"Xử dân thắng, thẩm phán hết đường thăng tiến"

Sự kiện: Tin pháp luật

Đó là ý kiến của đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) khi góp ý về dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 27-10.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) khác cũng cho rằng nếu để “tòa huyện xử quan huyện” thì “cửa gì người dân cũng thua, nếu người dân thắng thì thẩm phán thua vì không còn đường lên chức khi phán cho huyện sai”. Do đó phải để tòa cấp trên xử sơ thẩm vụ kiện hành chính của cấp dưới thì mới khách quan, công bằng và hạn chế được sự tác động từ phía chính quyền cùng cấp.

"Xử dân thắng, thẩm phán hết đường thăng tiến" - 1

ĐBQH Chu Sơn Hà (Hà Nội ) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

E ngại cán bộ “thù lâu nhớ dai”

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhấn mạnh: “Đây là một luật rất đặc thù vì nó quy định việc dân kiện quan. Người dân đi kiện, đi tìm công lý thì phải tìm và chọn nơi phân xử mà họ tin là khách quan. Họ phải tìm tới nơi đứng trung gian hoặc đứng trên có đủ thẩm quyền để phân định đúng, sai. Thực tế, người dân rất e ngại khi phải đi kiện cơ quan hành chính ở tòa án cùng cấp với cơ quan hành chính đó”.

Từ đó ông Hùng cho rằng việc dự thảo lần này giữ nguyên quan điểm “tòa huyện xử quan huyện” là một bước thụt lùi và đề nghị nên giao cho tòa cấp tỉnh xử sơ thẩm các vụ kiện hành chính ở cấp huyện, tòa cấp cao xử sơ thẩm các vụ kiện hành chính ở cấp tỉnh.

Tuy nhiên, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) lại cho rằng không nên để tòa cấp tỉnh xử sơ thẩm các vụ kiện hành chính ở cấp huyện vì trái với yêu cầu cải cách tư pháp trong Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị. Ông Nam cho rằng nếu cứ đưa quan điểm “tòa phụ thuộc vào chính quyền địa phương ngang cấp” là chưa đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán cấp huyện cũng như cấp tỉnh.

“Thay đổi như vậy sẽ tạo nút thắt cổ chai ở cấp tỉnh, tạo sự quá tải đối với tòa cấp tỉnh trong vấn đề giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính, kéo theo là tòa cấp cao cũng sẽ quá tải khi xét xử phúc thẩm. Vấn đề ở đây là cần có quy định cụ thể nhằm nâng cao tính độc lập giữa cơ quan tư pháp với cơ quan hành pháp và loại bỏ sự nể nang, né tránh của thẩm phán trong việc giải quyết án hành chính” - ông Nam khẳng định.

Không đồng tình, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nói cán bộ, công chức có hai căn bệnh cố hữu là “bệnh bảo thủ” và “bệnh thù lâu nhớ dai”. Ông Hà dẫn chứng: “Nhiều cơ quan, cá nhân ban hành văn bản sai, thậm chí vi phạm BLDS, Luật Đất đai nhưng chúng tôi kiến nghị sau hai năm họ mới sửa. Không ít người có tư tưởng bảo thủ, sai rồi không chịu sửa ngay. Một chánh án tòa cấp huyện phản ánh với chúng tôi là nếu giữ quy định tòa huyện xử cấp huyện sẽ không khả thi vì rất nhiều bản án đã tuyên quan thắng dân. Có vụ xử “quan thua dân” thì sau đó thẩm phán dù có năng lực, có trình độ, nằm trong quy hoạch nhưng đến khi đề bạt rất khó khăn, cuối cùng phải chuyển công tác đến một đơn vị khác. Lấy ví dụ như vậy để chúng ta nghĩ rằng “bệnh thù lâu nhớ dai” trong cán bộ chúng ta không phải là không có”.

Chỉ nên ủy quyền cho cấp phó?

Theo ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An), lãnh đạo chính quyền địa phương thường có tâm lý ngại đến tòa, dẫn đến thực tế là đa số người bị kiện ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc tham gia tố tụng. Chẳng hạn chủ tịch UBND huyện thường ủy quyền cho trưởng phòng, chủ tịch UBND tỉnh thường ủy quyền cho chánh văn phòng, phó văn phòng hoặc phó giám đốc sở…

“Chúng tôi chưa thấy bóng dáng của phó chủ tịch UBND tham gia phiên tòa. Quá trình xét xử, cán bộ tham mưu, giúp việc được ủy quyền thường xin hoãn phiên tòa để xin ý kiến của người bị kiện, gây trở ngại cho việc giải quyết án, làm vụ án kéo dài. Do đó, tôi đề nghị người bị kiện chỉ được quyền cho cấp phó của mình đại diện” - ông Hà nói.

Tuy nhiên, một số ĐB lại cho rằng chính đội ngũ cán bộ tham mưu, chuyên ngành hoặc cán bộ giúp việc… lại nắm nội dung vụ việc rõ nhất. Đồng thời, nếu buộc cấp trưởng, cấp phó địa phương phải trực tiếp tham gia tố tụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động quản lý nhà nước, đến việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương đó…

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Từ thực tiễn tổng kết cho thấy việc ủy quyền rộng quá không có hiệu quả, chỉ nên ủy quyền cho cấp phó. Đây là vấn đề chúng tôi sẽ cân nhắc thêm”.

Cho tòa xử quyết định kỷ luật

Hiện nay công chức nhận quyết định kỷ luật, giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc không thể khởi kiện ra tòa vì luật không quy định các quyết định đó là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay vụ án lao động. Do đó dự thảo nên quy định theo hướng tòa có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện về quyết định kỷ luật, giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ cấp tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.

ĐB THÂN ĐỨC NAM (Đà Nẵng)

Không chấp hành án, phải xử lý

Thực tế có nhiều bản án, quyết định hành chính của tòa chưa được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Do đó nên bổ sung điều khoản quy định là nếu cá nhân, tổ chức liên quan không chấp hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa thì phải xem xét trách nhiệm để xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này sẽ giúp nâng cao hiệu lực của bản án, quyết định của tòa trong vụ án hành chính.

ĐB CHU SƠN HÀ (Hà Nội) 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRỌNG PHÚ - NAM GIANG (Pháp luật TPHCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN