Phạm Công Danh phải bán 10 nhà trả 500 tỷ cho Hà Văn Thắm

Phạm Công Danh khai phải bán 10 căn nhà để trả 500 tỷ tiền môi giới chuyển nhượng ngân hàng cho Hà Văn Thắm.

Phạm Công Danh phải bán 10 nhà trả 500 tỷ cho Hà Văn Thắm - 1

Phạm Công Danh phải trả 500 tỷ đồng tiền môi giới cho Hà Văn Thắm để mua lại một ngân hàng yếu kém.

Ngày 29/12, phiên tòa phúc thẩm vụ ông Phạm Công Danh tiếp tục diễn ra và HĐXX đã thẩm vấn việc lập hồ sơ khống thực hiện đề án nâng cấp hệ thống corebanking, rút của VNCB hơn 63 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2012 Ngân hàng nhà nước có chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém. Ông Hà Văn Thắm lúc đó là chủ tịch Ngân hàng Đại Dương, đã gặp bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm Phú Mỹ, nhóm điều hành Ngân hàng Đại Tín Trustbank – tiền thân của Ngân hàng Xây dựng VNCB) để tái cơ cấu.

Phải bán nhà trả tiền môi giới mua ngân hàng yếu kém

Sau khi vào tiếp quản ngân hàng, ông Thắm phát hiện có nhiều khoản nợ xấu không khả năng thu hồi. Đồng thời phát hiện bà Phấn đã cho hàng chục cá nhân vay tiền, có người không tài sản thế chấp để lấy tiền của Trustbank. Do đó, ông Thắm tìm cách “tháo chạy”.

Thông qua các mối quan hệ, biết được ông Phạm Công Danh đang có nhu cầu muốn thành lập một ngân hàng chuyên cho ngành xây dựng. Nên tháng 12/2012, ông Thắm đã giới thiệu cho bà Phấn ký hợp đồng chuyển nhượng ngân hàng lại cho ông Danh với giá 4.600 tỷ đồng.

Trước khi chuyển nhượng, Trustbank thời bà Phấn điều hành đã âm vốn chủ sở hữu 2.800 tỷ, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ. Phiên tòa phúc thẩm chiều 29/12, bị cáo Danh khai nhận vào năm 2012 khi tiếp nhận Trustbank từ bà Phấn, thì nhiều khoản nợ xấu còn tồn đọng, lớn nhất là của nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang không khả năng thu hồi.

Ông Danh còn cho biết do ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn, mất thanh khoản, không có tiền mặt chi trả cho khách hàng. Vì thế, ông Danh phải bán 10 căn nhà của mình để chi trả 500 tỷ đồng tiền môi giới mua ngân hàng cho ông Thắm.

Phạm Công Danh phải bán 10 nhà trả 500 tỷ cho Hà Văn Thắm - 2

 Ông Hà Văn Thắm nguyên chủ tịch Ngân hàng Đại Dương

 Làm rõ bản chất việc ký hợp đồng nâng cấp corebanking

Ở phiên phúc thẩm này, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB), cho biết thời điểm tháng 4/2013 do nợ xấu do nhóm cổ đông cũ để lại, nên VNCB lúc đó đối diện rất nhiều khó khăn. Nhất là về thanh khoản vì ngân hàng hầu như không còn tiền mặt, và sợ thông tin lọt ra ngoài khách hàng sẽ đồng loạt đến rút tiền có thể gây đổ vỡ hàng loạt.

Do đó, Phạm Công Danh cũng như nhiều thuộc cấp khác phải vay mượn, mang tiền cá nhân đến ngân hàng để có tiền chi trả cho khách. Từ đó, ông Danh chỉ đạo Phan Thành Mai nghiên cứu phương án mượn tạm tiền ngân hàng để chi chăm sóc khách hàng. Vì vậy Mai đề xuất muốn cứu thanh khoản, mượn tiền ngân hàng phải thông qua nâng cấp hệ thống corebanking với hợp đồng 240 tỷ. Việc nâng cấp này theo bị cáo Mai là vừa nâng cấp đầu tư công nghệ thông tin, vừa mượn được tiền của ngân hàng.

Tại tòa ngày 29/12, luật sư Trần Minh Hải (bào chữa cho Phạm Công Danh) phân tích bản án sơ thẩm căn cứ đã căn cứ khoản 3 Điều 64 Luật các tổ chức tín dụng, xác định tội cố ý làm trái do không họp Hội đồng quản trị về việc thành lập ban chỉ đạo đề án nâng cấp corebanking. Luật sư Hải đã hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước về vốn điều lệ của VNCB thời điểm đó, tuy nhiên đại diện Ngân hàng Nhà nước hẹn trả lời sau.

Trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Mai cho biết vốn điều lệ VNCB thời điểm đó là 3.000 tỷ. Như vậy 10% vốn điều lệ là 300 tỷ. Luật sư nhận định, với giao dịch nâng cấp hệ thống Corebanking, giá trị hợp đồng này tương đương 240 tỷ đồng, tức là chưa quá 10% vốn điều lệ nên không phải thông qua họp Hội đồng quản trị. Vì vậy, luật sư cho rằng nếu làm rõ vấn đề này có thể thay đổi bản chất của sự việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sao Mai (Báo Giao thông)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN