Bạo lực học đường: Cha mẹ cần ứng xử thế nào khi con bị đánh?

“Gia đình có con bị bạo lực học đường không kiện tụng, hay cố tình đưa con đến các bệnh viện để tìm cách chứng thương. Tuyệt đối không mắng con vì có thể lần sau con sẽ giấu đi không kể lại nếu còn bị bắt nạt. Khi làm lớn vấn đề, trẻ sẽ chỉ càng sợ hãi, sang chấn tâm lý sẽ càng bị khoét sâu” – ông Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) nói.

Xử lý nghiêm các hành vi bạo lực học đường

Theo ông Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) nhận định: Tình trạng bạo lực học đường tuy không mới, nhưng ngày càng nghiêm trọng. Đây là vấn đề nhạy cảm nên cần cân nhắc xử lý hợp tình, hợp lý.

Vụ việc nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Phượng (lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng, Trà Vinh) bị bạn bạo lực cần phải xử lý nghiêm minh.

Bạo lực học đường: Cha mẹ cần ứng xử thế nào khi con bị đánh? - 1

Gia đình cũng nên gặp giáo viên để nhắc nhở trẻ đã đánh con mình, (Ảnh minh họa)

 “Có ý kiến cho rằng việc một học sinh tung clip các bạn đánh em Phượng lên là không nên, sẽ tiếp tay cho bạo lực và cần phải xử lý. Tuy nhiên tôi không đồng tình với ý kiến này.

Theo tôi nên công khai, minh bạch mọi thông tin về bạo lực học đường để tìm cách giải quyết” – ông An nói.

Về việc nữ sinh Phượng bị đánh, ông An cho rằng, đây là vụ việc nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm minh, tới nơi tới chốn. Đồng thời, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra các hành vi bạo lực trẻ em, thì người đứng đầu ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Như vậy, ở vụ việc này cần phải truy cứu trách nhiệm của những người đứng đầu, cụ thể là giáo viên và hiệu trưởng của trường THCS nơi học sinh Phượng đang theo học.

 Bình tĩnh tìm phương án giải quyết

Theo ông An, gia đình các cháu cần luôn luôn quan tâm đến cử chỉ, hành động của con. Có thể là hỏi han, quan sát xem con đi học về vui hay buồn… để tâm sự, chia sẻ.

 “Khi xảy ra sự việc trẻ bị bạn đánh, bố mẹ nên bình tĩnh để tìm ra biện pháp thích hợp. Có thể xác minh xem con giao lưu với ai, tìm hiểu về đứa trẻ đã hành hung con mình, tìm hiểu lý do vì sao con mình bị đánh.

Sau đó, gia đình gặp gỡ phụ huynh của học sinh đó để trao đổi. Cha mẹ của học sinh hành hung cần biết cách giáo dục, khuyên nhủ ngăn ngừa sự tái phạm.

Gia đình cũng nên gặp giáo viên để nhắc nhở trẻ đã đánh con mình, nên đề nghị giáo viên tăng cường giáo dục cho học sinh tình yêu thương, tình đoàn kết trong lớp học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh thân thiết và tránh xung đột” – ông An nói.

 Mặt khác, bố mẹ các em cũng phải đề nghị nhà trường tăng cường hệ thống và biện pháp bảo vệ hiệu quả, răn đe và xử nghiêm minh những hành vi bạo lực học đường.

Nếu bố mẹ chứng kiến cảnh con mình bị bạn dọa dẫm thì xuất hiện ngay để chúng biết mình là bố mẹ của trẻ. Không nên tìm cách dằn mặt gây bạo lực, cũng không nên chấp nhận im lặng vì sợ bị trả thù hoặc không nên thờ ơ bỏ qua chuyện con bị dọa nạt và cho rằng đó là chuyện nhỏ do xích mích trẻ con.

 “Tuy nhiên, gia đình cũng không nên kiện tụng, hay cố tình đưa con đến các bệnh viện để tìm cách chứng thương. Tuyệt đối không mắng con vì có thể lần sau con sẽ giấu đi không kể lại nếu còn bị bắt nạt. Khi làm lớn vấn đề trẻ sẽ chỉ càng có tâm lý sợ hãi, sang chấn tâm lý sẽ càng bị khoét sâu” – ông An nhấn mạnh.

Ngay sau đó, bố mẹ cần phải hỗ trợ tâm lý cho con, bằng cách trao đổi với giáo viên, chuyên gia tâm lý ổn định tâm lý cho trẻ, vì trẻ bị bạo lực thường để lại những sang chấn tâm lý rất nghiêm trọng.

 Để phòng ngừa con bị đánh, bố mẹ nên trang bị cho con một số kỹ năng cần thiết như nên kêu cứu khi bị đánh, không khiêu khích, không đánh lại bạn, tìm cách thoát thân, nhờ giáo viên, bố mẹ trợ giúp để không bị đánh đập.

“Ngoài ra, hiện nay cũng đã có một số lớp học đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh liên quan tới việc giải quyết xung đột: học kỹ năng giao tiếp, ra quyết định, tự phòng vệ... gia đình các cháu nên đăng ký cho các con đi học” – ông An tư vấn thêm.

 

“Với cả những bạn học sinh là nạn nhân hay cả bạn gây ra bạo lực học đường thì người lớn (thầy cô giáo, cha mẹ trẻ) phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Tiếp đó, người lớn cần phải giúp trẻ hiểu được sai lầm của mình, tự giác nhận lỗi và nhận hình phạt phù hợp”.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyệt Tạ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN