Tử tù có thể hiến xác được không?
Nguyễn Văn Kỳ kẻ xuống tay sát hại 2 người, làm hai người khác bị thương có ý định hiến xác nếu bị tuyên án tử. Vậy tâm nguyện cuối cùng của bị cáo này có thực hiện được.
Sáng 26/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Văn Kỳ (SN 1970, trú tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) tử hình về tội "Giết người", 10 năm tù về tội "Cướp tài sản", tổng hình phạt tử hình.
Kỳ đối mặt với án tử về tội ác mình đã gây ra.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Kỳ cho biết, Kỳ đã ý thức được hành vi và hậu quả của mình gây ra là rất lớn, không có gì bù đắp được cho gia đình nạn nhân.
Trước khi diễn ra phiên xét xử, Kỳ đã nhờ luật sư Thơm gửi lời xin lỗi đến gia đình người bị hại, gia đình và bà con làng xóm nơi Kỳ đã sinh ra và lớn lên vì những tội lỗi mà Kỳ đã gây ra. Kỳ mong muốn thân xác còn lại của anh ta sau khi bị kết án tử hình sẽ được hiến cho y học với mục đích cứu giúp những người lương thiện đang bị bệnh có cơ hội được sống.
Vậy nguyện vọng của Kỳ liệu có được pháp luật cho phép?.
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ban hành năm 2006 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.
Tuy nhiên hiện Việt Nam vẫn chưa có các quy định hay cơ sở pháp lý để tiến hành được việc hiến và ghép mô tạng của tử tù. Chính điều này cũng gây khó khăn cho nguyện vọng hiến xác của một số tử tù, đơn cử như trường hợp của bị cáo Kỳ.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia về luật, để có thể thực hiện di nguyện của tử tù được hiến xác thì chúng ta phải thay đổi hình thức thi hành án tử hình đối với những trường hợp này.
Bị cáo Kỳ trong phiên tòa sáng 26/7.
Có những trường hợp tử tù muốn hiến tặng một bộ phận cơ thể của họ cho người thân đang bệnh nặng, chờ đợi được cấy ghép tạng mới có thể cứu chữa được thì chúng ta phải có những qui định pháp luật để họ thực hiện mong muốn này vì mục đích nhân đạo.