“Hiệp sĩ” bắt cướp ở Sài Gòn: “Chắc không ai dám cưới tôi”

“Người ta quen, làm người yêu thì được chứ chắc không ai dám cưới đâu”, một thành viên trong đội Săn bắt cướp TP.HCM chia sẻ.

“Hiệp sĩ” bắt cướp ở Sài Gòn: “Chắc không ai dám cưới tôi” - 1

Một thành viên trong đội Săn bắt cướp TP.HCM phối hợp với dân phòng bắt một kẻ trộm xe.

“Chắc không ai dám cưới đâu”

“Hiệp sĩ đường phố” là cái tên không mấy xa lạ trên tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Tên gọi này cũng được người dân dành cho các thành viên trong đội Săn bắt cướp TP.HCM.

Mặc dù đội Săn bắt cướp TP.HCM hoạt động tự nguyện, không liên quan tới lực lượng công an thành phố, nhưng qua 5 năm hoạt động, đội đã lập được nhiều chiến công lớn. Anh Lâm Hiếu Long (26 tuổi, một thành viên trong đội Săn bắt cướp TP.HCM) cho biết, những kẻ trộm cắp sau khi bị bắt đều được đội giao cho công an các quận, huyện xử lý và có giấy xác nhận.

Theo anh Long, đội Săn bắt cướp TP.HCM có 6 thành viên, mỗi người một việc. Mọi người thường chia thời gian với nhau để đảo quanh các con phố, nhằm kịp thời phát hiện và bắt quả tang những kẻ trộm cắp. Đội cũng thường xuyên nhận được thông tin các vụ mất cắp, đồng thời đội chia sẻ lên Facebook các tang vật thu được để nạn nhân tới nhận lại.

Nói về công việc của đội, anh Long kể: “Thật ra không có ai ủng hộ đâu! Nhiều người thường khuyên tôi “làm vậy không ý nghĩa gì đâu mà lại nguy hiểm nữa”. Có những hôm muốn ra ngoài đường vòng vòng thử coi sao thì cũng phải nói dối gia đình là đi gặp gỡ bạn bè cà phê, chứ không họ lại lo”.

Anh Long cho biết thêm, việc công khai số điện thoại lên mạng xã hội đã giúp đội nhận được nhiều tin báo có giá trị. Tuy nhiên, chính số điện thoại này cũng thường xuyên nhận được những tin nhắn, cuộc gọi với lời đe dọa “sẽ tìm, chém, giết”. “Khi đó, tôi chỉ nói lại với họ hành động thì phải biết suy nghĩ. Tôi đã quá quen với việc này rồi”, anh Long nói.

“Trong quá trình hoạt động thì kim tiêm và dao là hai thứ mà các thành viên trong đội thường xuyên phải đối mặt. Có khi đối tượng giả bộ cúi đầu xin lỗi nhưng thật ra là rút dao. Do đó, để tham gia vào hoạt động săn bắt cướp, chỉ có võ không chưa đủ đâu. Theo tôi, võ chỉ chiếm 20%, còn lại 30% là kinh nghiệm và 50% là đầu óc, sự nhanh trí”, anh Long chia sẻ.

“Hiệp sĩ” bắt cướp ở Sài Gòn: “Chắc không ai dám cưới tôi” - 2

Một vụ dàn cảnh cướp giật ở Q.4, TP.HCM.

Được hỏi về chuyện tình duyên khi đang thực hiện một công việc nguy hiểm như vậy, anh Long cười ngượng và nói: “Người ta quen, làm người yêu thì được chứ chắc không ai dám cưới đâu”.

Kẻ trộm cướp cắp có lắm chiêu trò

Song song với hoạt động săn bắt cướp của các nhóm, đội anh Long cho rằng người dân cần phải có ý thức tự bảo vệ tài sản. “Nhiều khi mối nguy hiểm đang ở ngay bên cạnh mà họ không hay biết, nhưng với kinh nghiệm có được thì chúng tôi có thể dễ dàng nhận ra. Nhìn ánh mắt của họ là nhận ra ngay, không giấu được đâu”, anh Long nói.

Do đó, anh Long có lời khuyên, đặc biệt là phụ nữ khi đi đường không nên mang túi chéo mà hãy cất vào cốp xe. Riêng với nhân viên tại các cửa hàng, phải thực sự tỉnh táo để không bị kẻ gian đánh lạc hướng. Chẳng hạn, nhân viên thu ngân không nên rời bỏ vị trí mà hãy chỉ khách tới gặp nhân viên tư vấn nếu họ cần hỏi thêm thông tin hàng hóa.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, người dân dễ bị động lòng trước tội phạm. Chẳng hạn, mới đây có trường hợp hai cô gái trộm cắp, chạy xe ngược chiều và bị anh Long bắt gọn. “Tôi chỉ khống chế, trói tay mà cô gái này khóc dữ quá, khiến người dân xung quanh thấy xót xa, bảo tội. Nhưng thật ra đây là hai cô gái đã gây ra nhiều vụ trộm cắp trước đó”, anh Long chia sẻ.

Theo anh Long, kẻ trộm cắp thường đội loại mũ bảo hiểm gọn, nhẹ hay thậm chí là mũ đi xe đạp, mặc áo sơ mi dài tay, áo khoác tối màu, che kín mặt. Về xe, kẻ gian thường chạy xe Exiter, mới đây còn có trường hợp chạy xe SH, ăn mặc lịch sự để qua mặt lực lượng chức năng và người dân.

Gắn camera hành trình để ghi hình các vụ bắt cướp

Anh Lâm Hiếu Long cho biết, hoạt động của đội Săn bắt cướp TP.HCM gặp một số khó khăn, đặc biệt là vấn đề pháp lý. Chẳng hạn, trong khi các thành viên trong đội đang đảo quanh các con đường thì bị lực lượng cảnh sát hình sự kiểm tra do có dấu hiệu khả nghi. Ngoài ra, đội chỉ bắt được kẻ gian khi chúng đang gây án.

“Trước kia, đội còn gặp khó khăn khi giao kẻ cướp giật cho cơ quan chức năng vì bọn cướp bắt bẻ đủ đường. Nhưng từ ngày được một hãng phim tài trợ cho 5 chiếc camera hành trình thì mọi cuộc truy bắt, lời khai, tâm lý của kẻ gian đều được ghi lại đầy đủ”, anh Long nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN