Hàng loạt nạn nhân sập bẫy "thầy Nhị" mua xe giá rẻ
Chiều 13/6, Cơ quan CSĐT công an Bình Thạnh, TP.HCM cho biết vẫn đang tạm giữ Phạm Tiến Mạnh (32 tuổi, ngụ Q. 8) và Hạp Tiến Bắc (46 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phạm Tiến Mạnh giả danh "thầy Nhị" giảng viên Đại học Kinh tế để lừa đảo hàng loạt người.
Theo Công an Q. Bình Thạnh, đầu tháng 3/2016, anh H. ngụ tỉnh Đồng Nai vào trang chotot.vn thấy người tên Nguyễn Trường Nhị rao bán xe Air Balde 24 triệu đồng, rẻ hơn giá thị trường. Qua điện thoại, người tên Nhị xưng là giảng viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM và cho số điện thoại 0901365133 để anh H. liên lạc.
Hôm sau 9/3, anh H. gọi thì người tên Nhị hướng dẫn đến phòng giao dịch Sacombank Thanh Đa phường 25 Bình Thạnh gặp người em tên Hoàng làm PGD ngân hàng này. Sau đó người này còn yêu cầu anh H. gửi 20 triệu vào số tài khoản 060113779724 mang tên Nguyễn Trường Nhị.
Khi anh H. đến, PGD gọi điện thoại cho Hoàng, thì người này nói đang họp và yêu cầu anh H. cứ nộp tiền vào tài khoản. Anh H. tin tưởng nên nộp tiền nhưng đợi mãi mà không thấy ai đến giao xe, gọi điện thoại cho Hoàng, Nhị đều không được. Anh H. lên trang chotot.vn thì thấy Nhị đã xoá thông tin rao bán xe.
Sau khi tiếp nhận trình báo, đội hình sự công an Bình Thạnh nhận định băng nhóm này khả năng lừa rất nhiều người khác nên xác lập chuyên án triệt phá. Qua xác minh, công an xác định có 23 người giao dịch gởi tiền cho tài khoản Nguyễn Trường Nhị. Các nạn nhân ở khắp tỉnh thành và mỗi người bị lừa vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Công an Q. Bình Thạnh đã cử trinh sát đi tận Kiên Giang gặp người tên Nguyễn Trường Nhị (theo CMT ngân hàng cung cấp) thì bất ngờ khi anh Nhị thật cho biết anh từng lên TP.HCM làm công nhân và bị làm rơi CMND. Anh Nhị cũng khẳng định chưa từng mở tài khoản ngân hàng.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, công an đã xác định một trong các đối tượng nghi vấn là Phạm Tiến Mạnh. Sau một thời gian theo dõi trinh sát xác định Mạnh là người giả mạo chữ của anh Nguyễn Trường Nhị để mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo. Trong thời gian công an phong toả tài khoản tên Nhị ở Sacombank thì đối tượng tiếp tục mở tài khoản ngân hàng khác để dụ dỗ nạn nhân. Cụ thể có anh P. (ngụ Đồng Nai) lên chotot.vn thấy "thầy Nhị" rao bán xe Air Balde với giá 22,5 triệu. Anh P. liên lạc với "thầy Nhị", thì "thầy" lại xưng là giảng viên và cho số điện thoại như trên.
Tương tự như vụ lừa anh H. ngày 19/5/2016, "thầy Nhị" lại hẹn anh P đến PGD ngân hàng và cho số điện thoại của người em tên Hoàng, nhưng cho số tài khoản khác là 060123558319 do Lê Hải Bằng đứng tên. Chuyển tiền xong thì anh P. bị chặn số không liên lạc được với hai đối tượng.
Bằng biện pháp nghiệp vụ công an xác định Mạnh chính là đối tượng Hoàng trực tiếp đến ngân hàng rút tiền. Còn đối tượng giả danh "thầy Nhị", công an xác định là đối tượng Hạp Tiến Bắc.
Nghi can Hạp Tiến Bắc
Tổng cộng đến nay, công an xác định Mạnh và Bắc mở tài khoản mang tên Nguyễn Trường Nhị tại Sacombank lừa được 13 nạn nhân. Còn tài khoản Nguyễn Trường Nhị tại Vietcombank chưa xác định con số. Riêng tài khoản Lê Hải Bằng, ngoài anh Phúc còn 3 nạn nhân khác.
Chiều 10/6, trinh sát đã phát hiện hai đối tượng Mạnh và Bắc tại một quán cà phê ở quận Tân Phú, nên mời về công an phường làm việc. Qua đấu tranh, Mạnh và Bắc đã khai nhận toàn bộ hành vi. Trong đó Mạnh là chủ mưu bàn với Bắc đến các tiệm cầm đồ mua CMND với giá 300 ngàn đồng của nhưng người cầm cố bỏ lại. Mạnh sử dụng CMND do Bắc mua về, dán hình ảnh của mình vào để đến ngân hàng mở tài khoản.
Khám xét nơi ở và trong người của Mạnh công an thu giữ nhiều CMND và thẻ ATM Vietcombank mang tên Nguyễn Trường Nhị, thẻ ATM mang tên Lê Hải Bằng. Đối với Bắc công an thu giữ số điện thoại 0901365133 đã gọi lừa các nạn nhân, và CMND mang tên Lê Hải Bằng. Cùng nhiều CMND khác mà trước đó hai đối tượng đem đi mở tài khoản để lừa đảo. Sau khi chiếm đoạt tiền Mạnh được hưởng 70%, còn Bắc hưởng 30%.
Hiện công an Bình Thạnh đang tiếp tục kêu gọi những nạn nhân khác ra trình báo để phục vụ điều tra.