Vụ lừa đảo nghìn tỷ: Agribank sẽ khởi kiện vụ án dân sự?
Ngày 11/5, HĐXX Tòa án nhân dân Cấp cao tại TPHCM cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo kêu oan, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Agribank Việt Nam có thể khởi kiện vụ án dân sự đối với khối tài sản có liên quan trong vụ án này.
Bị cáo Dương Thanh Cường (Ngoài cùng, hàng đầu) và đồng phạm trong phiên tòa. Ảnh Tân Châu
Theo đó, HĐXX đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm trong vụ án Dương Thanh Cường và đồng phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Agribank Chi nhánh 6 với số tiền thiệt hại gần 1000 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với bị cáo Dương Thanh Cường, tổng giám đốc tập đoàn Bình Phát tù chung thân về 2 tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; bị cáo Hồ Đăng Trung, giám đốc Agribank Chi nhánh 6 phạt 19 năm tù về tội vi phạm về cho vay của các tổ chức tín dụng; bị cáo Lê Thành Công, giám đốc Cty dệt kim Đông Phương 25 năm tù về 2 tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về phần kháng cáo dân sự của Agribank Việt Nam đối với hai khối tài sản 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ (Tân Phú), HĐXX cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Agribank.
Dù trước đó đại diện VKS có ý kiến cho rằng có căn cứ để chấp nhận một phần kháng cáo của Agribank vì tài sản này được hình thành từ tiền của Agribank. Theo HĐXX, phía Agribank Việt Nam có thể khởi kiện vụ án dân sự đối với hai khối tài sản này.
Trong vụ án này, HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo Dương Thanh Cường phải có trách nhiệm trả lại 1.127 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi cho Agribank Việt Nam.
Nội dung vụ án: Từ năm 2007 đến tháng 10/2010, các bị cáo trong vụ án lập các dự án đầu tư rồi “phù phép” mang đến ngân hàng vay tiền, chiếm đoạt 966 tỷ đồng của Nhà nước. Vào năm 2006, Công ty Dệt kim Đông Phương do Lê Thành Công làm tổng giám đốc được bộ Tài chính chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000 m2 đất ở quận Tân Phú, TP.HCM để xây trung tâm thương mại, chung cư. Dương Thanh Cường đứng ra nhận huy động vốn để đầu tư và khai thác dự án. Dương Thanh Cường không có khả năng về tài chính nhưng vẫn lập ra nhiều công ty để thuê người làm giám đốc (gồm các công ty Bình Phát và Tấn Phát). Dương Thanh Cường chỉ đạo cấp dưới là Thái Cường, giám đốc Cty Tấn Phát lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6 với tài sản thế chấp là 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ (quận Tân Bình) và số 44 An Dương Vương (quận 8). Tiếp đến tháng 7/2007, Dương Thanh Cường chỉ đạo Lê Văn Tuấn (giám đốc công ty Thanh Phát) lập hồ sơ vay 628 tỷ đồng của Agribank bằng thế chấp 3 giấy sử dụng đất. Khi Agribank Chi nhánh 6 còn đang giải ngân thì Thanh Cường chỉ đạo cấp dưới mượn 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp trước đó ra, tiếp tục mang đi thế chấp ở Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) vay thêm. |