Dũng Cam có phải thi hành bản án của toà án Campuchia?

Sự kiện: Tin pháp luật

Bản án mà toà án tỉnh ở Campuchia đã xử vắng mặt, tuyên phạt Dũng Cam (Nguyễn Thành Dũng, 34 tuổi, quê An Giang), 18 năm tù và phải bồi thường 80 triệu riel (gần 445 triệu đồng) cho gia đình nạn nhân vì đã tra tấn một bé trai 2 tuổi ở nước này không thể cho thi hành tại Campuchia.

Theo The Phnom Penh Post, phán quyết của tòa án tỉnh Mondulkiri (Campuchia) sẽ được gửi tới cơ quan chức năng có liên quan tại Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là phán quyết của toà án tỉnh Mondulkiri có thể cho thi hành tại Campuchia?

Dũng Cam có phải thi hành bản án của toà án Campuchia? - 1

Dũng Cam không phải thi hành án tại Campuchia?. Ảnh: Nguyễn Tân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Ngô Hữu Phước và TS Trần Thăng Long (giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM) xét về mặt pháp lý vụ án này có những vấn đề sau.

Lý do Dũng Cam vắng mặt tại toà án ở Campuchia

Thứ nhất, tại khoản 2 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác”.

Thứ hai, theo điểm a, khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam”.

Thứ ba, ngày 26-12-2013 Việt Nam và Campuchia đã ký hiệp định dẫn độ quy định tại Điều 4 rằng: “Mỗi Bên có quyền từ chối dẫn độ công dân của quốc gia mình”.

Do đó, mặc dù Dũng Cam đã thực hiện hành vi phạm tội tại Campuchia nhưng bị tạm giam tại Việt Nam nên căn cứ vào ba cơ sở pháp lý nêu trên, Dũng Cam sẽ không thể bị dẫn độ qua Campuchia để quốc gia này truy cứu trách nhiệm hình sự và đưa ra xét xử.

Phán quyết của Toà án Campuchia được thi hành tại Việt Nam?

Theo TS Ngô Hữu Phước và TS Trần Thăng Long, BLTTHS 2003 của Việt Nam hiện hành không quy định cụ thể bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ có thể được thi hành tại Việt Nam hay không.

Còn Điều 500 BLTTHS 2015 thì quy định bản án của toà án ở Campuchia vẫn có thể được thi hành tại Việt Nam nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

1. Có văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ;

2. Hành vi phạm tội mà công dân Việt Nam bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

3. Bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó.

Khi ấy, căn cứ theo Điều 501 BLTTHS 2015, TAND có thẩm quyền ở Việt Nam cụ thể là TAND TP.HCM sẽ mở phiên họp để xem xét cho thi hành bản án, quyết định hình sự của toà án Campuchia đối với Dũng Cam tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tới ngày 1-1-2018 thì BLTTHS 2015 mới có hiệu lực, vì vậy TS Ngô Hữu Phước cho rằng nếu khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền ở Campuchia yêu cầu cho thi hành bản án của quốc gia này đối với Dũng Cam tại Việt Nam thì lúc này toà án có thẩm quyền ở Việt Nam chỉ có thể xem xét khi BLTTHS 2015 có hiệu lực.

Nhận án vắng mặt 18 năm tù

Trước đó ngày 13-7, toà án tỉnh Mondulkiri đã tuyên xử vắng mặt Dũng Cam 18 năm tù vì tội hành hạ một em bé 2 tuổi.

Dũng Cam hiện đang bị giam ở Việt Nam. Sau khi đoạn video ghi lại cảnh Dũng hành hạ một em bé lan truyền trên Facebook vào cuối năm ngoái, người tình đồng tính của Dũng, Stefan Struik (53 tuổi) đã xúi Dũng bỏ trốn về Việt Nam.

Dũng đã bị kết án theo Điều 211 của BLHS Campuchia vì các hành động tra tấn và đối xử tàn bạo với trẻ em. Tổng cộng có 48 đoạn video ghi lại những hành động bạo lực được liệt kê trước tòa, bao gồm hãm hiếp bé bằng vật lạ, sử dụng súng điện và dầu cay hành hạ em bé.

Người tính đồng tính của Dũng, Struik cũng bị kết án 2 năm tù và bị phạt 1.000 USD vì hành vi che giấu bằng chứng và không tố cáo vụ án, theo phát ngôn viên Meas Bros của Toà án tỉnh. Ông Bros cho biết ngoài mức án trên, Dũng còn phải đền bù cho gia đình nạn nhân 20.000 USD.

Mẹ của em bé bị hành hạ cho biết bà hài lòng với phán quyết của tòa, tuy nhiên lo ngại rằng Dũng có thể lẩn tránh mức án phạt này.

Bà cho biết cả gia đình đã chuyển đến tỉnh Preah Sihanouk sau khi nhận được việc từ công ty Mong Reththy. Bà cũng cho biết thêm em bé hiện đang hồi phục lại sau vụ việc thương tâm này. 

Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Kim Santepheap cho biết ông sẽ xem xét kỹ vụ án. Tuy nhiên ông nói Việt Nam sẽ không có khả năng dẫn độ Dũng sang Campuchia.

Phán quyết của toà án Campuchia sẽ được gửi đến các cơ quan chức năng của Việt Nam vào tuần tới. Dũng hiện đang chờ xét xử vụ án tại Việt Nam. Tại quê nhà, Dũng có khả năng chịu khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù.

Ông James McCabe thuộc Đơn vị Bảo vệ trẻ em Campuchia cho biết ông rất hoan nghênh mức phạt "thích đáng" đối với bị cáo Dũng và Struik.

"Chắc chắn các cơ quan chức năng và công tố viên tối cao Việt Nam sẽ được thông báo về bản án. Các cuộc đàm phán về việc bị cáo Dũng sẽ thụ án như thế nào cũng đang diễn ra”.

Tòa xử mà không thông báo cho nơi giam giữ

Ngày 15-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM một đại điện C45 Bộ Công an cho biết đã nắm được thông tin về việc Nguyễn Thành Dũng (hay còn gọi là Dũng Cam, 35 tuổi, quê An Giang) bị một tòa án ở Campuchia xét xử vắng mặt, tuyên phạt 18 năm tù giam.

Theo một cán bộ điều tra của C45, việc tòa án ở Campuchia xét xử Dũng Cam không thông báo cho C45 biết. Tuy nhiên vị này không dám chắc phía tòa án Campuchia có thông báo với Bộ ngoại giao của Việt Nam hay không. “Dũng hiện đang bị tạm giam tại trại giam của Bộ Công an và tới đây người này sẽ bị xét xử theo luật Pháp Việt Nam”, vị này nói.

 NGUYỄN TÂN

Bé trai Campuchia bị bạo hành giờ ra sao?

Bé Sor Sao, người Campuchia, nạn nhân vụ bạo hành hiện sức khỏe đã ổn định, tinh thần thoải mái trở lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGÂN NGA-NHI NGÔ (Pháp luật TP.HCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN