Anh là số mấy?
Mỗi phụ nữ có trung bình 10,5 bạn tình trong cuộc đời trước khi tìm được người đàn ông đích thực
Tựa đề của bài viết này thực ra là tên của bộ phim “What’s your number?” mà tôi tình cờ xem được gần đây. Nội dung cũng không có gì quá mới lạ ngoại trừ một chi tiết thú vị. Ally, nữ nhân vật chính, sau khi bị đuổi việc, trên đường về nhà đã vô tình đọc được một bài báo thống kê rằng mỗi phụ nữ Mỹ có trung bình 10,5 bạn tình trong cuộc đời trước khi tìm được người đàn ông đích thực dành cho mình. Ally nhẩm đếm và con số của cô là gấp đôi. Cô bắt đầu lo lắng về con đường đến với Mr Right.
Còn tôi, một phụ nữ… kha khá tuổi, hẹn hò không ít, cũng đang chính thức hoang mang.
Xung quanh tôi, mọi người đều bảo “Hãy tận hưởng khoảng thời gian độc thân tuyệt vời đi! Vì sau này có gia đình rồi, không còn được tự do làm những điều mình muốn nữa đâu!”. Tôi đồng ý. Về cơ bản, tôi luôn yêu quý cuộc sống hiện tại. Không ràng buộc, không nặng nề, không cãi vã, không xung đột quyền lợi. Tôi cũng hiểu phụ nữ độc thân và phụ nữ có gia đình thỉnh thoảng lại rơi vào trạng thái “cỏ bên kia đồi luôn xanh hơn”, đứng núi này trông núi bọ bởi đòi hỏi phụ nữ lúc nào cũng giữ tâm trạng cân bằng là điều không thể. Nhưng điều khiến tôi đang hoang mang không phải là sợ “ế” mà là sợ mình không còn có thể yêu được nữa.
Có người từng bảo trong cuộc đời mỗi người, có thể chỉ có một lần yêu thực sự những cũng có thể có đến vài lần bạn tin rằng mình yêu thực sự. Một tình yêu đủ mãnh liệt và sâu sắc để khiến bạn trải qua mọi cung bậc cảm xúc, mọi tình huống, mọi nỗi đau lẫn hạnh phúc, sẵn sàng xem trọng đối phương hơn bản thân mình là điều nhiều người mong chờ. Tuy nhiên, một tình yêu đơn giản, thuần khiết, không sóng gió, không bi kịch, chỉ cần cảm thấy an yên ở cạnh nhau, với tôi, đó cũng là một mối quan hệ đẹp đáng mơ ước. Nhưng cho dù có là mẫu hình nào, không ít phụ nữ đơn thân, với kinh nghiệm tình trường phong phú, phong ba lẫn ngọt ngào nào cũng kinh qua rồi, tình yêu trở thành điều hình như hơi… viễn tưởng.
Tại sao? Chỉ đơn giản là nếu bạn bị ngã quá nhiều, bạn sẽ sợ phải bước đi. Nó là thứ tâm lý hết sức con người mà từ khi là một đứa trẻ, tất cả chúng ta đã có. Sự thật đáng buồn rằng ,phụ nữ càng nhiều tuổi, càng nhìn cuộc đời khắt khe hơn vì họ không đủ tự tin vào chính khả năng chịu đựng thất bại của mình. Bạn có thể nói sai lầm trong tình yêu là do phụ nữ chọn sai, phụ nữ quá đòi hỏi quá mơ tưởng đến những điều như trong cổ tích và rồi khi không đạt được thì thất vọng và đau khổ. Tôi đồng ý.
Đôi khi bạn đừng bi kịch quá, hãy chọn mong ước những điều giản dị thôi, bình thường thôi, giảm tiêu chuẩn của bản thân lại, biết đâu bạn sẽ có đời sống nhẹ nhàng hơn, an ổn hơn như biết bao nhiêu người phụ nữ khác ở đất nước này. Lấy một người chồng vừa, sinh ra những đứa con, đi làm một công việc bình thản, nấu cơm, nấu cỗ, chăm chồng, chăm bố mẹ chồng… Nhưng phải làm sao nếu bạn sinh ra và sống duy nhất một lần nên điều bạn muốn không phải là cuộc đời như vậy?
Hai mươi hai tuổi, bạn sẽ có thể lại yêu nhưng dè dặt hơn sau lần thất bại đầu (Ảnh minh họa)
Lúc mười tám tuổi, người đàn ông mà bạn muốn yêu nên bạn cố gắng không ngừng để hoàn thiện mình vì bạn tin bạn phải tốt thì mới tìm được người xứng để yêu mình. Một cách tự nhiên, môi trường mà bạn lựa chọn bước vào sẽ phù hợp với tiêu chí mà bạn cảm thấy mình ổn. Hai mươi tuổi, bạn thất bại lần đầu tiên vì nhận ra người mình yêu chưa chắc là người yêu mình. Cảm xúc cho đi và cảm xúc nhận lại không phải lúc nào cũng cùng chung tần số. Hai mươi hai tuổi, bạn sẽ có thể lại yêu nhưng dè dặt hơn sau lần thất bại đầu. Bạn cẩn trọng và nghĩ người yêu mình nhiều hơn có lẽ sẽ mang lại hạnh phúc. Cũng không đúng, bởi đời sống chung lúc nào cũng đòi hỏi sự hòa hợp. Hai mươi tư tuổi… Hai mươi lăm tuổi… Hai mươi sáu tuổi… Thời gian càng trôi qua, vấp váp càng nhiều lên. Có người sẽ học được từ chỗ mình đã ngã. Nhưng những bài học cuộc đời luôn là một ẩn số dài. Giống chuyện chúng ta thường nói với nhau rằng: “Vạn sự tùy duyên”. Người mà bạn chọn sai cũng vậy. Chẳng phải cũng nên được xếp vào một chữ “duyên” đó hay sao? Nhưng mà là duyên sai, duyên lầm…
Tôi có đang tiêu cực quá không? Một lần nọ, tôi vô tình gặp người yêu cũ trong tiệc cưới của một người bạn. Anh ấy sắp lập gia đình. Chúng tôi chào hỏi xã giao vài câu và rồi anh hỏi: “Bao giờ thì em cưới?”. Lúc đó, tôi nghĩ tại sao anh ta lại hỏi thế. Nghe thật sáo rỗng và buồn cười dù có thể anh ta chẳng để ý gì nhưng phụ nữ “sợ yêu” rõ ràng là ghét cảm giác bị hỏi những câu tương tự từ… đàn ông cũ. Thôi được rồi, tôi sẽ thẳng thắn hơn. Giống như việc bạn sợ người khác, nhất là người bạn đã từng có tình cảm, nghĩ rằng việc bạn độc thân đến tận bây giờ sau khi yêu đương đắm đuối là một vết ố vậy. Bạn chắc chắn là có vấn đề nên mới ra nông nỗi thế! Vì không lí gì mà rất nhiều người có điều kiện không bằng bạn lại đang sung túc gia đình hơn bạn. Và lâu ngày, “cái vết ố” đấy trở thành hiện thực trong suy nghĩ của bạn. Bạn bị tin là không ổn chút nào. Nhất định là sai sót ở đâu đó. Nhưng bạn không thể nào tìm ra. Nhưng, tôi nghĩ nếu có tìm ra, cũng không máy người sửa được. Vì phụ nữ càng sai lầm nhiều trong tình cảm thì chỉ có một lí do duy nhất mà thôi: “không chịu nghe theo lý trí của mình”. Và đấy chính là bệnh nan y vô phương cứu chữa.
Trước tình hình cũng có vẻ được xem là căng thẳng như vậy, tôi nghĩ có hai giải pháp. Một, hạt tiêu chuẩn xuống như người ta vẫn nói. Đồng ý xem xét lại những người đàn ông được xem là “tử tế” mà trước đến nay vẫn chưa bao giờ bạn nghĩ là bạn nên cho vào danh sách. Thỏa hiệp hơn nữa với thực tế rằng, tình yêu có thể đến từ nhiều góc. Hai, tiếp tục sống như mình đang sống, bởi thay đổi môi trường và hòa hợp với những người có tiêu chuẩn sống khác bạn không phải là điều đơn giản. Rồi đợi… tình yêu đến hoặc duyên phận đến. Nếu có tiếp tục sai thì chỉ đồng nghĩa với việc bạn đang cần tiếp tục học mà thôi. Mỗi người có một số mệnh, một vị trí riêng trong thế giới này, thế nên chỉ có thể kiên nhẫn, kiên nhẫn mà thôi.
Còn bạn, bạn nghĩ sao, tôi nên chọn giải pháp nào cho bản thân?