Cô gái “top 10” nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới
Lê Thị Trang được Quỹ tương lai cho môi trường tự nhiên bầu chọn là một trong 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới.
Với những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), Lê Thị Trang, 29 tuổi, được Future for Nature (Quỹ tương lai cho môi trường tự nhiên) bầu chọn là một trong 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới.
Trang (bên phải) trong một lần dẫn đoàn học sinh tiểu học quận Sơn Trà đi tìm hiểu các loài động vật ở rừng Sơn Trà. Ảnh: CTV.
Tốt nghiệp ngành Công nghệ môi trường (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), nhưng Trang lại xin vào Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV). “Mình mê động vật từ nhỏ, nhưng ngành học của mình chẳng liên quan gì đến động vật cả. Vì thế, mình xin vào làm ở ENV với mong muốn được tiếp xúc với các bạn ấy nhiều hơn. Mỗi lần lên rừng, mình được biết đến nhiều loài quý hiếm như loài voọc chà vá chân nâu, tê tê, khỉ vàng… Những chuyến đi đó là những trải nghiệm thú vị”, Trang tâm sự.
Nhiệm vụ của Trang tại ENV là nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ động vật. Để có số liệu điều tra chính xác về các loài động vật, Trang cùng các thành viên ENV khác thường có những chuyến đi dài ngày đến những cánh rừng xa xôi, nguy hiểm ở nhiều tỉnh, thậm chí phải đối mặt sự dò xét, truy đuổi của các đối tượng săn bắt, mua bán động vật trái phép.
Với Trang, chuyện ngủ qua đêm ở rừng hay làm việc tới 2-3h sáng mới trở về nhà là điều bình thường. “Có những khi tụi mình phải đi vào các tỉnh Tây Nguyên cả tháng trời chỉ để theo dõi một loài nào đó. Để tiếp cận chúng, tụi mình ở lại qua đêm luôn. Chúng không sợ bọn mình mà ngược lại còn tìm cách chọc lại. Công việc vất vả nhưng vui. Ở rừng, gặp các bạn ấy quen rồi, giờ mà rảnh chân tay ngồi ở nhà thì nhớ lắm”, Trang chia sẻ.
Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà.
Nỗ lực bảo vệ voọc quý hiếm
Trong quá trình làm việc, Trang biết đến Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Green Việt với dự án bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu. Tháng 4/2013, Trang chính thức trở thành thành viên của tổ chức này.
Tại Green Việt, Trang và nhóm đồng hành đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ các loài động vật, như chương trình “Hiệp sĩ rừng Sơn Trà”, vừa học vừa chơi cho học sinh 19 trường tiểu học và THCS quận Sơn Trà, các buổi dã ngoại thực tế “Tôi yêu Sơn Trà” vào ngày Chủ nhật hằng tháng cho người dân và du khách đến với rừng Sơn Trà.
Tháng 11/2014, Trang đem chiến lược bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu và phát triển đa dạng hệ sinh học Sơn Trà tới cuộc thi Future for Nature với mong muốn các nhà bảo tồn trên thế giới có thể hiểu hơn về loài động vật này và kêu gọi tài trợ.
“Được ghi danh tại Future for Nature là một động lực rất lớn để mình hoàn thành những dự án phía trước. Mình muốn thay đổi nhận thức cho người dân rằng, việc bảo vệ các loài động vật là nghĩa vụ chung, chứ không chỉ là công việc của kiểm lâm và các nhà bảo tồn. Hiện tại, các số liệu về hệ sinh thái ở Sơn Trà cũng đã quá cũ, không còn chính xác, nên mình đang có kế hoạch để điều tra, rà soát lại”, Trang nói.
Quá trình tìm hiểu môi trường sinh thái ở rừng Sơn Trà, Trang nhận thấy có nhiều loài động vật quý hiếm, nhưng người dân lại không có ý thức bảo vệ, trong đó có loài voọc chà vá chân nâu. “Đây là loài động vật quý hiếm trên thế giới. Nó sinh sống khá nhiều tại bán đảo Sơn Trà, nhưng thành phố lại chưa có kế hoạch bảo tồn hiệu quả để bảo vệ chúng và khai thác tiềm năng du lịch cho hệ sinh thái. Đó là điều rất phí”, Trang nói. |