Ngày tàn của cựu cán bộ Sở LĐTBXH Cà Mau

Sự kiện: Tin pháp luật

Tòa phúc thẩm vừa tuyên y án 15 năm tù đối với cựu phó phòng Kế hoạch Tài chính sở LĐTBXH Cà Mau vì nhận hối lộ. Người đưa hối lộ cũng bị giữ y mức án 13 năm tù.

Liên quan đến vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau, ngày 24-10, tại TAND tỉnh Cà Mau, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên bác kháng cáo kêu oan, giữ nguyên bản án sơ thẩm cho cả hai bị cáo.

Theo đó, HĐXX tuyên 15 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Trung Tâm, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính Sở LĐTBXH Cà Mau về tội "Nhận hối lộ"; bị cáo Lê Thanh Phương, Nhà thầu xây dựng mặt bằng Nghĩa trang liệt sỹ huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) bị tuyên phạt 13 năm tù về tội "Đưa hối lộ".

Ngày tàn của cựu cán bộ Sở LĐTBXH Cà Mau - 1

Quang cảnh phòng xử án

Theo cáo trạng, cuối năm 2011, bà Bùi Lệ Oanh, cán bộ Sở LĐTBXH Cà Mau có đơn tố giác dấu hiệu tiêu cực xảy ra tại cơ quan mình.

Chứng cứ bà Oanh đưa ra thời điểm đó là các băng ghi âm thể hiện nhà thầu Lê Thanh Phương (đang xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ huyện Năm Căn do Sở LĐTBXH Cà Mau làm chủ đầu tư) đã nói rằng vừa đưa hối lộ cho nhiều người tại sở này. Cụ thể là đã đưa cho giám đốc sở lúc bấy giờ là bà Chung Ngọc Nhãn 5% giá trị công trình, tương đương 575 triệu đồng; đưa cho ông Nguyễn Trung Tâm 200 triệu đồng; đơn vị giám sát 1% giá trị công trình, khoảng 110 triệu đồng.

Ngay sau đó, cơ quan Đảng ủy Sở LĐTBXH, UBKT Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh Cà Mau vào cuộc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đã chuyển sang cơ quan điều tra.

Đến tháng 4-2012, Cơ quan điều tra Công an tinh Cà Mau đã khởi tố vụ án vu khống, bắt giam nhà thầu Lê Thanh Phương để điều tra hành vi vu khống. Thời điểm này, cơ quan điều tra cho rằng, Phương đã nói nhưng không có cơ sở nên cáo buộc Phương vu khống.

Tuy nhiên, đúng một năm sau, vào tháng 4-2013, Tâm bị bắt khẩn cấp để điều tra hành vi nhận hối lộ 200 triệu đồng của Phương. Cùng lúc này thì Phương cũng bị khởi tố thêm tội đưa hối lộ 200 triệu đồng cho Tâm. Về tội danh vu khống, do các nạn nhân là bà Nhản, ông Tâm không yêu cầu nên Phương không bị truy cứu tội danh này.

Tại phiên tòa lần này, bị cáo Tâm và Phương vẫn một mực kêu oan. Cho rằng không có chuyện đưa và nhận số tiền 200 triệu đồng như cáo trạng đã quy kết. Còn với những chứng cứ thể hiện Tâm và Phương nói, tường thuật về việc đưa nhận tiền, Tâm giải thích là nói chơi và viết tường trình là do hai ông Phó giám đốc Sở LĐTBXH xúi giục để trấn an dư luận.

Ngoài ra, Phương còn lý giải việc mình nói có đưa tiền hối lộ là để cho bà Oanh ghi âm lại nhằm thực hiện kế hoạch lật đổ giám đốc Chung Ngọc Nhãn.

Cả hai bị cáo cũng như luật sư của họ còn phản biện chủ thể phạm tội và bác các chứng cứ. Họ cho rằng Tâm không có chức vụ, quyền hạn nên không phải là chủ thể của tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, đại diện VKSND giữa quyền công tố tại tòa đã phản bác lập luận này bằng việc đọc lên Quyết định phân công nhiệm vụ, quyền hạn của Sở LĐTBXH Cà Mau đối với ông Tâm trong việc thực hiện dự án nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ huyện Năm Căn…

Cuối cùng, HĐXX đã bác toàn bộ kháng cáo kêu oan của hai bị cáo, tuyên giữ y án sơ thẩm. Ngoài bị phạt tù, Tâm còn phải nộp sung ngân sách số tiền đã nhận hối lộ 200 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Nhân (Người lao động)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN