Mối tình oan nghiệt
Vũ vốn không tin rằng có sự giao cảm giữa linh hồn, nhưng những ngày Thảo Anh mới ra đi, anh luôn trong trạng thái bồn chồn bất an.
Vũ liên tục gọi điện về nhà hỏi xem có chuyện gì, nhưng người nhà cố giấu, cho tới cuộc điện thứ 5 mẹ anh mới chịu nói ra: “Cô Thảo Anh đi rồi…”. “Đi rồi?”, Vũ không phản ứng kịp trước tin dữ ấy, hỏi: “Cô ấy đi đâu, cả nhà đã đi tìm chưa?”. Mẹ Vũ òa lên khóc, khiến trái tim anh như vỡ tung ra, trong phút chốc rơi xuống vực sâu thăm thẳm.
“Bọn trẻ con trong xóm trêu chọc cô ấy, cô ấy đuổi theo đến bờ sông thì bị chúng quay lại, xô xuống nước. Đang mùa nước nổi, không ai cứu được…”. Chết lặng một lúc lâu, Vũ mới nghẹn ngào cất được lời: “Mai con về…”. Mẹ bảo, bố nói không cần về nữa vì dù gì cũng đã chôn cất xong xuôi. Lần đầu tiên Vũ nổi giận với người mẹ mà anh hết mực yêu thương: “Cô ấy là cô của con, thân thiết với nhau từ nhỏ, sao mọi người lại giấu con chuyện đó. Thật quá độc ác…”. Nước mắt trào ra không sao ngăn nổi, Vũ buông điện thoại, ngồi xuống khóc. Ngay cả cơ hội nhìn mặt cô ấy lần cuối cùng cũng không còn, anh làm sao có thể tha thứ cho mình được…
Thảo Anh lớn hơn anh 3 tuổi, là con của ông nội với người vợ hai, một người phụ nữ có học vấn nhưng sa cơ phải làm gái làng chơi, xinh đẹp nhưng yểu mệnh. Hè năm ấy, Vũ lên 7, vì công việc kinh doanh quá bận rộn nên bố mẹ gửi anh, đứa cháu đích tôn của dòng họ về quê cho bà nội trông nom. Các cô chú đều lớn tuổi, đi làm hoặc có gia đình riêng, nên hàng ngày Vũ chỉ biết quanh quẩn chơi với chó mèo, hay nghĩ ra các trò nghịch ngợm một mình. Thảo Anh được ông nội dắt về trong một ngày mưa tầm tã.
Trong trí nhớ của Vũ còn nguyên hình ảnh Thảo Anh trông gày gò, yếu đuối, mặc chiếc áo rộng thùng thình chắc được sửa lại của mẹ, đứng co ro một góc nhà, không dám bắt chuyện với ai. Trên khuôn mặt trông buồn bã và cô đơn như một người đàn bà từng trải ấy, đôi mắt to tròn tới mức quá khổ thỉnh thoảng lại lén nhìn sang bên Vũ. Không hiểu sao, Vũ có cảm tình với người cô út đó ngay lập tức - dù chưa biết quan hệ với mình thế nào, và hành vi đầy thiện chí đầu tiên là xòe bàn tay với chiếc kẹo đã gần chảy nước cho Thảo Anh: “Kẹo chanh đấy, chị ăn đi”.
Hai đứa trẻ cô đơn, Thảo Anh và Vũ nhanh chóng trở thành bạn thân. Trèo me trèo sấu, lội ruộng bắt cá, dùng châu chấu câu cá rô…, ngày nào hai đứa cũng lang thang khắp trong xóm ngoài đồng, có hôm xẩm tối mới mò về. Sau này dù ông bà thường xuyên nhắc phải gọi Thảo Anh bằng cô, nhưng Vũ đã quen gọi chị nên khi nào vắng mặt người lớn, hai đứa lại xưng hô như vậy. Thảo Anh rất khéo tay, cô thường dùng những mảnh giấy thừa tìm được trong nhà cắt hoặc gấp thành hình những con thú ngộ nghĩnh, hay những chiếc thuyền xinh xinh mang ra ao sau vườn thả. Những chiều mát hai đứa ngồi chơi trên võng bà nội mắc đầu hè, Thảo Anh lại đem những bài thơ, ca dao mình thuộc ra đọc cho Vũ nghe, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên sau này Vũ thuộc làu làu đều là do Thảo Anh dạy từ hồi đó. Khi Thảo Anh đã quen thân hơn với gia đình mới, Vũ thấy cô rất hay cười, mỗi khi cười, hai bên má đều hiện lên hai lúm đồng tiền dễ thương. Có lần Vũ thấy bà nội đứng nhìn Thảo Anh chải mái tóc dài ngang lưng đen nhánh, chép miệng thở dài, lẩm bẩm “Rồi lại khổ như mẹ mày thôi con ạ”.
Thế rồi hàng năm, Vũ lại ngong ngóng đến tết với hè để được về quê chơi. Đó thực sự là những tháng ngày thần tiên, mang lại cho Vũ niềm vui sướng và hứng thú tuyệt vời, hơn hẳn việc được bố mẹ mua cho chiếc máy chơi game đắt tiền, hay đưa đi du lịch ở nước ngoài. Từ một đứa trẻ ích kỷ, dễ dỗi hờn, Vũ thay đổi hẳn khi chơi với Thảo Anh, biết quan tâm đến người khác, biết nhường nhịn, chia sẻ, thương yêu. Ngày kết thúc kỳ nghỉ ở quê bao giờ cũng là ngày cực kỳ buồn với Vũ, nhiều lần khi đã về đến căn nhà sang trọng ở thành phố, mắt Vũ vẫn còn ngấn nước.
Thế nên, biến cố xảy đến với gia đình Vũ năm ấy, dù khiến bố mẹ anh suy sụp, nhưng ở một khía cạnh nào đó thì lại đem cho Vũ niềm vui. Phá sản sau một thương vụ lớn, gia đình Vũ phải bán nhà trả nợ, chuyển hẳn về quê sống với ông bà. Năm ấy Vũ 12 tuổi, dù đã biết thương bố mẹ, nhưng trong nhận thức của một đứa trẻ, anh vẫn hào hứng vì được ở bên cạnh cô út thường xuyên. Hàng ngày, Thảo Anh đèo Vũ đi học ở thị trấn, chiều về lại cùng nhau lang thang ra bờ sông câu cá hoặc lên đồi kiếm hoa dại về cắm. Thích nhất là đến mùa xuân, bồ công anh nở đầy trên đồi, hai đứa thường nằm duỗi chân trên mặt cỏ êm như nhung, đếm những cánh hoa nhỏ xíu để rồi thì thầm nói với hoa điều mình mơ ước.
Năm 18 tuổi, từ một cô bé con gày gò, dường như chỉ sau một sớm mai thức dậy, Thảo Anh đã vụt trở thành một thiếu nữ thây lẩy sức xuân. Khuôn mặt đầy đặn hơn khiến đôi mắt không còn vẻ quá khổ mà cực kỳ xinh xắn với hàng mi cong vút. Phơi nắng suốt ngày nhưng da Thảo Anh vẫn trắng muốt, đôi môi đỏ thắm dù không tô son bao giờ, nổi bật lên trên mái tóc dài đen nhánh. Khi nghe bọn con trai lớn trong làng khen Thảo Anh đẹp, Vũ bỗng thấy một nỗi ghen tức trào lên. Vũ lờ mờ nhận ra mình đã yêu người cô út bằng một tình yêu đầu đời vô cùng trong trẻo và nồng nhiệt. Với sức vóc phổng phao như thanh niên, Vũ đánh tất cả những đứa con trai nào trêu ghẹo hay đến gần Thảo Anh. Thảo Anh không mấy khi quan tâm đến tụi đó, cũng gần như vô thức về sắc đẹp của mình, vẫn gắn bó một cách hồn nhiên và trong sáng nhất với Vũ.
Vậy là cô cũng không vượt được qua số mệnh đã an bài, giống như người mẹ (Ảnh minh họa)
Rồi những ngày vui vẻ ấy cũng không kéo dài được lâu. Thảo Anh thi đỗ đại học ở thành phố, sống luôn trong ký túc xá nên có khi vài tháng mới về nhà. Vũ trở nên lầm lỳ, ít nói, gần như không chơi với bất kỳ ai ở trường. Hễ có ai nhắc đến Thảo Anh, anh rất dễ nổi xung, thậm chí còn đánh lộn thường xuyên. Nhưng điều khiến anh đau khổ hơn cả là Thảo Anh bắt đầu thay đổi, cô có nhiều bạn hơn, nên tình cảm bị san sẻ ít nhiều. Vũ dồn hết thời gian cho việc học với ý nghĩ vào đại học là cách duy nhất để anh được ở gần Thảo Anh.
Năm Vũ thi đại học, Thảo Anh đưa về quê mấy người bạn, trong đó có Nam, đàn anh học trên Thảo Anh một khóa. Tối hôm đó, khi cả nhóm đã quay lại thành phố, Thảo Anh rủ Vũ lên đồi chơi. Thảo Anh kể về Nam với vẻ xúc động lạ thường, nói rằng Nam con nhà giàu nhưng rất có ý chí tự lập, học giỏi, lại chín chắn, hiểu biết, rằng Nam đã ngỏ lời yêu Thảo Anh và giờ đây Thảo Anh đang vô cùng hạnh phúc. Vũ bàng hoàng, cảm thấy như bầu trời vừa đổ ập xuống dưới chân mình. Đêm hôm đó, Vũ ra sông bơi gần như suốt cả đêm và chỉ về nhà khi toàn thân đã rã rời. Vũ ốm nặng một trận, mê man suốt mấy ngày không tỉnh.
Người đầu tiên nhận ra tình yêu ngang trái ấy là bà nội. Ban đầu bà cũng chỉ tưởng đó là xúc cảm bồng bột của trẻ con nên không quá chú tâm. Nhưng rồi tới khi chăm sóc Vũ, thấy đôi môi khô nẻ của anh mấp máy cái tên Thảo Anh mỗi lúc cơn sốt lên đỉnh điểm, bà thực sự hoảng sợ. Bà hình dung lại tất cả bằng kinh nghiệm sống suốt gần một thế kỷ để rồi giật mình nhận ra nghiệp chướng đã đổ xuống gia đình mình. Mấy ngày sau đó, bà dặn cả nhà không được làm phiền, chỉ ngồi yên trong từ đường suy nghĩ.
Bà đã nghĩ những gì trong mấy ngày ấy thì không ai biết được. Ngay cả chuyện Vũ với Thảo Anh cũng không ai trong dòng tộc biết, bà lặng lẽ làm theo quyết định của mình. Vũ thi trượt đại học, bà bảo vào miền Trung chơi với gia đình người bác họ một thời gian cho khuây khỏa. Ở nhà, bà gọi cả Thảo Anh và Nam về, giục lo chuyện cưới xin. Nam thì khỏi nói, mừng như bắt được vàng, quay về thành phố giục bố mẹ xúc tiến ngay, còn Thảo Anh dù chần chừ vì chưa học xong, nhưng vì bà nội đã quyết nên cũng đành nghe theo. Đám cưới diễn ra vài tháng sau đó, dù thắc mắc về sự vắng mặt của Vũ, nhưng niềm hạnh phúc đã nhanh chóng xua tan đi mọi nỗi buồn của Thảo Anh.
Khi Vũ quay về, mọi sự đã an bài. Vũ rơi vào điểm tận cùng của nỗi đau, nhưng thứ duy nhất an ủi anh, khiến anh không quay lưng lại với cuộc sống chính là niềm hạnh phúc của Thảo Anh. Có những thứ còn lớn hơn tình yêu, Vũ tin như vậy, và anh sẵn sàng hy sinh cảm xúc của mình để cô được sung sướng. Vũ lao vào học ôn lại, thi đỗ vào một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh và quyết tâm dứt áo ra đi. Mười năm liền anh dứt hẳn mọi liên lạc với gia đình, sống cô độc như một thầy tu.
Vũ chỉ gặp lại Thảo Anh khi về quê đưa tang bà nội. Ngay khi chạm mặt Thảo Anh ở ngõ, Vũ đã ngờ ngợ điều gì. Trước mắt anh không phải một thiếu phụ rạng ngời hạnh phúc như anh hằng tưởng tượng. Thảo Anh xác xơ, tiều tụy, đôi mắt mở to trong veo ngày nào giờ ngơ ngác, thỉnh thoảng ánh lên những cái nhìn man dại. Cô ngồi bên quan tài bà nội, cười vẩn vơ như đang nghĩ tận đâu đó, lúc thì kêu khóc, nhưng lời lẽ ai oán như khóc chính mình. Trông thấy Vũ, Thảo Anh bỗng dưng khựng lại. Cô chồm dậy, lao vào lòng anh, òa lên tức tưởi, sau đó giằng ra chạy vụt đi. Vũ tưởng như tim mình vỡ toác ra, đau đớn.
Mẹ kể, năm đó Thảo Anh lấy Nam, vì có thai ngay nên đành nghỉ học. Nhưng không ngờ Nam thuộc loại cả thèm chóng chán, vợ lại có thai nên chỉ được vài tháng đã lăng nhăng ở bên ngoài. Thảo Anh khuyên chồng không được, lại bị nhà chồng giàu có khinh thường con gái nhà quê, nên dần dần rơi vào trầm cảm. Một lần Nam say rượu về khuya, bắt vợ phải chiều dù Thảo Anh không muốn. Hai vợ chồng giằng co, Thảo Anh ngã cầu thang tới mức sảy thai. Chưa đầy 6 tháng sau ngày cưới, hai vợ chồng ra tòa li dị. Thảo Anh quay về quê, khi đó các triệu chứng tâm thần bất ổn đã bắt đầu xuất hiện. Cô hỏi về Vũ, nhưng bà nội nhất quyết giấu không cho biết. Một buổi chiều Thảo Anh nói đi lên đồi, đến tối vẫn không thấy về. Đêm đó mưa gió, sấm chớp đùng đùng, cả nhà tỏa đi tìm, gần sáng mới thấy Thảo Anh nằm chết ngất trong rừng thông, trên người gần như không còn mảnh vải. Không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra đêm đó, nhưng sau lần ấy, Thảo Anh hoàn toàn mất trí. Tìm thầy tìm thuốc khắp nơi, nhưng ở đâu cũng bó tay.
Trong những ngày Vũ ở lại quê, Thảo Anh dường như bình tĩnh hơn. Cô không còn chạy chân trần trong xóm với lũ trẻ con, mà chịu khó ngồi lặng yên bên Vũ, để anh buộc lại mái tóc dài rối bời. Thảo Anh theo Vũ lên đồi, nơi mà trong suốt mấy năm cô không dám bén mảng lên, để mặc Vũ hái những bông hoa cỏ xinh xinh cài vào tóc. Vũ hì hụi mấy hôm làm cho Thảo Anh một chiếc đu bằng gỗ, buộc lên cành chắc nhất của cây cổ thụ mọc trên đồi. Mỗi khi Thảo Anh ngồi lên đó, thích thú mỉm cười, Vũ lại như trông thấy cô bé ngày nào vẫn chơi đùa với mình.
Vũ tưởng như lần này, anh sẽ giữ được Thảo Anh bên mình, nhưng rồi một đêm giông tố, Thảo Anh điên loạn gào khóc, xé rách quần áo rồi chạy quanh nhà, lảm nhảm những điều kinh khủng, ngay cả Vũ cũng không sao làm cô bình tĩnh được. Tảng sáng, khi cả nhà trói chân tay Thảo Anh để đưa cô lên bệnh viện tâm thần, Vũ nuốt nước mắt xách va ly đi như một kẻ trốn chạy hèn nhát. Quay về thành phố, một thời gian dài sau đó anh thường nằm mơ thấy cô út vừa chạy vừa khóc, gọi tên anh trong tuyệt vọng. Anh bỏ công việc đang làm, ôn thi vào chuyên ngành tâm lý trường Y, hy vọng sẽ tìm ra cách gì đó chữa bệnh cho Thảo Anh. Vậy mà khi tất cả còn đang dang dở, Thảo Anh đã ra đi. Mẹ Vũ kể, 3 ngày sau tai nạn, người ta mới vớt được xác cô, khi đó đã không còn ra dáng một con người…
… Xe đến bến, Vũ không về nhà ngay mà đi thẳng ra đồng. Anh dễ dàng nhận ra ngôi mộ mới đắp ở trên đồi. Đang tiết xuân, nên những cây bồ công anh xinh xắn nở khắp nơi. Mưa xuân đã khiến một lớp cỏ xanh lún phún phủ đầy trên mộ. Vũ nhẩm tính, còn hơn 10 ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 36 của Thảo Anh. Vậy là cô cũng không vượt được qua số mệnh đã an bài, giống như người mẹ. Bất chấp tiết trời se lạnh, anh nằm phục xuống nấm mộ, áp má vào mặt đất ẩm ướt, để mặc từng giọt nước mắt ngấm dần, ngấm dần xuống lớp cỏ non.