Hai bố con anh đều thích cháu

Cháu đã rất bối rối khi cả hai bố con anh đều có tình cảm đặc biệt với cháu.

Thưa bác sỹ Lương Cần Liêm!

Cả cuộc đời này cháu nghĩ là mình không thể trả hết ơn của người đàn ông đã cứu mạng, đã nuôi cháu ăn học và không đòi hỏi bất cứ gì ở cháu. Ngày ông Trời cho cháu gặp anh cách đây đã 3 năm, lúc đó cháu mới là cô tân sinh viên miền Tây lơ ngơ lên Sài Gòn học đại học.

Một lần cháu bị tai nạn giao thông, cháu bất tỉnh trên đường gần trường học. Bao nhiêu người qua đường, nhưng chỉ có anh bắt xe taxi đưa cháu vào bệnh viện. Rồi khi cháu tỉnh lại anh đã hỏi cháu số điện thoại để gọi điện cho người thân của cháu. Mẹ cháu từ quê lên chăm con mà chỉ có một triệu đồng. Anh lại hỗ trợ cháu tiền thuốc. Sau này khi biết nhà cháu khó khăn về kinh tế, cháu lại không có học bổng, anh đã cho cháu vay mỗi tháng 500.000 đồng. Anh nói đây là anh cho vay chứ không cho, liệu mà học hành cho tốt, sau này đi làm có tiền trả anh. Anh kể rằng anh đã đưa cháu vào viện vì vợ anh ngày xưa cũng bị tai nạn giao thông, không được đưa vào viện kịp thời nên đã mất. Anh làm việc cho một công ty kiểm toán nước ngoài rất bận nên phải gửi con về quê cho bố mẹ anh nuôi. Cháu chỉ biết có vậy và cũng không dám hỏi nhiều về đời tư của anh.

Khi cháu được ra viện, gia đình cháu muốn qua nhà anh để cảm ơn nhưng anh không đồng ý vì chuyện anh làm rất bình thường và anh không thích đưa khách về nhà. Gọi là anh xưng em nhưng khi hỏi tuổi thì cháu mới ngã ngửa vì anh chỉ kém bố cháu có 2 tuổi. Nhưng anh bảo cháu cứ gọi bằng anh cho trẻ trung (mà đúng là anh trẻ hơn tuổi rất nhiều). Khi có bất cứ chuyện gì cháu vẫn gọi điện hỏi ý kiến anh. Mỗi tháng cháu gặp anh một lần để nhận tiền vay. Với cháu, anh là một ân nhân và cháu quyết tâm học thật tốt để sau này ra trường đi làm có tiền trả anh. Cháu cũng hứa sẽ làm thật nhiều việc thiện để trả cái ơn trời biển của anh.

Thế rồi một lần anh thông báo đã nghỉ việc ở công ty nước ngoài để chuyển sang làm cho một tổ chức từ thiện vì tuổi của anh đã cao và để anh có nhiều thời gian cho con trai. Đấy là lần đầu tiên cháu biết anh có một cậu con trai trạc tuổi của cháu.

Rồi anh mời cháu đến nhà chơi. Lúc ấy cháu vừa mừng vừa sợ. Chắc anh phải quý cháu lắm thì mới mời cháu đến nhà chơi. Nhà anh không quá đẹp nhưng gọn gàng. Con trai anh cũng có mặt. Anh nói đã chuẩn bị cơm trưa và mời cháu ở lại. Phải nói là con trai của anh rất đẹp trai, hơn cháu đúng 1 tuổi. Cháu đã rất bối rối khi gọi cả hai bố con anh cùng là “Anh”. Anh nói cháu gọi thế nào cũng được. Cháu nghĩ có thể anh muốn làm mối cháu cho con trai của anh chăng (?!). Con trai của anh có vẻ cũng rất có tình cảm với cháu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Sau lần ấy, anh hay gọi điện mời cháu đến nhà chơi. Rồi anh giao cho cháu đi chợ và nấu ăn mỗi dịp cuối tuần. Rất may là cháu có tài nấu nướng nên trong khoản ăn uống, cả hai bố con anh đã bị cháu “hạ gục”. Con trai anh thì vẫn cứ lúng túng trong việc xưng hô với cháu, càng lúng túng thì cháu càng thấy thích. Cháu cứ nghĩ không hiểu tại sao mình lại may mắn gặp được một người bố tốt bụng và một người con đẹp trai như thế?! Cháu đang chờ ngày để được gọi ân nhân của mình là bố (chồng)!

Nhưng đùng một cái (sau lần cháu đến nhà anh lần đầu tiên được 5 tháng), anh hỏi cháu có muốn… làm vợ anh không! Nếu cháu đồng ý thì năm nay tốt nghiệp ra trường sẽ làm đám cưới. Anh nói cháu chính là người mà anh đang cần. Cháu như chết lặng vì cứ nghĩ anh chọn cháu cho con trai của anh! Cháu chưa bao giờ nghĩ đến việc yêu anh, mặc dù cháu đã tự nhủ phải làm bất cứ việc gì anh yêu cầu!

Hai bố con anh đều thích cháu - 1

Cháu mang ơn anh... nhưng thực sự cháu không hề yêu anh ấy (Ảnh minh họa)

Cháu đang nợ anh câu trả lời và cả tuần nay cháu không dám qua nhà anh nữa, bác sỹ ạ!

Theo bác sỹ, cháu phải làm gì bây giờ?

T.Huệ (TP.HCM)

Tình nghĩa trong tình yêu

T.Huệ thân,

Đọc thư của cháu, tôi nhận thấy cháu là một người sống tình nghĩa, có trước, có sau. Nhưng phải làm gì bây giờ?

Tâm lý suy luận hai mặt của vấn đề như sau.

“Ơn” là một ý niệm thuộc phạm vi đạo đức tốt đẹp của con người: Làm ơn/được ơn. Vì nó tốt đẹp và có giá trị cao nên người ta thấy cần “đội ơn” (trong/trên đầu) và trả ơn… đến một lúc nào đó mà cảm thấy trả đủ lắm rồi… Nó giống như một món nợ tinh thần mà tự mình định giá, phương tiện trả và thời gian trả nợ.

Tôi phân tích một chút về tâm lý của người đàn ông mà cháu mang ơn. Ông này đã trải qua hai giai đoạn tâm lý. Giai đoạn đầu là còn nhớ vợ và có thể nghĩ là mình trả chưa đủ tình yêu mà người vợ đã dành cho mình trước khi bà bị nạn. Giúp cháu giống như trả nợ tinh thần bằng cách làm ơn người lạ. Khi qua giai đoạn đau buồn này thì ông đổi đời, trở về cuộc sống thực, tức là thấy cháu có thiện cảm với con ông nên ông nghĩ thầm: Tại sao con mình mà không phải mình? Vì ông thấy ông còn trẻ như lúc sống với vợ (chết sớm).

Thật ra, không thể nào yêu vì “ơn nghĩa”… Làm sao quay được về với ngày xưa – thời ông bà ta trả ơn nhau bằng cách gả con, lấy rể. Cháu phải hiểu rằng khi đã yêu nhau thì việc biết ơn người bạn đời đã cho mình một cái gì là một loại ơn nghĩa rất đặc biệt vì nó thuộc về tình nghĩa trong tình yêu.

Cháu phải chắc là cháu yêu (hoặc có thể nghĩ là yêu) “anh con”. Nếu cháu tâm chắc là như thế thì cháu phải nói thẳng cho “anh con” biết tình cảm của cháu để sau này suy nghĩ rồi bàn luận với “anh cha” của anh ấy. Thế thì có thể là một loại trả ơn là nhận “anh cha” như một người cha và chỉ là như cha mà thôi! Cháu không thể (và không nên) lấy chỗ đứng của một người vắng mặt.

Thân

Bác sĩ Liêm

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sinh viên Việt Nam
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN