Bu Cầu: Người mẹ thứ 2 của nghệ thuật

Nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “báu vật nhân văn sống” đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12h30 trưa ngày 3/3 tại nhà riêng ở Yên Mô, Ninh Bình, thọ 86 tuổi.

Trưa ngày Chủ nhật đang lang thang bên bờ sông Thương miền Kinh Bắc bỗng ngẩn người khi nhận một cuộc điện thoại: Nghệ nhân Hà Thị Cầu, “báu vật sống” của nghệ thuật hát Xẩm đã tạm biệt cõi nhân sinh để trở về với Tổ nghề Hát Xẩm…

1. Vẫn biết chuyện “sinh lão bệnh tử” là một cái vòng tròn bất biến của một đời người không ai có thể xoay chuyển nổi nhưng cuộc chia tay nào cũng không khỏi khiến người ở lại “luống những ngậm ngùi”.

Với nghệ nhân Hà Thị Cầu, sự chia tay đó lại càng khiến chúng tôi ngậm ngùi hơn cả. Chẳng phải chỉ bởi nghệ nhân được tất cả chúng tôi coi là một người thầy lớn từ khi Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam phục hồi nghệ thuật hát Xẩm vào năm 2005, mà còn vì tất cả chúng tôi đều gọi nghệ nhân với cái tên dân dã nhưng đầy sự trân trọng: Bu Cầu.

Gọi như thế vì chúng tôi coi nghệ nhân như người mẹ thứ hai, người mẹ đã trao cho chúng tôi tình yêu với nghệ thuật ca hát dân gian, để rồi chẳng phải nói một câu tự khắc, trong mỗi chúng tôi đã coi việc gìn giữ và đưa trở lại đời sống hát Xẩm là một sứ mệnh được người xưa trao cho Bu và Bu trao lại cho chúng tôi.

Bu Cầu: Người mẹ thứ 2 của nghệ thuật - 1

Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu trên giường bệnh tại nhà những ngày cuối đời

Còn nhớ, lần đầu tiên trở về thăm Bu Cầu, bữa ấy trời đẹp lắm, vượt hơn 100km từ Hà Nội về Yên Mô cùng chúng tôi có cả NSUT Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Thao Giang. Vừa mới bước vào cửa Bu Cầu từ trong cửa sổ ném một câu mắng phủ đầu: “Cha bố con kia đi đâu”, khiến tôi lần đầu tiếp xúc choáng.

Hóa ra trước đó từ lâu Mai Tuyết Hoa đã trở về nhiều lần và học những tiếng đàn lời ca của Bu. Và, đó là cách Bu thể hiện tình cảm đối với những người thân thiết.

Sau này nhiều lần trở về tôi cũng “nhờn” theo cái cách nói chuyện ấy mà bỏ hẳn những câu lễ phép gia giáo kiểu “kính thưa cụ, cho con xin phép hỏi” mà thường hùa vào theo kiểu của Bu để bỗng thấy đời vui hơn.

Nói chuyện tựa như với một người bạn dân gian lớn tuổi, đâm ra nhiều khi có ý hỏi chơi về tình yêu: “Bu hát hay lại xinh gái thế chắc nhiều ông chết lắm đấy nhỉ?” - Thế là Bu chu cái miệng liếc cái mắt sắc lên rồi dài cái giọng: “Cha bố mày, tao chỉ có mỗi ông Chánh Trương Mậu thôi”.

Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu sinh năm 1928, qua đời vào 12h35 phút trưa qua (3/3), thọ 86 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ sáng ngày 4/3, lễ đưa tang vào 9h30 phút ngày 5/3 tại Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình.

Ông Chánh Trương Mậu là trùm Xẩm Ninh Bình. Trong cuộc đời ca hát ông Mậu có chơi với người bạn tâm giao là trùm hát Xẩm ở khu vực Ý Yên, Nam Định là bố của bu Cầu.

Chả hiểu mê hát hay là gì nữa mà khi chưa đầy 16 tuổi cô ca sĩ Xẩm Hà Thị Năm, con gái trùm Xẩm Nam Định ấy lại về làm bà vợ thứ 18 của ông Chánh Trương Mậu. Ở với nhau sinh được 7 lần, giờ chỉ còn 3. Anh cả tên là Cầu, cô con gái tên Mận và một chị nữa sinh đôi với chị Mận nhưng do nghèo khó Bu cho đi làm con nuôi từ ngày còn nhỏ.

Kể từ khi ông Mậu mất, Bu đổi “nghệ danh” là Hà Thị Cầu, lấy theo tên anh con trai cả, đúng như các cụ ta từ xưa vẫn vậy nhưng Bu lại ở với chị Mận tại cơ ngơi là một gian nhà cấp 4 nằm ngay mặt đường liên xã, gia tài lớn nhất mà Bu đã sắm được trong cuộc đời đàn ca của mình.

2. Dẫu nghệ thuật hát Xẩm khó khăn nhiều khi tưởng đã đứt quãng nhưng đấy là trên diện rộng, chứ còn ở góc quê Ninh Bình ấy, nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn không quên miệt mài đàn ca.

Bu Cầu: Người mẹ thứ 2 của nghệ thuật - 2

Nghệ nhân Hà Thị Cầu (Ảnh chụp năm 2003). Ảnh: Tân Linh

Mà Giời cũng thương Bu, trong khi nơi nơi cứ ngày càng thích những nhạc mới, nhạc xập xình thì ở quê Bu, ngay đến đầu những năm 1990 ngày ngày Bu vẫn vác đàn tới góc chợ gần nhà hát, rồi những ngày đầu xuân, nơi nơi xa gần trong địa phương mời Bu đến hát góp vui cho hội làng, hội đình, chùa.

Người hát Xẩm thì lấy lời ca làm kế sinh nhai, hát ở đâu phải hợp với nơi đó, chiều lòng người nghe nơi đó, cho nên khi hát ở chợ Bu hát những lời ca dân dã, dễ hiểu, khi tới đình chùa, Bu lại hát những lời ca mang đầy chất nghiêm túc, khuyên răn người đời ăn ở sao cho đúng đạo hiếu với quê hương, mẹ cha.

Về với Bu nhiều thế nhưng hơn một năm mới đây khi thực hiện bộ phim Di sản một nghiệp ca cho kênh VOV TV Mai Tuyết Hoa mới hớn hở vì phát hiện thêm được một bài xẩm mà Bu ngày xưa hát ở chùa. Thế mới biết, vốn những bài hát Xẩm còn biết bao mà chúng ta đã không kịp giữ lại trong những thập niên trước đây.

3. Cuối năm rồi nhận được cuộc điện thoại của chị Mận nói Bu ốm rất nặng, đi bệnh viện ở Ninh Bình vừa trở về nhà, chúng tôi vội vã tới thăm. Thật buồn, lúc ấy Bu đã không còn nói được nữa rồi, nhưng nét mặt thì thấy rỡ rạng hơn khi chị Mận nói: “Có con Hoa và thằng Long về chơi”. Cũng chỉ ngồi với Bu được non buổi chiều thì đành chia tay.

Chị Mận không quên chia sẻ những lời dặn dò của Bu mà thấy càng yêu Bu hơn, thấy thêm trách nhiệm giữ chút hồn Xẩm cho mai sau hơn. Không yêu sao được khi mong ước của Bu lại là mong ước cho cái chung và cũng rất đơn giản, chỉ là mua cho một miếng vàng nhỏ, nửa phân cũng được, để dưới đầu của Bu, và mục đích của việc làm ấy là giúp cho nghề hát Xẩm không những chỉ được lưu truyền mà còn phát triển rộng khắp trong tương lai.

Đây là một nét đẹp truyền thống của nghề Xẩm. Khi xưa, trước khi mất ông Chánh Trương Mậu đã dặn Bu Cầu y như mới đây Bu dặn chị Mận. Có chút riêng tư trong lời dặn dò với con cái cũng chỉ là: “Khi Bu chết không được cho ai hai cái đàn nhị, mà hãy để nó ở hai bên bàn thờ để ngày ngày Bu vẫn được đánh đàn và hát ca”.

Những lúc tỉnh Bu còn nhớ rõ Bu chỉ là vợ thứ 18 nên chắc chắn Bu sẽ không về ở với gánh xẩm của ông Chánh Trương Mậu, dù Bu rất yêu ông, bằng chứng là Bu đã ở vậy từ lúc thanh xuân để nuôi con chứ không đi bước nữa. Nhưng Bu sợ vì ông đang sum vầy với chừng ấy bà thì làm gì có thì giờ dành cho Bu. Bu về với Tổ Xẩm để ca hát và xin nương nhờ cửa đình cửa Phật cho tâm hồn thêm thanh thản, chỉ có Bu và cây đàn nhị và những lời ca mà thôi…

Chia tay Bu không chọn những ngôn từ xót xa bi thương mà vẫn xôm xôm nhưng ngập tràn tình cảm vì tôi biết Bu là vậy và hát Xẩm là vậy. Cuộc đời ca hát của Bu đã trở thành huyền thoại trong lòng chúng tôi. Bu đã chọn tháng Giêng, mùa Xuân, mùa của những người hát Xẩm hành nghề để trở về với Tổ Xẩm. Ở nơi xa xôi, mong Bu bình yên và thỏa chí hát ca.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quang Long (TTVH)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN