Nữ diễn viên triển vọng giúp sức cựu Chủ tịch Oceanbank chiếm đoạt tiền như thế nào?

Sự kiện: Tin pháp luật

Ngày 28-8, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). Trong đại án này có một nữ bị cáo được nhiều người biết đến vì từng tham gia đóng nhiều phim truyền hình nổi tiếng. Đó là Hoàng Thị Hồng Tứ, nghệ danh Quỳnh Tứ (34 tuổi, ở phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tứ phạm tội khi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BSC Việt Nam. Đây là doanh nghiệp do Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank thành lập với mục đích làm đầu mối trung chuyển tiền và sử dụng bất hợp pháp.

Oceanbank tiền thân là Ngân hàng Thương mại cổ phần Nông thôn Hải Hưng được thành lập và hoạt động từ năm 1993, đến năm 2007 thì đổi tên thành Oceanbank do hơn 1.000 cổ đông góp vốn. Thắm đã sử dụng các doanh nghiệp và cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến mình để nắm giữ hơn 62% cổ phần tại Oceanbank, từ đó lên nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. Trước đó vào cuối năm 2008, một tập đoàn lớn đã ký thỏa thuận với Oceanbank và trở thành cổ đông, góp 20% vốn điều lệ vào Oceanbank, qua đó đã cử Nguyễn Xuân Sơn tham gia thành viên HĐQT ngân hàng, kiêm chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank.

Đầu năm 2009, khi Thắm trao đổi, bàn bạc về việc huy động vốn cho Oceanbank, Sơn chủ động đề nghị Thắm hai vấn đề: 

Thứ nhất, để huy động được vốn từ các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã cử Sơn tham gia thành viên HĐQT, Oceanbank phải chi thêm khoản "chăm sóc khách hàng" ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng trên tổng số tiền gửi. 

Thứ hai, Sơn phải được toàn quyền quyết định việc chi phí số tiền đó mà không cần trao đổi với ai. Do Oceanbank mới được chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn, có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn nên sau khi tính toán, Thắm đã đồng ý hai đề nghị trên.

Nữ diễn viên triển vọng giúp sức cựu Chủ tịch Oceanbank chiếm đoạt tiền như thế nào? - 1

Hoàng Thị Hồng Tứ.

Để có nguồn tiền "chăm sóc khách hàng" theo yêu cầu của Sơn, Thắm quyết định sử dụng Công ty cổ phần BSC Việt Nam (viết tắt là Công ty BSC) do Thắm thành lập từ năm 2008 để thực hiện việc ký các hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn tại Oceanbank nhằm thu phí.

Với mục đích trên, Thắm liên tiếp chỉ đạo Hoàng Thị Hồng Tứ, Chủ tịch HĐQT Công ty BSC thực hiện các yêu cầu của mình. Không hiểu biết gì về lĩnh vực ngân hàng, cũng chẳng được Thắm bàn bạc, trao đổi gì, Tứ như cái máy ký vào các hợp đồng kinh tế do Thắm hoặc cấp dưới đưa để rồi nữ diễn viên này tự đưa mình vào lao lý. 

Trước khi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, Tứ từng tham gia đóng nhiều bộ phim truyền hình và được biết đến như một diễn viên triển vọng chen chân sang lĩnh vực ngân hàng và trở thành nhân viên cưng của Thắm.

Có thể vì cơ duyên nên chỉ sau một thời gian ngắn về Oceanbank làm thư ký cho Hội đồng quản trị, Tứ được Thắm đưa lên làm Chủ tịch HĐQT Công ty BSC để phục vụ những mục đích riêng của anh ta. Rồi Thắm bị bắt và bị cáo buộc giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc chỉ đạo và quyết định việc cho vay tiền trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, Công ty BSC cũng phải chịu trách nhiệm hình sự từ việc làm sai trái của Thắm. Vậy là Tứ bị cơ quan điều tra triệu tập vì giữ vai trò cao nhất trong công ty này. Sau đó Tứ bị khởi tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngay từ thời điểm bị bắt, Hoàng Thị Hồng Tứ đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận bởi cô không có trình độ chuyên môn về tài chính ngân hàng. Tứ được đào tạo về đàn tranh tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sau đó tham gia ca hát rồi lấn sân sang lĩnh vực sân khấu, điện ảnh và bén duyên với nghề diễn viên qua các vai: Thắm trong phim “Sau lũy tre làng Hạ”; Mai trong phim “Trăng lạnh”; Hạnh trong phim “Nắng trong mắt bão”; Thanh trong phim “Ban mai xanh”; Thư trong phim “Những cánh hoa bay”…

Nhưng Hồng Tứ chỉ thật sự thành công khi được giao vai nữ chính trong hai phim truyền hình trong series Cảnh sát hình sự của đạo diễn Bùi Huy Thuần là “Đầm lầy bạc" và “Ngôi biệt thự màu tro lạnh". Khi bộ phim này được công chiếu trên sóng truyền hình vào giờ vàng đã góp phần đưa Tứ trở thành một diễn viên triển vọng. Hồng Tứ được đạo diễn nhận xét là có sự cầu thị, ham học hỏi trong nghề diễn. Sau đó, Tứ còn làm việc ở một hãng hàng không một thời gian trước khi được Thắm đưa về Oceanbank.

Nữ diễn viên triển vọng giúp sức cựu Chủ tịch Oceanbank chiếm đoạt tiền như thế nào? - 2

Hà Văn Thắm (hàng trên).

Thắm thành lập Công ty BSC và cho Tứ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện trước pháp luật. Mang danh là Chủ tịch HĐQT, nhưng thực tế thì Tứ không góp vốn, không quản lý, cũng chẳng trực tiếp điều hành công ty này bởi mọi việc cô đều thực hiện một cách thụ động theo chỉ đạo của Thắm.

Việc làm đầu tiên của Tứ trong vai trò Chủ tịch HĐQT là thực hiện theo chỉ đạo của Thắm ký bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang (SN 1975, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, được Thắm tuyển dụng và bổ nhiệm làm Phó trưởng Phòng Pháp chế Oceabank) làm Tổng giám đốc Công ty BSC để điều hành các hoạt động tại công ty này. Ngoài ký bổ nhiệm Giang, Tứ còn thực hiện theo chỉ đạo của Thắm ký hợp đồng lao động với nhiều người khác vào làm ở công ty đảm nhận các vị trí quan trọng như kế toán, thủ quỹ.

Công ty BSC thường ký hợp đồng dịch vụ trong các lĩnh vực: thẩm định giá bất động sản, dịch vụ đấu giá tài sản, đại lý bảo hiểm, mua bán kỳ hạn bất động sản, mua bán kỳ hạn các loại tài sản đảm bảo, đại diện thương mại, vay vốn ngân hàng... Theo đó, khi khách hàng có nhu cầu vay vốn hoặc mua ngoại tệ, cán bộ tín dụng các Khối kinh doanh và các chi nhánh của Oceanbank sẽ đàm phán, thoả thuận với khách hàng về lãi suất thực tế cho vay.

Khi khách hàng đồng ý, cán bộ tín dụng lập hợp đồng tín dụng với lãi suất vay thấp hơn mức lãi suất thực tế hoặc lập hợp đồng mua bán ngoại tệ với tỷ giá bán ra thấp hơn tỷ giá thực tế. Phần chênh lệch được hợp thức bằng hợp đồng dịch vụ (quản lý tài sản, tư vấn, đầu tư, cung cấp thông tin...) để khách hàng ký với Công ty BSC dựa trên mẫu hợp đồng do công ty này cung cấp phù hợp với số tiền thu thêm của khách hàng. Sau khi khách hàng ký hợp đồng, hợp đồng dịch vụ được chuyển về để lãnh đạo Công ty BSC ký, khách hàng sau đó sẽ nộp phí dịch vụ vào hai tài khoản của Công ty BSC.

Ngoài hai hình thức thu phí trên, đối với một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, có tài sản đảm bảo và giấy tờ pháp lý nhưng không đủ các điều kiện để vay, Thắm chỉ đạo lãnh đạo Công ty BSC ký hợp đồng mua các tài sản của khách hàng có kỳ hạn (bằng kỳ hạn vay vốn). Sau đó dùng luôn tài sản đó để lập phương án vay vốn theo nhu cầu vay của khách hàng tại Oceanbank dưới danh nghĩa Công ty BSC vay.

Nữ diễn viên triển vọng giúp sức cựu Chủ tịch Oceanbank chiếm đoạt tiền như thế nào? - 3

Trong ngày đầu xét xử, Tứ (đứng) khóc nhiều vì ân hận.

Số tiền vay được Công ty BSC chuyển cho khách hàng sử dụng. Hết thời hạn hợp đồng mua các tài sản, khách hàng thanh toán cho Công ty BSC tiền đã vay cộng thêm một khoản phí dưới hình thức mua lại tài sản đã bán cho Công ty BSC. Tiền phí mà Công ty BSC thu được dưới hình thức này được Thắm sử dụng để "chăm sóc khách hàng" theo yêu cầu của Sơn.

Trong thời kỳ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, Hoàng Thị Hồng Tứ đã thực hiện chỉ đạo của Thắm ký 98 hợp đồng dịch vụ để thu phí của khách hàng có nhu cầu vay vốn và mua ngoại tệ tại Oceanbank với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng, trong đó có 48 hợp đồng có chữ ký nháy của Giang.

Vì thế nên khi Thắm bị bắt, Tứ được xác định phạm tội với vai trò đồng phạm với Thắm. Theo lời khai của Tứ, do các hợp đồng này đã được khách hàng ký trước và trên hợp đồng ghi bản thân cô là đại diện Công ty BSC nên phải ký để hoàn thiện.

Dù là người ký hợp đồng nhưng cô không biết gì về những hoạt động của công ty do mình giữ chức vụ cao nhất. Những bản hợp đồng do cô ký kết sau đó được chuyển qua bộ phận chuyên môn khác để rút tiền. Số tiền ấy đi đâu, sử dụng vào việc gì thì Tứ không biết vì Giang làm mọi thứ rồi đưa lên cô chỉ việc ký. Tài liệu điều tra còn xác định, theo chỉ đạo của Thắm, Tứ đã ba lần nhận tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng của Công ty BSC để chuyển cho Sơn, lúc đó là Tổng Giám đốc Oceanbank.

Tứ khai, cô đưa số tiền ấy cho Sơn tại phòng làm việc của ông ta. Khi đưa, cô không biết là tiền gì và không được hưởng lợi gì. Nhưng "tình ngay, lý gian", với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, việc làm của Tứ được cơ quan tố tụng xác định đã giúp sức cho Thắm sử dụng công ty này để thu phí, lấy tiền chi trái quy định theo yêu cầu của Sơn nên cô phải chịu trách nhiệm hình sự từ hậu quả do mình gây ra.

Hành vi phạm tội của Tứ chỉ là một phần trong đại án kinh tế này. Tứ bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (theo điểm a, khoản 4, Điều 280 Bộ Luật hình sự). Khung hình phạt mà Tứ phải đối diện từ 20 năm tù đến chung thân.

Tuy nhiên trong quá trình điều tra, do Tứ tích cực khai báo, hoàn cảnh gia đình khó khăn khi hai anh ruột bị bệnh nặng, mất khả năng lao động, bố là thương bệnh binh nên cơ quan điều tra đề nghị tòa án xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho Tứ khi vụ án đưa ra xét xử.

Quá trình khởi tố vụ án, Tứ cũng được tại ngoại vì cơ quan tố tụng xét thấy, hành vi phạm tội của Tứ không cần thiết phải bắt tạm giam. Còn Thắm bị truy tố về 4 tội danh: tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Và chỉ một tội tham ô tài sản, khung hình phạt cao nhất mà Thắm phải đối diện đã là tử hình.

Hà Văn Thắm chi 69 tỉ để ”chăm sóc” ai?

Bị cáo Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank, khai đã chi 69 tỉ đồng để “chăm sóc khách hàng”, vậy số tiền này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hưng (An ninh thế giới)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN