Trốn truy nã 23 năm bằng lối sống... du mục

Lấy vợ người miền núi ở bãi vàng, Chung đổi tên, sống kiểu du mục, bám theo các công trình thủy điện buôn bán thực phẩm.

Sau nhiều ngày đêm mật phục, các trinh sát Công an tỉnh Đắk Nông bắt được Nguyễn Thành Chung (40 tuổi, quê Nam Định) khi người này lẩn trốn tại xã La Dêê, huyện Nam Giang (Quảng Nam). Các trinh sát thở phào sau khi xác định Chung chính là bị can bị truy nã về tội giết người, cướp tài sản mà công an đã truy dấu suốt 23 năm qua…

Sát hại người cưu mang…

23 năm trước, Chung cùng Đoàn Văn Thiện rời Nam Định vào huyện Cư Jut, Đắk Lắk (nay là Đắk Nông) mưu sinh. Sau nhiều ngày lang bạt, Chung gặp người đồng hương Đinh Quốc Toản đang sinh sống tại đây. Vốn hào phóng, anh Toản đưa Chung và bạn về nhà thết đãi, cho ở nhờ. Trong khi tìm việc, anh Toản tạm cho Chung và bạn làm công cho gia đình.

Cuối tháng 3-1993, anh Toản đi Nha Trang để mua vật liệu xây dựng. Lúc này Chung và Thiện bàn cách sát hại vợ anh Toản để cướp tài sản. Sau khi thống nhất, hai người lao vào phòng ngủ của vợ anh Toản, dùng dây điện siết cổ nạn nhân, giấu xác dưới gầm giường rồi cướp 100.000 đồng, tivi, máy cassette… mang đi bán.

Anh Toản trở về, bàng hoàng phát hiện xác vợ nên trình báo công an.

Vào cuộc, công an xác định Chung và Thiện là nghi phạm nên phát lệnh truy nã đặc biệt với hai bị can này.

Sau khi cướp, Chung và Thiện về quê Nam Định tiêu phá số tiền cướp được rồi chia tay, trốn sự truy lùng của công an. Một năm sau, Thiện bị bắt giữ tại một bãi vàng Bắc Kạn (sau đó bị phạt 13 năm tù).

Trốn truy nã 23 năm bằng lối sống... du mục - 1

Nguyễn Thành Chung (ngồi) tại cơ quan điều tra. Ảnh: ĐỨC BẢO

Cuộc trốn chạy 23 năm

Chung cũng chui vào các bãi vàng để lẩn trốn sự truy lùng gắt gao của công an. Lang thang qua nhiều bãi vàng, cuối cùng Chung chọn vùng rừng núi Quảng Nam làm nơi trú thân. Chung đầu quân cho các bãi vàng vùng sơn lam chướng khí rồi lấy một phụ nữ địa phương làm vợ để tạo vỏ bọc, đổi tên thành Nguyễn Văn Hải. Từ đây, hai vợ chồng sống theo kiểu du mục, bám theo các công trình thủy điện buôn bán thực phẩm.

Trong khi đó, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông sau này lặn lội khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung truy tìm nhưng tung tích của kẻ giết người, cướp của như “bóng chim tăm cá”. Có lúc hồ sơ tưởng chừng phải khép lại. “Lưới trời lồng lộng, đầu năm 2016, các trinh sát nhận tin báo Chung đang sống tại Quảng Nam cùng vợ, chuyên án truy bắt bị can được xác lập do một phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông phụ trách” - một trinh sát kể.

Tuy nhiên, các trinh sát đau đầu là thông tin và hình ảnh của bị can gần như không có gì, nhân dạng của hung thủ lúc gây án cũng phải nhờ người dân mô tả lại. Chưa kể là hàng chục năm qua, nhân dạng của Chung cũng thay đổi. Qua nhiều tháng sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định hai vợ chồng người buôn bán thực phẩm tại khu vực thủy điện Sông Bung 2, xã La Dêê, Nam Giang có nhiều đặc điểm giống tin báo. Sau khi xác định chắc chắn, công an bắt Chung trước sự ngỡ ngàng của mọi người và chính người lẩn trốn. “Nếu biết các anh tài giỏi thế này, em đã ra đầu thú từ lâu rồi” - Nguyễn Thành Chung chua xót trải lòng sau khi bị bắt.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Lý, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Nông, cho hay: “Nhiều năm làm công tác truy nã, đã từng bắt giữ rất nhiều bị can nhưng có lẽ Chung là bị can khiến anh em đau đầu nhất. Không có hình ảnh, Chung lại chọn cuộc sống du mục trong vỏ bọc hoàn hảo nên việc truy tìm vô cùng khó khăn. Việc truy bắt thành công bị can Chung sẽ là bài học nghiệp vụ quý giá cho công tác truy nã sau này của anh em”.3

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Bảo (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN