Lời kể rợn người của 2 thanh niên trở về sau nhiều ngày biệt tích

"Có lần em bị người ta cầm cây đánh vào đầu đau điếng. Sau đó, chủ tàu cho biết, 3 đứa em bị người ta bán với giá 15 triệu/người. Em bị canh giữ, theo dõi rất chặt và rất lo lắng”.

Sáng 8/9, Đại tá Cao Văn Cảnh, Trưởng CA TX Buôn Hồ (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận trình báo của bà Trần Thị Lý (SN 1967, ngụ phường An Lạc) về việc hai con trai của bà trở về sau nhiều ngày mất tích.

Cũng theo lời Đại tá Cảnh, sau khi nhận tin báo, Công an thị xã Buôn Hồ đã hướng dẫn cho gia đình bà Lý trình báo lại vụ việc với Công an tỉnh Cà Mau, Công an tỉnh Long An để xử lý theo thẩm quyền.

Bị lừa bán lên tàu cá?!

Trao đổi với Infonet vào sáng cùng ngày, bà Lý cho biết, sau khi trở về cùng gia đình, hai con trai của bà đều cho rằng họ bị bán lên tàu cá ở Sông Đốc (Cà Mau), bị bóc lột sức lao động, làm việc không công suốt nhiều tháng.

Lời kể rợn người của 2 thanh niên trở về sau nhiều ngày biệt tích - 1

Huy (bên trái) và em trai kể lại việc mình bị lừa bán lên tàu cá.

Theo bà Lý, khoảng tháng 4/2017, hai con trai của bà là Nguyễn Phúc Hưng (SN 1999) và Nguyễn Phúc Huy (SN 1995) cùng một người bạn xuống tỉnh Long An làm việc. Đến khoảng tháng 7/2017, bà mất liên lạc với 2 con nên đã trình báo với cơ quan chức năng địa phương.

Trong lúc tất tả đi nhiều nơi để tìm con thì giữa cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2017, bà lần lượt nhận được tin con mình đang ở Sông Đốc (Cà Mau) nên đến đón về.

“Khi các con gặp tôi, không đứa nào có tiền, hành lý. Cũng may các con tôi bình an vô sự”, người mẹ thở phào.

Nhớ lại những tháng ngày mình biệt tích, Huy cho biết, sau thời gian làm việc ở Long An, Huy, Hưng và một người bạn đến bến xe Chợ Lớn (TP.HCM) để đón xe về quê.

Tuy nhiên, trong lúc đợi xe, người bạn đi cùng ngẫu hứng, nói xin việc làm thêm. Sau đó, Huy cùng bạn lại hỏi một người xe ôm để tìm việc. “Bác xe ôm nói có việc, lương 8-9 triệu/tháng rồi gọi điện cho một ai đó. Không lâu sau, có người mua vé xe, đưa 3 đứa em xuống Kiên Giang nghỉ lại một đêm rồi ra Cà Mau”, Huy kể.

Cũng theo lời Huy, khi ra biển Sông Đốc (Cà Mau), cả nhóm bị tách ra. Hưng lên tàu đi làm trước, mấy ngày sau, Huy và người bạn mới được đưa lên tàu đi làm. “Tụi em lên tàu cào cá, công việc cũng bình thường nhưng mất tự do, nếu cãi lời là bị đánh. Có lần em bị người ta cầm cây đánh vào đầu đau điếng. Sau đó, chủ tàu cho biết, 3 đứa em bị người ta bán với giá 15 triệu/người. Em bị canh giữ, theo dõi rất chặt và rất lo lắng”, Huy nhớ lại.

Trốn thoát

Đến cuối tháng 8, lúc tàu cá bị hư, không thể tiếp tục ra khơi, Huy được chủ tàu đưa vào một nhà nghỉ gần bờ và cử người theo dõi. Tuy nhiên, đến đêm khi mọi người ngủ hết, Huy lẻn ra ngoài và đến trụ sở công an gần đó nhờ giúp đỡ. Không lâu sau, Huy liên lạc được với gia đình và nhờ mẹ xuống đón về.

Tiếp lời anh trai, Hưng cho biết, mình bị đưa lên tàu cá, đến khai thác cá ở vùng biển giáp ranh với Thái Lan. Khoảng giữa tháng 8, tàu cá của Hưng làm việc bị Hải quân nước ngoài bắt giữ. Sau đó, chủ tàu đã bỏ tiền chuộc người và tàu cá về.

Cũng như anh trai, Hưng lợi dụng ban đêm trốn chạy rồi gọi điện nhờ mẹ đến đón về. “Bọn em làm không công vì bị người ta lừa bán lên tàu cá. Giờ hai anh em và người bạn đi cùng đã trở về, ai nấy đều bình an. Thế nhưng, những tháng ngày lênh đênh trên biển, em rất lo lắng, sợ hãi. Mong rằng, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, tìm ra manh mối để bắt những đối tượng xảo quyệt, lừa bọn em để xử lý theo quy định của pháp luật”, Hưng chia sẻ.

Lời kể của những “lao động nhỏ“ chạy trốn từ “địa ngục“

Theo lời kể lại thì các em đã bị chủ trang trại bóc lột sức lao động thậm tệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Nhân-Hải Dương (Infonet)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN