Những đêm day dứt vì nhớ mẹ của gã phạm nhân rủ em trai cướp của giết người

Sự kiện: Tin pháp luật

Là anh cả trong gia đình, Điệp không chí thú làm ăn mà lại rủ em trai đi làm thuê rồi cướp tài sản của ông chủ. Kế hoạch bất thành, 2 anh em Điệp phải dùng cả thanh xuân để trả giá trong tù.

Những đêm day dứt vì nhớ mẹ của gã phạm nhân rủ em trai cướp của giết người - 1

Điệp chia sẻ với phóng viên

Tuổi thơ khốn khó

Tôi gặp Nguyễn Thành Điệp (SN 1991, ngụ tỉnh Đồng Nai) khi Điệp đang thụ án tù 26 năm tại trại giam Đắk Plao thuộc cục VIII - bộ Công an.

Lúc đầu gặp Điệp, khi được hỏi về tội danh phạm tội và quá trình phạm tội, Điệp đã rất rụt rè. Có lẽ, Điệp không muốn kể về chuyện buồn một phần cũng xuất phát từ ngại ngần khi em trai của Điệp - Nguyễn Thành Toàn (SN 1995) cũng cùng phạm tội với gã.

Điệp cúi mặt, hai bàn tay đan vào nhau rồi nói: “Em không biết bắt đầu từ đâu, mọi chuyện quá sức em nghĩ. Lúc đó cũng vì quá tham lam, muốn kiếm thêm ít tiền tiêu nên em mới rủ em trai làm điều phạm tội. Cứ nghĩ đến cảnh nhà có 2 anh em ruột cùng phải chịu án tù thì em quá đau lòng, cũng đành phải cố gắng để vượt qua thôi”.

Theo lời Điệp kể, Điệp sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ba mẹ gọi là nông dân nhưng không có đất đai để làm ăn. Điệp chia sẻ: “Gia đình em làm ăn gặp biến cố nên bán hết đất, sau đó cả nhà dắt nhau lên TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để thuê nhà trọ xin làm công nhân”.

Cuộc sống nơi thành thị vốn bon chen, nhưng nhờ biết chắt chiu nên ba mẹ Điệp cũng nuôi được 3 đứa con ăn học. Rồi chuyện không may ập đến, khi Điệp 13 tuổi, ba Điệp mất. Từ đó, anh em Điệp không được đi học nữa.

Điệp tâm sự: “Thực ra dù nhà em vất vả, nhưng có cả ba mẹ nên 3 anh em vẫn được ăn học đàng hoàng. Từ khi ba mất đi, bọn em phải bỏ học, mẹ một mình không nuôi nổi 3 anh em em ăn học. Lúc đó, em còn nhỏ nên cũng thấy mẹ cho nghỉ học là nghỉ thôi, không hiểu gì. Sau này mới biết lúc đó khó khăn quá nên mẹ phải cho nghỉ. Bây giờ mỗi lần nghĩ lại thương mẹ, cứ ước giá như được quay trở lại thời ấy…”.

Một mình mẹ Điệp đi làm công nhân, lương tháng mấy triệu bạc nên việc nuôi anh em Điệp cực kỳ vất vả. Điệp nhớ lại: “Mẹ ban ngày đi làm công nhân, đêm đến ra quán gần nhà xin phụ rửa chén cho người ta để kiếm thêm mấy chục nuôi 3 anh em. Thương mẹ, năm 15 tuổi, em xin đi phụ cho quán bán cá gần nhà để mẹ đỡ vất vả”.

Do tuổi còn nhỏ, lại không có sức khỏe nên Điệp làm cũng chỉ kiếm được hơn một triệu đồng/tháng. Số tiền ít ỏi ấy vẫn không thể cải thiện thêm tình hình kinh tế nhà Điệp.

Điệp buồn bã nói: “Số tiền em kiếm được cũng chỉ để em với 3 đứa em ăn xôi sáng, còn mọi thứ mẹ cũng phải lo. Mẹ thương các con nên chưa một lần than vãn”.

Thấy tiền mờ mắt, đánh mất tương lai

Anh em Điệp lớn lên trong sự thiếu thốn về vật chất, nhưng bù lại được mẹ rất yêu thương. Mấy anh em Điệp làm đủ thứ việc để kiếm tiền. Điệp kể lại: “Em từng này tuổi nhưng đã trải qua không biết bao nhiêu việc, bán cá, làm hồ, làm công nhân may… nhiều lắm. Cứ ai thuê gì làm đó, lương nơi nào cao thì em làm, cũng chỉ mong kiếm được tiền cho cuộc sống đỡ nghèo đói”.

Năm 2016, Điệp nghe người quen giới thiệu lên Đắk Nông sẽ kiếm được nhiều tiền nhờ việc hái cà phê thuê. Vốn là người quen lao động, lại mong làm việc gì có thể nhanh chóng kiếm tiền nên Điệp đã rủ em trai là Toàn đi làm cùng.

Điệp kể: “Sau mấy ngày kiếm tìm, người quen cũng giới thiệu em làm cho ông Nguyễn Văn N.. Lúc đó, 2 anh em mừng lắm, nghĩ sẽ làm và có nhiều tiền. Thực ra, từ nhỏ em quá nghèo, cả đời chưa từng được cầm số tiền vài triệu trong tay nên khi nào em cũng khát khao có tiền. Khổ quá nên lúc nào em cũng chỉ nghĩ đến tiền…”.

Công việc ở nhà ông N. của hai anh em Điệp là tưới và hái cà phê. Việc vất vả, nhưng bù lại anh em Điệp được nhận lương cao hơn làm công nhân ở TP.Biên Hòa. Nhưng chỉ làm được 8 ngày, anh em Điệp đã nghĩ đến chuyện bất lương.

Lý giải cho việc này, Điệp phân trần: “Lúc đi làm, em không nghĩ gì hết, 2 anh em chỉ mong làm để có tiền tiêu. Nhưng khi vào nhà ông N., thấy ông giàu quá. Nhiều lúc thấy vợ chồng ông N. đếm tiền rồi trao đổi tiền bạc, 2 anh em sinh lòng tham mà phạm tội”.

Cũng chỉ vì tham tiền, Điệp và Toàn đã bàn bạc nhau tranh thủ lúc cả nhà ông N. đi hết để lẻn vào lấy tiền. Nhưng nhà ông N. hiếm khi đi hết người, cứ lúc nào cũng phải có một người ở nhà nên anh em Điệp khó lòng lấy trộm được.

Vào ngày 20/7/2016, nhân lúc chỉ có ông N. ở nhà một mình, Điệp và em trai bàn bạc nhau giết ông N. để cướp tài sản. Nghĩ là làm, Điệp và Toàn đi vào phòng khách phía ông N. đang ngồi, 2 anh em xông vào đè ông N. ra rồi thay nhau đâm ông N. để cướp tài sản.

Thế nhưng, ông N. nhanh trí đạp được anh em của Điệp nên đã thoát và chạy ra ngoài kêu cứu. Sau đó, ông N. được đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã tai qua nạn khỏi, còn anh em Điệp dù chạy trốn nhưng bị công an tóm gọn ngay sau đó.

Kể lại chuyện này, Điệp nói: “Em buồn lắm, cứ nghĩ mãi là tại sao mình lại có hành động quá ác độc, còn rủ thêm em trai nữa. Mỗi ngày trôi qua em đều vô cùng hối hận vì việc mình đã làm, em thấy em quá tội lỗi”.

Không chỉ thương em trai cùng phải thụ án với mình, Điệp nói Điệp còn thương người mẹ già hay ốm đau bệnh tật. Từ ngày nghe tin anh em Điệp phạm tội tày trời, mẹ Điệp suy sụp và ngã bệnh nặng hơn.

Điệp nói: “Mẹ em vốn đã rất yếu, từ ngày nghe tin hai anh em, bệnh mẹ tái phát nặng nên yếu nhiều hơn. Em thương mẹ lắm, chắc mẹ suy nghĩ quá nhiều nên mới vậy. Đúng là quá đau lòng, có 3 đứa con thì 2 đứa phạm tội lớn là giết người, nên làm sao mà không ngã bệnh cho được”.

Từ ngày, 2 anh em Điệp bị bắt giam, mẹ Điệp chỉ lên thăm anh em Điệp được đúng một lần, còn về sau, sức khỏe quá yếu nên mẹ Điệp không thể lên thăm.

Điệp nói, những đêm nằm trong trại giam là những đêm lương tâm Điệp cắn rứt, sự hối hận ngày đêm giày vò Điệp.

Nỗi ân hận của người phụ nữ tiếp tay chồng sát hại “nhân tình” của mình

Bị chồng đánh đập tới mức “thừa sống thiếu chết”, lại dọa sẽ tước quyền nuôi con, Mẩy đã bị đẩy tới bước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hương Sen ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN