Tiếng hát rong của một giang hồ

Sự kiện: Tin pháp luật

Để đi đến quyết định làm người hát rong lang thang, ông Đáng đã mất ngủ nhiều đêm. Bởi lẽ, cái sĩ diện của đấng nam nhi từng một thời chọc trời khuấy nước, từng được tung hô như lãnh chúa, xài tiền như lá tre... Nhưng khi nhìn vào đôi mắt mù lòa của vợ, thì mọi suy nghĩ đã tan chảy. Ở đó, chỉ còn tình thương vô bờ, cùng cái nghĩa phu thê bền chặt không thể chối từ.

Một thời đao kiếm

Những ngày gió bão tơi bời, căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đáng và bà Trịnh Thị Mọn (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) luôn đóng kín cửa để tránh giá rét. Thi thoảng ông Đáng lại hé mắt qua khe thủng của miếng ván ép, ngó trời xem nắng lên chưa để ông ôm đàn ra chợ hát.

Công việc hát rong ấy, ông đã thực hiện gần 10 năm nay để nuôi vợ mù lòa, tàn tật. Bà con khu chợ đã quá quen thuộc với chất giọng khàn đục, cao vút của người đàn ông vừa bước qua tuổi 78 này. Đó là giọng hát của gã giang hồ một thời "chọc trời khuấy nước".

Tiếng hát rong của một giang hồ - 1

Tiếng hát của ông Đáng giữa chợ luôn được nhiều người lắng nghe.

Trong căn nhà cũ kỹ đầy hoài niệm của mình, mỗi ngày ông Đáng không quên hát tặng bà Mọn một bài trước khi ra chợ và sau khi đi ngủ. Người đàn bà mù, liệt một phần cơ thể không bao giờ hối tiếc khi trao phần đời cho gã giang hồ.

Bà Mọn sinh ra tại Nam Định, trong thời chiến tranh. Cha mẹ, anh em họ hàng bà sơ tán khắp nơi. Còn một mình, bà dứt áo vào Nam. Tại Cẩm Mỹ (Đồng Nai), bà đi cùng mấy người quen cạo mủ cao su. Cuộc sống xa xứ cuốn bà Mọn theo guồng quay hối hả của việc kiếm kế sinh nhai. Ở lứa tuổi xuân thì, bà gá nghĩa với một người đàn ông.

Có với nhau một đứa con, sống chung được thời gian thì "đứt gánh". Thuở gái một con ấy, bà gặp người bạn cạo mủ cao su Nguyễn Văn Đáng. Thích nhau từ cái nhìn đầu tiên, nhưng lúc bấy giờ, ông Đáng đang là chàng thanh niên ấp ủ những ước mơ của cuộc đời. Sau lần tung một cú chưởng vào mặt tên sai nha ở đồn điền cao su, Nguyễn Văn Đáng chính thức bước chân vào chốn giang hồ hiểm ác.

Khi ấy, ông vừa tròn 19 tuổi. Cộng với việc phải trốn chạy đi lính quân dịch cho chế độ Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Đáng sống chui lủi khắp nơi. Cha mẹ muốn kìm chân con trai đã chọn cho ông một cô gái cùng làng xinh đẹp, hiền ngoan.

Tiếng hát rong của một giang hồ - 2

Ngôi nhà nhỏ bé, cũ kỹ của vợ chồng ông Đáng.

Mọi thủ tục cưới xin đã hoàn thành nhưng một đêm trước ngày mặc áo chú rể, Nguyễn Văn Đáng đã lặn mất tăm. Sau này, ông thú thật với mẹ rằng, trái tim ông đã dành cho bà Mọn từ lâu rồi, ông không đành lòng phụ bạc tấm chân tình của người đàn bà một con ấy.

Ông Đáng dùng giấy tờ giả trốn chạy khắp nơi, cuối cùng vẫn bị phát hiện. Để không phải chịu cảnh tù đày, ông xin gia nhập vào biệt đội "Người nhái" do trùm trưởng Ngô Châu Dị cầm đầu. Đây là biệt đội chuyên đi thu tiền bảo kê tại các sòng bài, quán ba, vũ trường... được đỡ đầu bởi quan chức cấp cao trong chính quyền Ngô Đình Diệm.

Tại đây, Nguyễn Văn Đáng được đào tạo bài bản, huấn luyện chuyên sâu "nghiệp vụ" giang hồ, sẵn sàng nghênh chiến và đổ máu với các nhóm giang hồ khác để giành lãnh địa. Nguyễn Văn Đáng với thân hình cuồn cuộn cơ bắp, khuôn mặt góc cạnh, đôi mắt sắc lẹm luôn được trùm trưởng đặt niềm tin.

Mới "tuyên chiến" vài trận, Nguyễn Văn Đáng được đồng bọn trầm trồ ngợi khen là "Đáng đao", bởi biệt tài phóng đao bách phát bách trúng. Phần thưởng sau mỗi phi vụ thanh toán giang hồ là những cuộc ăn chơi vô độ, trác táng, không thiếu trò gì, đập phá không giới hạn.

Từ một anh chàng cạo mủ cao su khù khờ, thấp hèn, Nguyễn Văn Đáng trở thành tay chơi khét tiếng và tay đao "đẫm máu", tưởng như không có thế lực nào ngăn cản được. Thế nhưng, cuộc đụng độ vào năm 1968 với băng đảng của Đại Cathay đã chấm dứt thời kỳ hoàng kim đầy uy lực của băng "Người nhái".

Nguyễn Văn Đáng thất thủ, phải buông đao bỏ chạy, nhường địa bàn. Kể về trận giao chiến ấy, ông Đáng vẫn còn rùng mình: "Hai băng tuyên chiến trực tiếp. Bên kia dùng súng, bên này dùng dao. Đại Cathay chỉ đạo đàn em bắn gục trùm trưởng và trùm phó của bên này. Chúng tôi như rắn mất đầu, một số bỏ chạy, số khác quy hàng".

Số phận biệt đội của Nguyễn Văn Đáng trở nên mong manh, nguy hiểm. Dù đã lui về ẩn nấp nhưng cuối cùng chỉ trong một đêm, 8 trên 10 người bị thủ tiêu. Nguyễn Văn Đáng quá sợ hãi, lên kế hoạch tẩu thoát. Lợi dụng việc được nghỉ phép 3 ngày, ông Đáng trốn về Hố Hai (Biên Hòa, Đồng Nai), nơi ngày xưa ông có quen một người bạn làm xưởng gỗ nhờ làm giấy tờ giả để trốn tiếp.

Không ngờ sau 10 năm vắng tin, lần trở về này ông Đáng đã hội duyên bà Mọn. Tình xưa cứ thế ùa về, họ rưng rưng kể cho nhau nghe tháng năm sống cô đơn trong niềm khắc khoải nhớ thương. Bà Mọn dù được nhiều người đàn ông ngỏ lời nhưng vẫn một mực "đóng chặt" trái tim.

Ông Đáng cũng thú thật với người yêu quãng đời bão tố của mình khi tham gia biệt đội "Người nhái". Ông bảo, dù có bao nhiêu người đẹp vây quanh, dù tiền tiêu không hết nhưng chưa bao giờ thôi nhớ nhung bà Mọn. Được người quen đứng ra làm chủ, ông Đáng và Mọn chính thức về ở với nhau, kết thúc 10 năm chờ đợi.

Từ ngày tìm được bến đỗ, ông Đáng đoạn tuyệt luôn với kiếp giang hồ đâm thuê chém mướn. Ông phải khổ sở chạy trốn sự truy lùng gắt gao của ông trùm, sợ liên lụy đến vợ con, ông lại dứt áo ra đi một mình.

Kể về ngày đó, ông Đáng bần thần: "Tôi hoảng sợ cả trong giấc ngủ, miếng ăn cũng chưa bao giờ nuốt trôi, lúc nào cũng nơm nớp. Có lẽ đó cũng là cái giá mà tôi phải trả cho những tội lỗi của mình. Mặc dù, phương châm làm giang hồ của tôi là không bao giờ xuống tay tàn sát đối thủ, mà chỉ chém họ bị thương thôi. Nhưng dù sao thì mình vẫn là người có tội".

Trốn mãi rốt cuộc không thể thoát, năm 1972, Nguyễn Văn Đáng bị bắt. Trải qua nhiều đợt bị tra tấn khốc liệt trong nhà lao Chí Hòa, ông Đáng nghĩ rằng mình sẽ không thể trở về với vợ con. Tuy nhiên "thần chết" đã giữ ông lại. Tòa tuyên án 10 năm, đày ra Côn Đảo nhưng ông chưa kịp đi chịu án thì miền Nam giải phóng.

Tiếng hát của một giang hồ

Đất nước thống nhất, Nguyễn Văn Đáng được thoát án, ông mừng vui khôn xiết, chạy thẳng về Cẩm Mỹ đoàn tụ vợ con. Từ ngày chồng bị bắt, bà Mọn một mình tần tảo nuôi ba người con. Không tin tức, không một dòng tin nhắn, bà chờ ông chỉ bằng niềm tin và tình yêu sâu thẳm.

Tiếng hát rong của một giang hồ - 3

Ngón tay bị cụt trong một lần thanh toán giang hồ.

Ông trở về, thấy bà tiều tụy xác xơ, thì ân hận vô cùng. Ông tự trách bản thân đã mang ân oán cuộc đời đổ lên vai người phụ nữ hiền lành, chất phác. Suốt quãng đời tuổi trẻ, ông Đáng đã phung phí vào chốn chợ đen và những cuộc trốn chạy biền biệt.

Ngày "rửa tay gác kiếm", thì tuổi đời đã tràn sang sườn dốc, ông cố sức làm lại nhưng không thể cứu vãn. Gia cảnh của ông ngày càng nghèo khó, bần cùng. Ba người con lớn lên đều phải tự lao ra đời "bơi lội".

Cũng vì không được sự giáo dục ngay từ nhỏ mà một người con trai của ông đã sa chân vào vòng lao lý. Con dại cái mang, vợ chồng ông Đáng chỉ biết trách đời đã quá phũ phàng với vợ chồng ông. Bà Mọn đau buồn quá, ngày càng ốm yếu rồi đổ bệnh. Kể về con, bà chỉ biết than: "Cũng do mình nghèo không lo nổi cho con cuộc sống đàng hoàng nên chúng phải ra đời mới ra nông nỗi này. Vợ chồng tôi không trách gì con cả".

Khóc nhiều vì chồng con, bà Mọn bị mù một bên mắt phải, hai năm sau thì mù nốt mắt trái. Ông Đáng không biết phải làm sao trước nghịch cảnh này, khi đời ông đã chạm tới ngưỡng 70. Không ai thuê mướn một ông già như thế. Vậy là ông Đáng đành ôm đàn ra chợ hát rong, xin tiền.

Để đi đến quyết định bần cùng này, ông Đáng đã mất ngủ nhiều đêm. Bởi lẽ, cái sĩ diện của đấng nam nhi từng một thời chọc trời khuấy nước, từng được tung hô như lãnh chúa, xài tiền như lá tre... Nhưng khi nhìn vào đôi mắt mù lòa của vợ, thì mọi suy nghĩ đã tan chảy. Ở đó, chỉ còn tình thương vô bờ, cùng cái nghĩa phu thê bền chặt không thể chối từ.

Tiếng hát rong của một giang hồ - 4

Dù khó khăn, vợ chồng ông Đáng vẫn sống hạnh phúc.

Tiếng hát của ông Đáng giữa khu chợ nhốn nháo kẻ bán người mua vẫn không lẫn được sự da diết, não nề, buồn thương. Bà con hiểu được hoàn cảnh của ông, người cho vài đồng lẻ, người cho mớ rau, con cá. Ông đều nhận tất. Được chăm sóc vợ lúc cuối đời, chính là cơ hội để ông chuộc lại lỗi lầm quá khứ cũng như báo đáp tấm lòng thủy chung son sắc của bà Mọn.

Vậy là cũng ngót 10 năm ông Đáng trở thành người hát rong lang thang chợ trời. Ông đã không còn mặc cảm, tự tin với công việc kiếm sống của mình nữa. Cây đàn ghita do ông tự chế, giọng hát ông tự trau chuốt để bay bổng hơn, sâu thẳm hơn, xoáy vào lòng người hơn. Đó cũng là cách phục vụ khán giả có lòng tự trọng của người hát rong.

Trầm Bê lần đầu nếm trái đắng: Con trai bị giang hồ bắt cóc (Kỳ cuối)

Đang nghe tuyên đọc bản án, nghe đến mức án tù 28 năm, đột nhiên Bình hét toáng giữa tòa: "Sống rồi! Khỏi chết rồi!".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Thiện (Cảnh sát toàn cầu)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN