thề thương, nhau mà chi” (Sang ngang – Đỗ Lễ) do Phương Thanh thể hiện; hay chút dằn vặt “đường xưa quên lối, tình dối người mang, tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan” (Một mình – Lam Phương, Nha Trang ngày về - Phạm Duy) do Khánh Du thể hiện.
Quang Hà gây ấn tượng với lối hát mộc
Ca sĩ Quang Hà gây ấn tượng bởi lối trình diễn mộc trên sân khấu. Anh khoe chất giọng cũng như cách luyến láy riêng trong hai ca khúc Cây đàn bỏ quên (sáng tác Phạm Duy) và Mùa thu lá bay (Nhạc Hoa lời Việt: Lệ Thanh).
Giọng ca một thời Giao Linh thể hiện ca khúc kinh điển Sầu lẻ bóng
Giọng ca một thời Giao Linh kết chương trình bằng hai ca khúc kinh điển của nhạc Việt: Sầu lẻ bóng (sáng tác Anh Bằng) và Đà Lạt hoàng hôn (sáng tác Minh Kỳ).