"Những bông hoa" chưa bao giờ nhận quà 8/3
Mong ước của những phụ nữ bán hoa rong đơn giản là bán hết hàng để được về sớm với gia đình.
Gánh hoa đủ màu sắc của chị Loan
8/3 là ngày tôn vinh phụ nữ về những đóng góp, hy sinh của họ trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng trọn những điều ý nghĩa ấy trong ngày này ví như những người phụ nữ bán hoa rong.
8/3, trong khi người người, nhà nhà tấp nập tặng hoa, nhận quà thì họ vẫn một xe đạp một thúng hoa miệt mài chở mùa qua phố. Những người mẹ, người chị đó sở hữu cả một thúng hoa với đủ loại, đủ màu sắc nhưng lại chẳng có bông hoa nào trong số đó thuộc về mình.
Đứng giữa phố Xuân Diệu (Hà Nội) với gánh hoa đủ loại: hoa hồng, hoa ly, hoa hướng dương... chị Đỗ Thị Loan (45 tuổi, quê ở Bắc Giang), người từng có 5 năm bán hoa rong ở Hà Nội chia sẻ: "8/3 là ngày chúng tôi mong ngóng lắm nhưng không phải mong được tặng hoa mà là mong bán hết hoa thật nhanh để được về sớm với gia đình. Vì lỡ không bán hết thì số hoa ế vẫn là của tôi cả mà, cần gì chồng con phải tặng (cười)".
Chị chia sẻ thêm, trung bình mỗi ngày chị kiếm được khoảng 100.000 đồng tiền lãi từ việc bán hoa rong. Số tiền đó được chia ra thành từng khoản rõ ràng: 60.000 đóng tiền trọ, 16.000 tiền ăn, còn lại giành dụm nuôi con học đại học.
“Chỉ mong muốn có ngày 8/3 như những người phụ nữ bình thường khác, được ở bên gia đình, không phải đứng đường bán hoa nữa" là mong ước của chị Sáu (người cùng quê với chị Loan) trong ngày 8/3.
Khác với nhiều phụ nữ khác, chị Sáu không thích ngày 8/3 bởi để có hoa bán trong ngày này, chị phải thức thâu đêm đợi ở chợ lấy hàng, trong khi đó, ngày thường chị chỉ cần đến đợi từ lúc 4 giờ sáng.
“Ngày bình thường hoa nhiều , chỉ cần dậy từ 4h sáng là lấy được hoa nhưng ngày lễ đặc biệt như 8/3, 20/10 thì tôi phải dậy từ 1h - 2h sáng đợi. Chẳng may có lần nào ngủ quên, dậy muộn chút thì không nhập được hoa mà bán”, chị Sáu kể.
Chị Vui (50 tuổi, ở trọ cùng chị Sáu) tâm sự: “Ngày 8/3, người ta được ở nhà với chồng, với con còn chúng tôi thì phải chài chãi ngoài đường bán hoa đến tối mịt mời về. Nếu con không đi học đại học thì có lẽ ở quê làm ruộng cũng đủ sống đấy. Nhưng con cái đi học, trăm khoản phải dùng đến tiền nên đành tha hương lên thành phố mưu sinh thôi".
Với những người phụ nữ làm nghề bán hoa rong, niềm vui, niềm hạnh phúc trong ngày ngày Quốc tế phụ nữ đơn giản chỉ là bán được hàng, có tiền cho con ăn học và sớm được về quê đoàn tụ với gia đình.