Danh cầm Richard Clayderman: 3 đời vợ, 2 lần đổ vỡ
Trong buổi trò chuyện với cây viết Petronella Wyatt của tờ Daily Mail, danh cầm Richard Clayderman đã chia sẻ, cuộc đời ông không phải lúc nào cũng là thảm hoa hồng. Dưới đây là bài viết của Petronella nhân dịp gặp gỡ nghệ sỹ huyền thoại khi ông tròn 60 tuổi.
Trong một căn phòng nhìn ra sông Seine (Pháp), Richard Clayderman, "hoàng tử lãng mạn", nghệ sỹ dương cầm thành công nhất thế giới đang chơi bản Moonlight Sonata ngọt ngào khiến ngay cả Caligula (bạo chúa La Mã) cũng phải bật khóc.
Đôi mắt xanh của huyền thoại 60 tuổi vẫn trong trẻo như trẻ thơ, mặc dù mái tóc đã điểm bạc. Ông không cần phải dùng máy nhịp (máy đếm nhịp) khi chơi. Richard đang được đôi cánh của thần Cupid (thần tình yêu) giúp đánh nhịp.
“Sự lãng mạn – chúng ta cần nó hơn bao giờ hết. Phải không?”- ông hỏi.
Để tán thưởng triết lý "rất Pháp" này, năm 2013 ông đã phát hành album Romantique sau hơn 10 năm ngưng hoạt động. Album này tập hợp những bản nhạc được mến mộ và kinh điển nhất của ông.
(Một phần mục đích chuyến lưu diễn châu Á trong đó có Hà Nội vào tháng 8 tới của Richard cũng để giới thiệu album này với khán giả 5 châu - PV).
Nghệ sỹ Richard Clayderman trò chuyện về cuộc đời "không hẳn hoa hồng" ngay trước khi đi lưu diễn ở các nước châu Á như Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc...
Mặc dù nổi tiếng thế giới và sở hữu thành tích bán được 85 triệu bản thu âm nhưng cuộc đời ông không phải là một lối đi êm ái thẳng tiến tới cầu vồng. Lối đi ấy được đánh dấu bằng những cuộc hôn nhân tan vỡ và đau đớn.
Thậm chí tên tuổi ông cũng là hư cấu đặc biệt. Sinh ra với tên thật là Philippe Pages, nhà sản xuất âm nhạc của ông đã đổi tên đó thành nghệ danh Richard Clayderman, tên cúng cơm bà cụ cố của ông. “Một người khác đã chọn cho tôi cái tên Richard và thế là tôi có nghệ danh đó,” ông nói.
Là con trai của một giáo viên dạy dương cầm, Richard Clayderman học đàn từ năm lên sáu. Ở tuổi 12, ông giành được một suất vào trường Nhạc viện Paris và giành giải nhất ở cuộc thi tốt nghiệp.
“Tôi từng cân nhắc theo đuổi sự nghiệp âm nhạc hàn lâm, nhưng tôi cũng thích thể hiện những tác phẩm phổ biến” - ông chia sẻ về thời gian bắt đầu sự nghiệp. Sau đó, một sự bất ngờ “tàn ác” đã đẩy ông vào thế khó. Khi cha Richard bị ốm, nghệ sỹ trẻ phải làm việc trong một phòng thu để hỗ trợ tài chính cho gia đình.
“Cha tôi mất năm 40 tuổi. Ông ấy chưa bao giờ thấy được thành công của tôi”, danh cầm tâm sự.
Sau đó không lâu, Clayderman cưới người vợ đầu tiên, Rosaline, ở đúng tuổi 18 thơ ngây. Cưới vợ sớm không hề lãng mạn?. Ông lắc đầu: “Không hẳn thế. Chúng tôi cưới vì cô ấy có bầu. Khi chưa đủ trưởng thành mà bạn kết hôn là một sai lầm.” Họ ly hôn hai năm sau, khi sự nghiệp của Richard Clayderman bắt đầu khởi sắc từ đây.
Nghệ sỹ Richard Clayderman và cây viết Petronella Wyatt trong lần trò chuyện đầu năm 2013
“Tôi làm việc chăm chỉ. Tôi cống hiến cả đời tôi vào sự nghiệp âm nhạc. Điều đó không giúp ích được cho cuộc sống riêng nhưng tôi biết mình có thể kết nối với khán giả” - nghệ sỹ gạo cội giải thích.
Sự đột phá đầu tiên bắt đầu năm 1977 khi ông được đề nghị thu âm một bản nhạc mới mang tên Ballade Pour Adeline - một trong những bản nhạc đầy tính thôi miên người nghe và đưa Clayderman trở thành cái tên nổi tiếng thế giới.
Cách tiếp cận giàu tính giao hưởng trong bản nhạc này của Richard từng được so sánh giống với phong cách của nghệ sỹ Liberace (nghệ sỹ Piano nổi tiếng nước Mỹ), nhưng người đàn ông Pháp lắc đầu: “Tôi không copy của ai cả. Liberace có tính chất một nghệ sỹ biểu diễn hơn một nghệ sỹ piano đúng nghĩa.”
Lần đầu tiên Richard Clayderman được người hâm mộ Anh Quốc biết đến là năm 1982, qua một chuyến lưu diễn để quảng bá album đầu tay. Mặc dù album đầu tiên này chỉ có thể đặt hàng qua mail, nhưng đã có hàng nghìn phụ nữ gửi thẳng cho ông séc thanh toán.
“Toàn thư của người hâm mộ. Toàn nữ giới! Tôi không có ý phàn nàn đâu nhưng tôi chưa bao giờ kỳ vọng điều đó. Nancy Reagan (vợ tổng thống thứ 40 nước Mỹ - Ronald Reagan) là người đã đặt cho tôi nickname là Hoàng tử Lãng mạn (Prince of Romance) khi bà đi xem một buổi hòa nhạc của tôi. Tất nhiên hai chúng tôi không có gì với nhau” - Richard Clayderman hài hước nói.
“Tất nhiên có nhiều điều cạm bẫy khó cưỡng. Tôi đã chơi nhạc ở London, Tây Ban Nha, Vienna, Mỹ Latin – một thế giới toàn những cạm bẫy,” phù thủy nhạc piano kể. Nhưng ông đã cưỡng lại được. Richard Clayderman chưa bao giờ hút thuốc, chưa bao giờ dùng thuốc phiện và thậm chí chưa bao giờ đụng vào một giọt rượu. Một người Pháp chưa bao giờ nếm sâm-panh.
“Có lần tôi đã ngửi nhưng không uống nó (sâm-panh). Cha mẹ tôi không uống rượu hay hút thuốc và khi cha tôi ốm, chúng tôi vẫn cố gắng sống lành mạnh nhất có thể”.
Ngay cả trong ngày cưới cũng không. “Nhiều người cũng thế. Lỗi lầm lớn nhất của tôi là việc kết hôn rồi lại ly hôn! Đây là điểm yếu tồi tệ bởi điều này phải trả giá cực đắt.”
Nghệ sỹ Clayderman được đệ nhất phu nhân Nancy Reagan đặt biệt danh Hoàng tử Lãng mạn
Ông gặp người vợ thứ hai, Christine, từng làm thợ hớt tóc, tại một nhà hát. Họ cưới nhau năm 1980 và có một con trai tên Peter. “Lần này, tôi là một người chồng và người cha tốt hơn (so với lần kết hôn đầu). Tôi ở bên họ nhiều hơn. Nhưng dù vậy, tôi vẫn đi lưu diễn quá nhiều và điều đó không tốt cho hôn nhân” - nghệ sỹ chia sẻ về lần thứ hai đổ vỡ hôn nhân.
“Là một Quý ông Lãng mạn có thể rất khó khăn bởi vì bạn luôn chỉ muốn trốn đi đâu đó và được một mình. Người ta cần nghỉ ngơi, kể cả nghỉ ngơi tránh khỏi sự lãng mạn” - hoàng tử dương cầm bình luận.
Ông là một nhà tỷ phú nhưng ý tưởng nghỉ ngơi của ông luôn là được lui về căn nhà khiêm tốn ở gần Versailles – Pháp và đi dạo cùng chú chó cưng. Ông có bốn chiếc xe cũ nhưng cũng đã bán hết. Richard Clayderman nói: “Tôi thích sống đơn giản. Tôi sở hữu vài bức tranh nhưng không bức nào đáng giá lắm.”
Danh cầm Richard Clayderman bắt đầu thành công năm 1977 và được người hâm mộ Anh Quốc biết đến đầu những năm 1980
Năm 2010 khi bước sang tuổi 57, ông cưới người vợ thứ 3, một nhạc công chơi violon tên Typhaine. Hiện tại, ông chung sống cùng bà. “Cô ấy là người phù hợp nhất đối với tôi, vì chúng tôi quen biết nhau đã 10 năm. Typhaine chơi trong ban nhạc đệm cho tôi, vì thế cô ấy hiểu rõ tính tôi.”
Hiện tại, ông không nghĩ nhiều về tình yêu, thay vào đó, về thuế má nhiều hơn. “Tôi đã mất quá nhiều tiền vì ly hôn. Tôi đã rất rộng lượng với các bà vợ cũ, đặc biệt người vợ thứ hai – tôi thậm chí chi trả cho cả bạn trai cô ấy! Nhưng nước Pháp của tổng thống Hollande thì không hề thân thiện với người có tiền. Các khoản thuế ngày càng cao”.
Nhưng để bỏ nước Pháp và trở thành một công nhân Nga như người đồng hương Gerard Depardieu (nam diễn viên Pháp nổi danh đã nhập quốc tịch Nga), ông không làm. “Tôi không thấy mình đi viễn xứ được. Điều đó không phù hợp với tôi. Nhưng tôi đồng cảm với những người đó (những người bỏ quốc tịch Pháp)”.
Thật may mắn với người hâm mộ, nhiệt huyết của Clayderman với cây đàn vẫn chưa tắt. Ông đã quay trở lại với chuyến lưu diễn thế giới đến châu Á, Nhật Bản, Việt Nam và Thụy Sỹ.
“Tôi sẽ tiếp tục lưu diễn đến khi nào sức khỏe không cho phép, nhưng càng già càng khó. Hàng ngày tôi đi bộ và đạp xe để giữ được hình thể. Nhưng tôi cũng ít đi lại hơn. Chứng mất ngủ vì máy bay ngày càng tệ hơn.”
"Phù thủy dương cầm" Richard sẽ biểu diễn ở Việt Nam ngày 23/8 tới
Clayderman là một cá tính riêng - điều làm nên sự nổi tiếng của ông trong âm nhạc. “Tôi khiến giới phê bình thấy khó chịu, bởi vì họ không thể đặt tôi đúng vị trí. Ngày trước tôi thường bận tâm khi các nhà phê bình thấy khó chịu về tôi, nhưng giờ làm thế là ngốc. Tôi không phải một nghệ sỹ dương cầm hàn lâm. Tôi không phù hợp và tôi đã thật hạnh phúc với điều ấy.”
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, ông cho biết: “Tôi nghĩ tôi đã tìm thấy sự hài hòa, cân bằng trong cuộc sống. Càng nhiều tuổi tôi càng cảm thấy hài lòng hơn bởi tôi có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn. Tôi không muốn là một gã điên nào đó bị ám ảnh với việc chết ngay trên sân khấu.”
Và điều mong muốn cuối cùng của ông, không phải là một cốc sâm-panh. “Thuế thấp đi”, ông cười và nói.
Bản Murmures do nghệ sỹ Richard Clayderman trình diễn
Richard Clayderman sinh năm 1953. Danh cầm 61 tuổi người Pháp sẽ có mặt tại Hà Nội trong ba ngày từ 22 đến 24/8. Ðêm diễn chính thức của ông sẽ diễn ra vào tối 23/8 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội. Ðặc biệt, trình diễn cùng danh cầm trong đêm nhạc sẽ là nghệ sĩ violin nổi tiếng Bùi Công Duy và dàn nhạc tám thành viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. |