Lật tẩy chiêu lừa của Liên Kết Việt
Trong mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt, người vào trước lừa người đến sau bằng việc vẽ ra những cơ hội đổi đời nhanh như chớp mắt.
Phạm Văn Tuế, trưởng chi nhánh Hải Dương (ngồi giữa), người từng được giới thiệu có thu nhập 10 tỉ đồng/tháng từ hoa hồng đa cấp.
Trưởng các chi nhánh ở các địa phương lừa các thành viên thuộc chi nhánh của mình về những khoản thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi tháng, lãnh đạo công ty – những trùm đa cấp ở Liên Kết Việt thì lừa đảo về uy tín của công ty, mạo danh về lai lịch, tầm vóc của công ty... Nhờ đó, chỉ sau một năm hoạt động, Liên Kết Việt đã vươn vòi bạch tuộc ra 27 tỉnh thành, “hút máu” được 60.000 người dân.
Hàng loạt chiêu trò lừa đảo đã được Lê Văn Tú, người giữ vị trí phó tổng giám đốc; Lê Xuân Giang, chú của Lê Văn Tú, là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty Liên Kết Việt, thừa nhận khi trả lời nhóm phóng viên trong quá trình điều tra, vạch trần sai phạm của công ty này.
Bán hàng nhưng không có hàng
Theo cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, tính từ khi chính thức được Bộ Công thương cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp vào giữa năm 2014 đến cuối năm 2015, Liên Kết Việt đã phát triển nhanh chóng đến mức thu hút được 60.000 người tham gia. Tổng số tiền chừng đó con người nộp vào hệ thống đa cấp này lên đến 1.900 tỉ đồng.
Về nguyên tắc, hoạt động kinh doanh đa cấp thực chất là bán hàng, trong đó người tham gia đa cấp là các nhà phân phối, trực tiếp lấy hàng từ các tuyến phía trên mình để bán cho các tuyến phía dưới, hoặc cho người tiêu dùng để được hưởng hoa hồng. Khoản hoa hồng này có được là do công ty bán hàng trực tiếp, không mất chi phí mặt bằng, quảng bá... Và vì thế, đáng lẽ số tiền 1.900 tỉ đồng kia phải là doanh thu bán hàng của Liên Kết Việt, với mặt hàng kinh doanh đã đăng kí là máy sục khí ozone và 4 loại thực phẩm chức năng. Thế nhưng, thực tế, theo cơ quan điều tra, số tiền bán hàng của Liên Kết Việt chỉ là một con số cực nhỏ, tức vỏn vẹn có 9,6 triệu đồng.
Điều đó cho thấy, hoạt động bán hàng gần như chỉ là đối phó, làm cho có lệ. Thứ mà Liên Kết Việt quan tâm và nhắm đến là làm sao hút được càng nhiều tiền trong túi người dân càng tốt, chứ không phải là bán được nhiều hàng. Vì thế mà, chẳng ai biết máy ozone của công ty này được sản xuất ở địa chỉ nào. Còn nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng của Liên Kết Việt đặt ở Hưng Yên cũng chẳng mấy ý nghĩa trong hoạt động của công ty này.
Khi chúng tôi có mặt ở nhà máy vào giữa năm 2015 – thời điểm Liên Kết Việt vẫn đang hoạt động bình thường, thì trái ngược hoàn toàn với sự rầm rộ, hừng hực trong các đại hội hoa hồng, các hội thảo thu hút nhà đầu tư với hàng ngàn người, từ nông dân đến viên chức, tiểu thương tham gia, thì ở nhà máy, chẳng thấy có hoạt động nào cho xứng tầm với quy mô của một công ty có tới 60.000 nhà phân phối. Một công ty có 60.000 người bán hàng nhưng nhà máy lại luôn cửa đóng then cài, cả ngày không mấy người ra vào, công nhân chỉ có vài người ăn ở trong khu sản xuất.
“Họ chỉ quan tâm đến việc hút tiền đầu tư vào thôi chứ ai quan tâm đến hàng. Hàng đó ai dùng mà bán. Tôi có lấy được một ít về nhưng chả dùng đâu, vì cũng không tin tưởng nó có tác dụng bổ dưỡng gì cho sức khỏe của mình, mà cũng chẳng có ai mua, vẫn bỏ trong xó nhà”, ông Hà, một nhà đầu tư ở Hải Dương lý giải cho hiện tượng èo uột trong hoạt động của nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng của Liên Kết Việt.
Còn ông Nguyễn Văn Tài, nhà đầu tư vào Liên Kết Việt thông qua chi nhánh ở thành phố Hải Dương, còn khẳng định có muốn lấy hàng công ty cũng không có hàng cho mà lấy. “Tôi đây, bỏ ra 2,5 tỉ đồng, kí hợp đồng là nhà phân phối, đáng lẽ phải lấy được cả núi hàng chứ ít gì, vậy mà có được gì đâu, họ nhận tiền của tôi, có đưa cho tôi miếng hàng nào đâu. Đến đòi hàng họ cũng không có. Kí hợp đồng cho tôi là nhà phân phối, nhận tiền của tôi nhưng không giao hàng cho tôi, như thế rõ ràng là lừa đảo, chiếm đoạt tiền của tôi còn gì nữa?”, ông Tài khẳng định.
Vẽ ra chân dung tỉ phú
Rất nhiều nhà đầu tư như ông Tài, ông Hà, chỉ nộp tiền vào nhưng không nhận được hàng. Thế nhưng, tại thời điểm công ty hoạt động bình thường, thì chính những cá nhân này cũng không thực sự quan tâm đến hàng, bởi bản chất của hoạt động kinh doanh đa cấp ở Liên Kết Việt là lôi kéo nhau nộp tiền vào để lấy hoa hồng môi giới người tham gia.
Họ là nạn nhân của ông Bùi Văn Tuấn (Hải Dương), người ở nhánh trên, đã vẽ ra một viễn cảnh có thể đổi đời trong chớp mắt, với tấm giấy bảo chứng thu nhập 1 tỉ đồng/tháng của Công ty Liên Kết Việt. Và dưới họ, rất có thể cũng có nhiều nạn nhân khác, mà chính họ cũng thừa nhận là đã tin vào các khoản thu nhập kia để lôi kéo, dắt díu bạn bè, anh em, họ hàng vào Liên Kết Việt.
Người đứng đầu một trong những chi nhánh lớn của Liên Kết Việt ở Hải Dương là Phạm Văn Tuế đã từng bước lên sân khấu ở các đại hội hoa hồng tổ chức rầm rộ tại Hà Nội, nhận những cục tiền với những tờ 500.000 đồng đóng thành từng cọc, ghi bên ngoài là “Phạm Văn Tuế, hoa hồng 10 tỉ đồng/tháng”, hiện giờ đã phủi sạch trách nhiệm. Tuế thừa nhận thu nhập cao nhất của mình là 2 tỉ đồng/tháng.
Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng của Công ty Liên Kết Việt tại Hưng Yên.
Tương tự, Phạm Đắc Toàn, người đứng đầu chi nhánh Liên Kết Việt tại Hải Phòng, hay Lê Văn Toàn (em của Lê Văn Tú), người đứng đầu chi nhánh TP.HCM, cũng được giới thiệu rầm rộ có mức thu nhập 10 tỉ đồng/tháng nhờ.
Lê Văn Tú, phó tổng giám đốc Công ty Liên Kết Việt, khi trao đổi với phóng viên đã thừa nhận rằng, đây là chiêu PR về thu nhập của những người đứng đầu các chi nhánh này, nhằm lôi kéo người tham gia. Thực tế không có ai đạt được mức thu nhập đó. Tiền mà công ty trao trong các đại hội hoa hồng là tiền do chính các nhân vật ấy vay mượn, mang đến, đưa cho công ty trao, để “làm màu”, lừa người đến dự đại hội hoa hồng.
Ngay cả những ngày đại hội tặng hàng loạt xe hơi, Tú cũng thừa nhận nhiều xe trong số đó là xe của chính những người được thưởng mang đến, công ty chỉ trao để lấy hình thức, tăng uy tín. “Những thông tin này được lan truyền ra bên ngoài, được đăng tải trên website của công ty là do đội kinh doanh đưa lên nhằm mục đích “làm PR”. Họ làm hơi quá, đưa sai sự thật”, Lê Văn Tú thừa nhận.
Tăng uy tín nhờ bằng khen giả, giải thưởng mua
Trao đổi với nhóm phóng viên, rất nhiều nhà đầu tư vào Liên Kết Việt cho biết, sở dĩ họ tin tưởng trao vào tay Liên Kết Việt tới vài tỉ đồng, tin vào những khoản thu nhập mà Liên Kết Việt hứa hẹn là bởi vì công ty này đã vẽ ra hình ảnh một doanh nghiệp vô cùng uy tín.
Đó là chi nhánh TP.HCM vừa được thành lập vào đầu năm 2015 nhưng đã có bằng khen của UBND TP.HCM. Đó là việc ông Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú và các lãnh đạo khác của Công ty Liên Kết Việt có tới 7 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, tất cả những bằng khen ấy đều là bằng khen giả. Đến mức, Lê Văn Tú thừa nhận: “Làm để PR thôi. Tôi cũng có bằng khen nhưng xấu hổ không dám treo”. Còn Lê Xuân Giang cũng đã thừa nhận đã bỏ ra 30 triệu đồng để làm bằng khen giả, rồi tự tổ chức lễ đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhằm làm tăng uy tín cho công ty.
Trao đổi với phóng viên, Lê Xuân Giang còn thừa nhận, công ty này có khá nhiều giải thưởng do các tổ chức, hội ngành nghề trao cho. Tuy nhiên, thực chất các giải thưởng mà công ty này có được đều mua bằng tiền, dưới hình thức “tài trợ cho ban tổ chức giải thưởng”. “Có cái thì vài trăm triệu đồng, cái thấp nhất là 20 triệu đồng”, Giang khẳng định.
Còn về việc mạo danh là công ty thuộc Bộ Quốc Phòng để tạo sự tin tưởng về độ vững chắc của công ty khi lôi kéo người dân vào hệ thống đa cấp, trao đổi với phóng viên, Lê Xuân Giang vẫn chối quanh co, rằng đó là do các nhà phân phối tự lừa nhau, không phải chủ trương của công ty. Tuy nhiên, thực tế, khi chúng tôi thâm nhập vào trụ sở của Công ty Liên Kết Việt ở Hà Nội vào đầu tháng 8-2015, chính nhân viên của Liên Kết Việt đã bán cho chúng tôi tập tài liệu, trong đó có in các thông tin đề tên công ty thuộc Bộ Quốc Phòng. Tại trụ sở công ty cũng treo các chứng nhận ghi tên công ty thuộc Bộ Quốc Phòng.
Và kiểm tra hồ sơ tham dự các chương trình truyền thông, giải thưởng ấy, Liên Kết Việt cũng tự ghi công ty mình thuộc Bộ Quốc phòng, chứ không phải chỉ là chiêu tuyên truyền sai sự thật của các nhà phân phối như cách mà Lê Xuân Giang đã quanh co, đổ lỗi các thành viên, những người là nạn nhân của trò lừa đảo do Giang đứng đầu.
Bộ Công thương không rút giấy phép Mặc dù báo chí đã vạch trần các sai phạm của Liên Kết Việt, hàng ngàn người dân đã đến cơ quan công an nộp đơn kiện, hậu quả của vụ lừa đảo này đã làm dậy sóng dư luận xã hội, nhưng đến thời điểm này, trên website của Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp của Liên Kết Việt vẫn còn nguyên. Tức Cục quản lý cạnh tranh đã nhất quyết không chịu rút giấy phép của công ty này, bất chấp đã có tới 7 lãnh đạo công ty bị khởi tố bị can trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo nhiều luật sư, với những sai phạm của Liên Kết Việt, nếu cơ quan quản lý làm đúng quy định thì phải rút giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp từ rất lâu, chứ không thể để đến thời điểm này vẫn chỉ xử phạt hành chính nhẹ như phủi bụi (570 triệu đồng) so với quy mô lừa đảo của Liên Kết Việt (1.900 tỉ đồng). |