Vụ giang hồ giáp ranh: Công an ba tỉnh nói gì?

Ngoài việc tấn công trực diện tội phạm, công an còn xây dựng nhiều mô hình vận động dân tham gia phòng, chống nạn giang hồ cát cứ.

Tội phạm vùng giáp ranh luôn nóng và công an đã thực hiện nhiều biện pháp để kéo giảm tội phạm. Tuy nhiên, như chúng tôi đã phản ánh, nhiều băng nhóm vẫn đang hoạt động tại khu vực này và luôn được “bổ sung” từ các tỉnh, thành khác.

Công an các địa phương đang “tuyên chiến” với các băng nhóm.

Đại tá TRẦN VĂN CHÍNH, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương:

Cần thông tin nhanh cho nhau về tội phạm

Vừa qua tỉnh đã triệt phá nhiều nhóm cướp tài sản, trộm cắp, bảo kê cưỡng đoạt, đòi nợ thuê núp bóng các doanh nghiệp nhưng chưa xóa triệt để. Gần đây việc mua bán, vận chuyển ma túy khu vực vùng giáp ranh khá phức tạp. Một số người từ phía Bắc chọn khu vực này làm nơi trung chuyển ma túy. Vì vậy, Công an tỉnh Bình Dương đề xuất Tổng cục Cảnh sát làm đầu mối thành lập chuyên án để triệt phá băng nhóm các địa bàn giáp ranh này.

Một số đối tượng giang hồ mãn hạn tù trở về địa phương đang có biểu hiện câu kết với một số băng nhóm ở Đồng Nai, TP.HCM để hoạt động. Đặc biệt, TP.HCM đang đấu tranh, trấn áp tội phạm quyết liệt thì các đối tượng sẽ kéo về vùng giáp ranh hoạt động. Vì vậy, thời gian tới cần phối hợp thông tin kịp thời, nội dung cụ thể để đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Công an các địa phương phải dự báo được tình hình tội phạm, kịp thời tham mưu để chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống tội phạm; thực hiện tốt công tác sưu tra, đặc biệt là những người có tiền án hình sự, từng gây án tại địa phương. Trong các đợt cao điểm, công an các đơn vị thay đổi cách triển khai kế hoạch để ra quân đồng loạt, đúng thời điểm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, đấu tranh các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Vụ giang hồ giáp ranh: Công an ba tỉnh nói gì? - 1

Băng Tài “sẹo” hoạt động vùng giáp ranh vừa bị công an triệt phá. Ảnh: VH

Trung tá BÙI THÀNH CHUNG, Phó Trưởng PC45 Công an tỉnh Đồng Nai:

Quản lý tốt dân cư địa bàn để nắm tội phạm

Tội phạm vùng giáp ranh thường móc nối, liên kết nhưng nếu quản lý tốt địa bàn thì sẽ dễ phát hiện người lạ, dễ sàng lọc và ngăn chặn các loại tội phạm. Ngoài ra, vì tội phạm từ nơi khác đến, muốn thâu tóm địa bàn phải xưng hùng xưng bá, làm loạn ở địa bàn nhằm thể hiện “đẳng cấp”, công an sẽ xử lý, dập ngay từ trứng nước. Cạnh đó, các băng nhóm liên kết nhất định có điểm sơ hở, lỏng lẻo, công an sẽ đánh vào các điểm yếu này để phá tội phạm băng nhóm.

Vấn đề quản lý cư trú ở địa bàn giáp ranh cũng đặc biệt quan trọng. Khi quản lý tốt việc cư trú sẽ xây dựng được thế trận, nắm bắt tình hình tội phạm, chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống tội phạm với công an các tỉnh có địa bàn giáp ranh.

Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Công an Bình Dương, TP.HCM, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu trong các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, truy tìm các phương tiện do phạm tội mà có, các loại vũ khí, hung khí và các phương tiện vi phạm hành chính. Công tác điều tra, truy tìm kẻ gây án, thông báo cho công an tỉnh bạn tình hình tội phạm, đối tượng lưu động… Hiện các địa phương có cơ chế phối hợp chặt chẽ. Công an tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường công tác nắm bắt tình hình, tìm hiểu các thủ đoạn hoạt động của những đối tượng nghi vấn, thường xuyên tổ chức các đợt truy quét băng nhóm hoạt động có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng gây án và thông báo cho địa phương giáp ranh phối hợp triệt phá tội phạm.

Một lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP.HCM:

Tấn công liên tục, cường độ cao vào tội phạm giáp ranh

Hiện khu vực giáp ranh đang là trung tâm của các loại tội phạm, cũng là nơi tập kết, trung chuyển cho các đối tượng thực hiện các loại hành vi phạm tội khác nhau. Gần đây, tội phạm hình sự có xu hướng chuyển dịch vào khu vực giáp ranh để hoạt động. Địa bàn đang nổi lên các loại tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, làm giấy tờ giả, tiêu thụ đồ gian…

Công an TP.HCM đã tập trung triển khai quyết liệt, duy trì ở cường độ cao công tác phòng ngừa, trấn áp tội phạm vùng giáp ranh. Lực lượng cảnh sát hình sự thực hiện phòng ngừa tội phạm theo chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời phối hợp các lực lượng nghiệp vụ khác tuần tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm khu giáp ranh, cùng ban ngành, đoàn thể xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản, phong trào, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm…

Nhiều mô hình phòng, chống tội phạm

• “Nhà trọ không có tội phạm ẩn náu hoạt động”, “dân phòng tự quản”, “nhà trọ sinh viên tự quản” ở quận Thủ Đức đã phát huy hiệu quả. Trong năm 2015, người dân cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp công an địa phương kéo giảm các vụ phạm pháp hình sự, dẹp nhiều tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm…

• Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM thường xuyên phối hợp với các đoàn trường ĐH thành viên và công an các địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật cho sinh viên, phổ biến các kỹ năng phòng, chống trộm, cướp cho sinh viên; khuyến khích sinh viên tham gia tố giác tội phạm và truy bắt đối tượng trộm, cướp.

________________________________________

Trong thời gian tới, địa bàn nào để xảy ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự kéo dài, lãnh đạo địa bàn đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP. Nếu lãnh đạo địa bàn nào không làm tròn trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm sẽ bị thay thế.

Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Chủ tịch UBND TP.HCM

Công an các vùng giáp ranh phải thường xuyên liên lạc với Công an TP.HCM nắm tình hình các băng nhóm tội phạm để có phương án phối hợp triệt phá kịp thời. Nơi nào để xảy ra nhiều tội phạm, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản... thì trách nhiệm thuộc bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND cùng cấp. Trường hợp phát hiện cán bộ đùn đẩy, thiếu trách nhiệm hoặc bao che tội phạm phải bị kiểm điểm, xử lý nghiêm.

Ông ĐINH QUỐC THÁI, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN