Gây án xong thì... bị tâm thần
Không ít trường hợp đối tượng gây án đã giả điên, giả dại, chấp nhận sống chung với người bị bệnh tâm thần để tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Thời gian qua, đã nổi lên hiện tượng hết sức bất thường. Một số đối tượng sau thời gian gây án đặc biệt nghiêm trọng thì “phát bệnh tâm thần”. Muốn xác định các đối tượng này “bị tâm thần” thật hay giả, phải qua một quy trình giám định rất mất thời gian, tốn công sức.
Giả điên như thật!
Trước đây, tôi từng tham gia bảo vệ cho người bị hại trong một vụ án hình sự mà đối tượng gây án có người nhà am hiểu pháp luật. Đối tượng này tên Đ.Đ.T, đã đâm nạn nhân hơn 30 nhát dao từ đầu đến chân; gây án xong còn lôi nạn nhân vào nhà tắm, khóa cửa lại. Sau đó, đối tượng này vào phòng nạn nhân thay quần áo rồi trèo cổng ra ngoài đón taxi tẩu thoát.
TAND Cấp cao tại TP HCM nhiều lần hoãn xử để giám định tâm thần đối với bị cáo Trần Nhật Duy Ảnh: PHẠM DŨNG
Khi người nhà nạn nhân phát hiện, báo công an truy đuổi mấy km thì mới bắt được. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, bị cáo khai báo rất rõ ràng, chi tiết về hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trước khi xét xử, người nhà xuất trình một hồ sơ cho rằng đối tượng này có người thân có tiền sử bệnh tâm thần nên xin đi giám định tâm thần. Tòa phải tiến hành trưng cầu giám định.
Kết luận giám định không rõ ràng, chỉ ghi là rối loạn do sử dụng rượu (?). Vụ án sau đó tạm đình chỉ, đối tượng được đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Phía bị hại đã làm đơn kêu cứu khắp nơi và cuối cùng xác định đối tượng này trước, trong, sau khi gây án chẳng bị bệnh gì. Vậy là sau nhiều năm lẩn tránh pháp luật, đối tượng này bị tuyên án tử hình và đã thi hành án xong.
Gần đây, qua theo dõi trên báo chí, tôi nhận thấy nhiều trường hợp sau khi gây án một thời gian thì cũng “phát bệnh tâm thần”. Chẳng hạn, hung thủ L.T.L (ngụ tỉnh Khánh Hòa) cũng được xác định là khả năng nhận thức và điều khiển hành vi có phần hạn chế vào thời điểm gây án khiến gia đình nạn nhân bức xúc vì cho rằng hung thủ cố tình giả bệnh để được giảm án. Trong suốt quá trình điều tra, L. im lặng, không thừa nhận nhân thân lai lịch, từ chối các mối quan hệ với nạn nhân, gia đình ruột thịt của mình. Kết quả giám định pháp y tâm thần cuối cùng xác định hung thủ “có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”, việc giả bệnh là “có chủ ý”.
Trước đây, ở một địa phương phía Nam xảy ra vụ án mà người phạm tội từng giữ chức vụ cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Người này trước khi bị khởi tố còn làm việc bình thường. Ấy vậy mà khi bị khởi tố, tự nhiên hóa bệnh tâm thần. Hai bị cáo cùng vụ bị xử lý hình sự và đã thi hành án, riêng người này vẫn đang được “điều trị bắt buộc”.
Mới đây nhất là trường hợp bị cáo T.T.T.Ng bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ở phiên xử sơ thẩm, T.Ng vẫn bình thường, trả lời rành rọt các câu hỏi của HĐXX, viện kiểm sát, luật sư nhưng đến trước phiên xử phúc thẩm thì xin đi giám định vì nghi bị… tâm thần. Trong 2 lần mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giả vờ la hét nhưng HĐXX cấp phúc thẩm đã kiểm tra một số nội dung, phát hiện bị cáo này khai báo cực kỳ khôn ngoan, chẳng có bất cứ dấu hiệu nào bị tâm thần. Chiêu bài giả tâm thần bị vạch trần tại tòa.
Cần giám sát chặt chẽ
Theo điều 13 Bộ Luật Hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp người phạm tội trước và trong khi gây án đủ nhận thức và điều khiển hành vi nhưng sau đó lâm vào tình trạng tâm thần trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng hình phạt thường là nhẹ hơn so với người bình thường gây án.
Do được giảm nhẹ hình phạt nhờ chiêu bài “bệnh tâm thần” nên ngày càng xuất hiện nhiều “bị cáo tâm thần” sau khi gây án. Đây là điều hết sức bất thường, gây bức xúc cho người bị hại, ảnh hưởng không ít đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.
Xét về tâm thần học, có những trường hợp kẻ gây án sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị hoảng loạn dẫn đến có biểu hiện tâm thần. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có trường hợp hung thủ tự mình hoặc được người có kiến thức, am hiểu pháp luật tư vấn giả bệnh tâm thần để trốn tránh pháp luật. Vì vậy, đối với những trường hợp bất ngờ “bị bệnh tâm thần” cần được xác minh, giám sát chặt chẽ. Báo chí cần phản ánh, giám sát để tránh tình trạng “chạy” để được “tâm thần”. Đồng thời, khi phát hiện hiện tượng này, các cơ quan bảo vệ pháp luật cấp trên phải thành lập hội đồng giám định độc lập để giám định, bảo đảm tính khách quan, minh bạch và công bằng trong việc xử lý vụ án.
Mặt khác, cần tăng cường trách nhiệm và đạo đức công vụ đối với đội ngũ giám định viên tâm thần. Nếu đối tượng không tâm thần nhưng cố tình giả bệnh tâm thần để có kết luận giám định bị tâm thần hoặc giám định kiểu ỡm ờ… thì những ai liên quan phải bị xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí cách chức, điều chuyển công tác.
Hàng loạt nghi can “ tâm thần” Thượng tá Nguyễn Văn Nhiều - Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bình Thuận, người phát ngôn của cơ quan này - cho biết lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận đã giao Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) phối hợp với Công an huyện Hàm Tân nhanh chóng làm rõ vụ bé gái tên C. (10 tuổi) được cho là bị T. (thanh niên hàng xóm) hiếp dâm nhiều lần. Hiện T. đã được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để điều trị. Theo Công an tỉnh Bình Thuận, chưa đủ cơ sở để buộc tội T. vì sự việc xảy ra không có nhân chứng, T. cũng không thừa nhận. Ngoài ra, lời khai của bị hại, người tố cáo, người liên quan còn mâu thuẫn cũng như kết quả giám định tâm thần của T. chưa có nên công an chưa thể kết luận. l TAND Cấp cao tại TP HCM vừa hoãn xử, cho giám định tâm thần đối với bị cáo Trần Nhật Duy (SN 1994, sinh viên) do có biểu hiện ngơ ngơ, sức khỏe không ổn định. Trần Nhật Duy đã đầu độc, chặt xác bạn tình đồng tính là anh V.A.T (SN 1985). Trong phiên sơ thẩm, Trần Nhật Duy bị tuyên phạt tù chung thân về 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Sau đó, VKSND TP HCM đã kháng nghị tử hình. TAND Cấp cao tại TP HCM nhiều lần lên lịch và đưa vụ án ra xét xử nhưng đều bị tạm hoãn. l Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết Đỗ Thanh Tú (SN 1980, ngụ quận 9) đã được đưa đi chữa bệnh theo diện bắt buộc. Trước đó, VKSND TP HCM phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, khởi tố Đỗ Thanh Tú của công an cùng cấp để điều tra tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Tú đã đánh chết người tình là chị N.T.B (SN 1980, tạm trú quận Thủ Đức) rồi đốt xác phi tang vào tháng 11-2014. Trong quá trình điều tra, Tú được đưa đi giám định tâm thần, sau đó vụ án được đình chỉ. L.Trường - Ph.Dũng Ý Kiến: Luật sư Nguyễn Thị Thu Thủy - nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP HCM: Gây khó khăn cho cơ quan tố tụng Việc các bị cáo bỗng dưng bị tâm thần gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng vì có những vụ phải giám định nhiều lần, thời gian kéo dài. Bên cạnh đó, nếu bị cáo được đưa đi chữa bệnh thì hồ sơ có thể chuyển từ thẩm phán này sang thẩm phán khác vì kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn bị kháng nghị tử hình, bị cáo có được đưa đi chữa bệnh thì sau khi chữa xong, bị cáo vẫn bị xét xử như người bình thường. Nếu xét thấy hành vi có tính man rợ, xứng đáng với án tử thì vẫn tuyên bình thường. Từng có trường hợp bị cáo bị bệnh nan y giai đoạn cuối nhưng tòa án vẫn tuyên tử hình và có những người tử vong khi chưa chấp hành án tử. Luật sư Nguyễn Văn Tài - Đoàn Luật sư TP HCM: Giám định lại để bảo đảm khách quan Để ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng thể hiện hết trách nhiệm của mình, như phải điều tra xem trước khi các đối tượng này phạm tội có tiền sử mắc bệnh tâm thần không hay trong quá trình phạm tội, các đối tượng này có nhận thức và điều khiển hành vi của mình không. Nếu nghi ngờ các đối tượng này đã cố tình giả điên hoặc “chạy” hồ sơ bệnh án tâm thần, các cơ quan tố tụng có quyền yêu cầu các cơ quan có chuyên môn giám định lại để bảo đảm tính khách quan. Ph.Dũng ghi |
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP HCM