Kỳ cục án: Bị hại bỗng chốc hóa… bị can
Sau 10 lần ra tòa, vụ án vẫn chưa được xét xử bởi quá nhiều tình tiết mâu thuẫn ngay trong kết luận điều tra.
Theo cáo trạng của VKSND TP.Thái Nguyên, do có mâu thuẫn từ trước với một nam thanh niên ở cùng xóm trọ với anh Nguyễn Thanh Hà (SN 1991, trú tại tổ 10, phường Phú Xá, TP.Thái Nguyên), tối 18/5/2014, Lê Tuấn Đăng (SN 1992, trú tại tổ 11A, phường Tân Lập, TP.Thái Nguyên) và Nguyễn Văn Bình (SN 1992, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, TP.Thái Bình) đã kéo đến xóm trọ của Hà để tìm gặp.
Vì không thấy, Bình và Đăng đã quay về tổ 10, phường Phú Xá, TP.Thái Nguyên chơi game. Khoảng 30 phút sau, Bình đi một mình đón thêm Hoàng Việt Dũng và Nguyễn Sơn Tùng (cùng SN 1992), rủ đến xóm trọ của Hà thêm một lần nữa. Lần này, nhóm thanh niên vẫn không tìm được “đối tượng” mà chỉ gặp được Hà.
Vừa thấy Hà, Bình liền hỏi: “Mày bao che cho mấy đứa à”, cùng với đó nam thanh niên này tiến về phía Hà. Thấy Bình hùng hổ, Hà đã nhanh chân bỏ chạy. Không còn cách nào khác, cả nhóm đành quay trở về quán game trước đó. Tại đây, sau khi nghe Bình kể lại cuộc chạm trán với Hà, Đăng lập tức nói với Bình: “Đi tìm thằng Hà”, rồi cả nhóm xách theo hung khí gồm 1 gậy sắt và 2 gậy gỗ đi tìm Hà để “nói chuyện phải quấy”.
Biết Hà thường xuyên có mặt tại quán cầm đồ Khương Duy (cũng ở tổ 10 phường Phú Xá, cách quán game chừng 100m) do anh Nguyễn Văn Khương (SN 1987, trú tại xã Đông Phong, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) làm chủ, nên cả nhóm Bình di chuyển đến đó. Vừa đến quán mới gặp Khương, Bình liền hỏi: “Hà đâu, anh gọi nó ra đây”. Khương chưa kịp trả lời thì Đăng, Tùng, Dũng đi thẳng vào trong quầy thì gặp Nguyễn Văn Luân (SN 1990, cùng quê với Khương).
Sực nhớ trước đây có mâu thuẫn với Luân, Đăng lập tức bổ gậy vào đầu thanh niên này. Khi thấy nạn nhân sợ hãi bỏ chạy, Bình và Dũng đuổi theo dùng gậy vụt nhưng chỉ vào tay Luân. Đuổi được khoảng 50m, 2 người này quay lại quán rồi cả nhóm bỏ đi. Hiện trường bị vỡ một số vật dụng bằng thủy tinh. Sau sự cố, nhóm Khương – Luân đã trình báo sự việc lên cơ quan công an, đồng thời cũng báo tin cho người thân là Đoàn Việt Dũng (SN 1983, trú tại phường Phú Xá).
Tuy nhiên bất ngờ lớn đã xảy ra, 8 ngày sau vụ việc, Công an TP. Thái Nguyên khởi tố, bắt tạm giam Khương – Luân cùng về tội “Hủy hoại tài sản”. 3 tháng sau đó, 2 người này tiếp tục bị khởi tố thêm tội danh “Vu khống”. Đến 26/10/2014, đến lượt Đoàn Việt Dũng bị khởi tố và bắt tạm giam về cả 2 tội danh trên.
Anh Đoàn Việt Dũng cho rằng kết luận điều tra không đúng với bản chất sự việc. Ảnh N.T
Thông tin cáo trạng cho biết, khi đến hiện trường quan sát thấy số lượng tài sản bị hỏng có giá trị thấp (khoảng 500 ngàn đồng), Dũng đã xúi giục Khương – Luân đập thêm chiếc máy tính đời cũ (khoảng 2,8 triệu đồng) của người thân rồi mới báo công an, để CQĐT có căn cứ truy tố nhóm của Bình về tội “hủy hoại tài sản”. Tuy nhiên, văn bản này cũng đồng thời thể hiện, trong suốt quá trình điều tra, Dũng bác bỏ hoàn toàn cáo buộc trên và chỉ nhận nói câu: “Tài sản như thế này không đủ để truy tố đâu”.
Được biết, Đoàn Việt Dũng chỉ bị tạm giam 3 tháng sau đó được tại ngoại. Còn Khương – Duy bị giam giữ suốt từ thời điểm đó đến nay. Vụ án “nhùng nhằng” qua 10 lần trả hồ sơ vẫn chưa thể kết thúc. Ở thời điểm hiện, quá trình tố tụng đang trong thời gian nghị án kéo dài, dự kiến đến ngày mai (12/5) mới tuyên án sơ thẩm.
Trong cuộc trò chuyện với PV, anh Đoàn Việt Dũng khẳng định: “Kết luận của CQĐT hoàn không đúng bản chất sự việc. Gây oan sai cho bản thân tôi cũng như các em tôi. Tôi không phá hoại tài sản và cũng chẳng vu khống ai cả”.
Theo lời anh Dũng (Dũng anh), sau khi nhận được thông tin vụ hành hung, anh và em song sinh là Đoàn Tiến Dũng (Dũng em) đến quán Khương Duy thì lúc đó lực lượng công an đã đến giải quyết. Trong quá trình này, anh Đoàn Việt Dũng không có hành vi xúi dục với Luân và Khương về đập phá tài sản.
Bên cạnh đó anh Dũng cũng thắc mắc: “Đồ đạc thủy tinh bị vỡ nằm trong nhà của Khương, là tài sản của Khương, thì cứ cho cậu ta cố ý đập phá tại sao lại quy tội cho Khương? Còn chiếc máy tính nữa, cũng là của người thân chúng tôi, người ta biết máy bị hỏng còn chẳng đòi đền bù, cớ gì công an lại khởi tố tội Hủy hoại tài sản?”.
Trao đổi với PV, Luật sư Lâm Văn Quang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), người bào chữa cho bị cáo Đoàn Tiến Dũng tại phiên tòa thì trong quá trình điều tra vụ án này, Công an TP.Thái Nguyên và VKSND cùng cấp đã nhiều lần vi phạm tố tụng.
Cụ thể, trong cáo trạng số 108/KSĐT ngày 4/3/2015 cho thấy các đối tượng dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho Luân đủ cấu thành tội “cố ý gây thương tích”. Mặc cho, Luân đã làm đơn đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhưng trong quá trình tiếp nhận đơn, CQĐT và VKS đã không tiến hành giải quyết đơn đề nghị. Đặc biệt trong bản KLĐT số 126, CQĐT lại khẳng định Luân không có yêu cầu nên Công an TP.Thái Nguyên chỉ ra quyết định xử lý hành chính, rõ ràng đã bỏ lọt tội phạm.
“Bên cạnh đó, sau khi vụ án xảy ra, CQĐT đã xuống hiện trường khám nghiệm hiện trường, chụp ảnh hiện trường nhưng trong hồ sơ không có ảnh hiện trường. Đổ lỗi cho cháy thẻ nhớ lại không có biên bản thể hiện. Việc này là vi phạm tố tụng, dẫn đến giải quyết thiếu khách quan”, Luật sư Quang nói.
Cũng theo luật sư Quang, việc nhận dạng bị cáo cũng có dấu hiệu thiếu minh bạch. Trong khi cả Dũng anh và Dũng em (vốn rất giống nhau) đều có mặt tại hiện trường, thì CQĐT đã cố tình “lờ” người em đi, không cho người này tham gia nhận dạng cùng Dũng anh để các bị cáo khác xác định ai trong hai anh em là người nói câu: “Tài sản này không đủ để truy tố”.
Với những lập luận trên, Luật sư Lâm Văn Quang đề nghị cơ quan tố tụng làm rõ những uẩn khúc trên để xét xử vụ việc một cách khách quan, đúng người, đúng tội.