Tình tiết bất ngờ vụ CSGT bắn súng vào người dân

Trong quá trình giằng co, nam thanh niên đã cắn vào tay chiến sỹ CSGT.

Tình tiết bất ngờ vụ CSGT bắn súng vào người dân - 1

Hiện trường xảy ra vụ việc. Ảnh: B.Đ

Liên quan đến vụ việc CSGT Công an TP. Tuyên Quang rút súng công cụ bắn trúng đầu người dân, ngày 4/7, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, đại tá Phạm Văn Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Người bị chiến sỹ CSGT bắn đạn cao su bị thương ở đầu được xác định là Vũ Huy Phương (32 tuổi) trú tại phường Ninh Xuân, TP. Tuyên Quang. Sau khi xảy ra sự việc, lực lượng công an đã đưa Phương đi bệnh viện để chụp chiếu, kết quả Phương bị chấn thương phần da ở đỉnh đầu. Hiện Công an tỉnh Tuyên Quang đã lấy lời khai của Phương để phục vụ cho công tác điều tra”.

Theo lời đại tá Phạm Văn Giáp, trong lúc chống đối tổ công tác đang thực hiện nhiệm vụ, nam thanh niên nói trên đã có hành vi cắn vào tay một chiến sỹ CSGT.

Sau khi xác định Phương là đối tượng nghiện ma túy, chiến sỹ CSGT đã được cơ sở y tế tiêm liều thuốc chống phơi nhiễm. Hiện cơ quan Công an cũng lấy mẫu máu của Phương đưa đi xét nghiệm để có hướng điều tra, xử lý.

Tình tiết bất ngờ vụ CSGT bắn súng vào người dân - 2

Vết thương trên đầu của Vũ Huy Phương sau khi bị CSGT bắn đạn cao su. Ảnh: B.Đ

Đại tá Nguyễn Hồng Sâm – Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cũng cho hay: “Trong sự việc này, chiến sỹ CSGT sử dụng công cụ hỗ trợ là hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ. Trước khi nổ súng bắn đạn cao su, nam thanh niên đã có hành vi chống đối, giằng co và xô ngã chiến sỹ CSGT đang làm nhiệm vụ”.

Hiện Ban giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang đang khẩn trương yêu cầu lực lượng chức năng điều tra, làm rõ các hành vi. Khi có kết quả, ai vi phạm tới đâu sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về chiến sỹ CSGT liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra đã yêu cầu viết bản tường trình, tạm đình chỉ làm nhiệm vụ bên ngoài để phối hợp với cơ quan điều tra, làm rõ.

Trước đó, vào chiều 30/6, tại tuyến đường gần khu vực trường tiểu học Bình Thuận (phường Tân Quang, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), tổ công tác CSGT TP Tuyên Quang đang làm nhiệm vụ thì phát hiện một người dân đi xe máy vi phạm giao thông nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra và xử lý.

Người điều khiển phương tiện cho biết, đây là xe đi mượn nên rút điện thoại gọi điện cho chủ xe ra làm việc. Lát sau, một nam thanh niên xuất hiện và nhận mình là chủ phương tiện. Anh này yêu cầu được mang xe về nhưng các cán bộ CSGT trả lời xe vi phạm nên phải giữ lại.

Sau đó, hai bên xảy ra to tiếng, tranh cãi. Trong lúc giữa nam thanh niên và lực lượng CSGT xảy ra mâu thuẫn, một chiến sỹ CSGT TP Tuyên Quang đã rút súng bắn đạn cao su bắn vào đầu nam thanh niên trên khiến người này bị thương ở đầu và chảy máu.

CSGT có quyền được nổ súng không?

Theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an - CSGT được quyền nổ súng khi thi hành công vụ.

Khoản 2 Điều 22 quy định: Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây:

Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;

Chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo (Theo hướng dẫn tại Nghị định số 25/2012/NĐ-CP việc cảnh báo trước khi nổ súng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên) .

Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay.

Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Các trường hợp cụ thể mà CSGT được nổ súng

Khoản 3 Điều 22 Quy định các trường hợp nổ súng gồm:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:

Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tuân (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN