Xử bà Châu Thị Thu Nga: Tranh cãi nảy lửa, dồn luật sư đến chân tường

Sự kiện: Tin pháp luật

“Tôi cảm nhận hôm nay đang bỏ lọt tội phạm. Nếu không có sự bảo kê, bao che của cán bộ công chức của Hà Nội thì bà Nga không thể đến ép cọc ở đấy được".

Có công chức bao che

Ý kiến thẳng thắn của bị hại tại phiên tòa xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga và đồng phạm ngày 6/10 khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ.

Ông Nguyễn Thế Hà (người được bị hại ủy quyền) cho hay, trước khi ký hợp đồng, ông tìm hiểu rất kỹ về dự án trên mạng internet. Ngoài ra, ông còn 3 lần đến khu đất dự án cũng như sàn giao dịch của Housing Group ở Quốc Oai để xem hồ sơ, mô hình thiết kế.

"Tôi tin đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Tôi cảm nhận hôm nay đang bỏ lọt tội phạm. Nếu không có sự bảo kê, bao che của cán bộ công chức Hà Nội thì bà Nga không thể đến ép cọc ở đấy (dự án) được", ông Hà nói.

"Người dân bình thường chỉ cần đem một xe cát, đào móng xây chuồng gà, sau hai tiếng đồng hồ là cơ quan chức năng đến ngay, chứ đây bà Nga mang cả máy ép cọc đến..." - tới đoạn này âm thanh truyền đến phòng dành cho phóng viên bất ngờ bị gián đoạn.

Xử bà Châu Thị Thu Nga: Tranh cãi nảy lửa, dồn luật sư đến chân tường - 1

Nhiều bị hại tin tưởng bị cáo Châu Thị Thu Nga vì tại thời điểm đó bị cáo là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP Hà Nội.

Theo tài liệu truy tố, đối với hành vi, trách nhiệm của một số cá nhân thuộc Sở, ban, ngành thuộc UBND TP Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm, TP Hà Nội và hành vi của một số cá nhân thuộc UBND thị trấn Cầu Diễn như việc để cho Công ty Housing Group thi công cọc khoan nhồi khi chưa có giấy phép xây dựng; giao cho liên danh Công ty Housing Group và Công ty HAIC nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch dự án B5 Cầu Diễn tại ô đất CT5 và ô đất HH2 nhưng không kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện dự án và hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Quá trình điều tra, VKSND Tối cao đã có nhiều có văn bản yêu cầu cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) làm rõ nội dung này.

Ngày 9/6/2017, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định số 10/C46-P11 về việc tách hành vi trên để điều tra làm rõ và đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.

Tranh cãi nảy lửa giữa bị hại với luật sư của Châu Thị Thu Nga

Luật sư bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga đề nghị được thẩm vấn bị hại Vũ Thị Phương Nga, nữ giảng viên ĐH Luật, đã nộp hơn 400 triệu đồng để mua căn hộ ở dự án B5 Cầu Diễn.

Bị hại này cho biết, trước khi ký hợp đồng vay vốn, cả hai vợ chồng chị có tới Sàn giao dịch bất động sản Housing Group để xem hồ sơ pháp lý, đồng thời tìm hiểu cả thông tin trên website của Công ty.

“Hồ sơ pháp lý thì làm sao chúng tôi biết được giả hay thật bằng mắt thường, tôi chỉ tin đó là những văn bản thật”, bị hại nói.

Cung cấp thêm thông tin, bị hại Phương Nga cho biết, năm 2010, vợ chồng chị dự kiến đóng tiền mua căn hộ 95m2 và số tiền phải nộp là 427 triệu đồng, tương đương 30% giá trị căn hộ, nhưng không có hợp đồng mà chỉ có phiếu thu. Đến năm 2011, được đổi phiếu thu mới và có ký thỏa thuận vay vốn.

“Vì sao chị không đề nghị Housing Group ký hợp đồng mua căn hộ hay hợp đồng mua nhà ở mà chị lại ký thỏa thuận vay vốn?”, vị luật sư bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga hỏi.

Trả lời câu hỏi này, bị hại cho hay, sở dĩ buộc phải mua kiểu “lúa non” như thế vì được biết vào thời điểm đó, quy định pháp luật không cho phép các doanh nghiệp được phép bán hàng khi chưa xây xong móng nên không thể có hợp đồng mua bán căn hộ được, phải là thỏa thuận vay vốn.

“Bản chất của thỏa thuận vay vốn này chính là một dạng hợp đồng, có thể hiểu là hợp đồng mua nhà. Nếu là vay vốn thì cái quan tâm đầu tiên và cuối cùng là tiền lãi bao nhiêu. Hợp đồng giữa tôi và Housing Group là quyền mua căn hộ trong tương lai của Housing”, bị hại nói thêm.

“Hợp đồng có nói đến trong thời hạn 12 tháng có quyền rút lại vốn, có nghĩa trong suy nghĩ của chị cho rằng là mua căn hộ, còn thực tế trong hợp đồng là thỏa thuận vay vốn, theo chị đây là hợp đồng dân sự vay vốn hay hợp đồng mua nhà ở?”, luật sư hỏi vặn bị hại.

“Cái luật sư vừa nói chỉ là một trong những điều khoản trong hợp đồng. Nhưng tại mục 3 hợp đồng nói tôi được quyền mua căn hộ bao nhiêu mét, tầng bao nhiêu…. Thời điểm đó lãi suất bình thường ngân hàng 11-13%/năm, chúng tôi có ngu si gì đâu mà đi thỏa thuận với lãi suất vay 0,6% như thế”, bị hại trả lời.

Vị luật sư bào chữa bị cáo Châu Thị Thu Nga tiếp tục hỏi dồn bị hại: Vậy, tại sao chị không ký hợp đồng mua nhà ở?

Bất ngờ, bị hại hỏi ngược lại: Tại sao luật sư không hỏi Housing Group vì sao không đưa hợp đồng mua nhà ở để chúng tôi ký?

“Tôi ký hợp đồng vay vốn là vì tôi có quyền được mua căn hộ trong đó, hợp đồng có điều khoản thỏa thuận là quan trọng nhất, và những thỏa thuận không vi phạm pháp luật, vậy hãy làm đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Tôi đã làm đúng chức trách của mình là nộp tiền cho các anh, các chị thì các anh chị hãy làm đúng hợp đồng, hãy trả lại cho chúng tôi nếu các anh chị không làm đúng như hợp đồng, hãy trả lại cho chúng tôi sau 12 tháng. Chúng tôi có làm đơn đòi, nhưng được trả lời: Nếu chị muốn đòi thì chị tìm người khác thế chỗ, chết thay cho chị đi, làm sao chúng tôi tìm được và nếu có tìm được chúng tôi cũng không có lương tâm để làm việc đấy”, bị hại bức xúc khi trả lời.

Sau đối chất, nữ bị hại Vũ Thị Phương Nga mong HĐXX thông cảm vì quá trình trả lời có những lúc quá căng thẳng và nói thêm “Housing Group phát triển hay không không phải vấn đề chúng tôi mong muốn. Chúng tôi chờ đợi căn hộ của chính mình nhưng giờ đã thất vọng”.

Sau 5 ngày diễn ra phiên tòa xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, phiên tòa tạm nghỉ. 8 giờ sáng thứ Hai (ngày 9/10), phiên tòa tiếp tục làm việc và bước vào phần tranh luận.

Bà Châu Thị Thu Nga “đánh bóng” tên tuổi như thế nào?

Bà Nga liên tục quảng cáo hình ảnh hoành tráng của các dự án “ảo” trên nhiều phương tiện truyền thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thư (Infonet.vn)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN