Kẻ giết người dã man rồi chôn xác thoát án tử nhờ bị “tâm thần”
Dù cả bị cáo lẫn gia đình bị hại đều kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng tòa phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án đối với kẻ giết người dã man.
Sáng 2-8, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Nam, TAND Tối cao ở Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm và đã tuyên y án chung thân đối với bị cáo Lê Phúc (SN 1991; ngụ thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) về tội “Giết người”.
Theo cáo trạng, cho rằng do bị người nhà chị Lê Thị Tuyết (SN 1994, ngụ xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đánh nên Phúc căm thù, nhiều đêm cầm rựa ngồi ở con đường kênh chờ chị Tuyết đi qua để giết.
Bị cáo Lê Phúc tại phiên tòa phúc thẩm
Đêm 10-9-2014, thấy chị Tuyết điều khiển xe máy ngang qua đường, Phúc chặn xe rồi chém vào mặt nạn nhân. Khi chị Tuyết đã gục ngã, Phúc chém thêm nhiều nhát nữa rồi cởi áo quần nạn nhân hôn lên ngực và “vùng kín”. Khi thấy chị Tuyết cử động, Phúc tiếp tục dùng rựa chém nhiều nhát vào lưng, chân. Phúc dùng chính quần áo chị Tuyết trói tay nạn nhân ra sau lưng rồi đào hố chôn xác. Phúc còn cẩn thận lấy bèo đắp lên trên lớp đất vừa chôn.
Chôn xác xong, Phúc quay lại nơi mình hạ sát chị Tuyết nhặt mũ bảo hiểm, đôi giày và điện thoại di động của nạn nhân ném vào bụi cây. Sau đó, Phúc điều khiển xe máy của chị Tuyết chạy dọc đường kênh khoảng 1 km giấu xuống suối. Phúc tắm rửa tại suối rồi về nhà tắm rửa lại, cất giấu rựa rồi đi ngủ.
Trong quá trình điều tra , Phúc có biểu hiện tâm thần và gia đình cung cấp hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Theo kết luận của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng, trước, trong, sau khi gây án và hiện tại, Phúc bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29-3, HĐXX cho rằng, sau khi dùng vũ khí nguy hiểm tước đoạt mạng sống của bị hại, bị cáo Phúc còn chôn xác, giấu xe nhằm che đậy hành vi phạm tội dã man, đê hèn của mình. Lẽ ra, hành vi mất hết nhân tính của bị cáo phải chịu khung hình phạt cao nhất để loại khỏi xã hội mới tương xứng với hậu quả gây ra. Nhưng xét thấy bị cáo có hạn chế về năng lực hành vi nên HĐXX cách ly bị cáo khỏi xã hội để đảm bảo răn đe, phòng ngừa.
Tuy nhiên, sau đó cả gia đình bị hại và đại diện hợp pháp của bị cáo cùng làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Người nhà nạn nhân không tin rằng một kẻ giết người man rợ như Phúc lại mắc bệnh tâm thần.
Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, HĐXX cho rằng Phúc bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nên tuyên y án sơ thẩm.