Chuyện tình bên cánh cửa sắt
Bức tường cao vút lạnh lẽo chắn giữa một bên là bệnh nhân nữ, một bên là bệnh nhân nam. Họ trao gửi lời ngọt ngào của tình yêu qua khe cửa mỗi chiều cuối tuần
Giữa Khoa Chăm sóc đặc biệt và Khoa Lao của Bệnh viện Nhân Ái (tỉnh Bình Phước) được ngăn cách bởi bức tường xây để vừa chống sự truyền nhiễm vừa để tránh "hậu quả tình yêu" của những cặp tình nhân mà trước khi vào bệnh viện đã yêu nhau say đắm hoặc nảy sinh từ lúc riêng phòng, chung bệnh.
Tín hiệu đặc biệt
Theo điều dưỡng viên Thùy Liên, khoảng 10 năm trước, những bệnh nhân sau khi đưa đến bệnh viện từ các trại cai nghiện ma túy hoặc tự nguyện đến đều được chia ở thành hai khu. Một khu dành riêng cho nam giới, một bên cho nữ giới. Đó là quy định của bệnh viện để tiện theo dõi bệnh lý, chăm sóc và điều dưỡng; vừa để tránh "hậu quả tình yêu" từ các cặp tình nhân. Việc đi lại từ khu bệnh này đến khu bệnh kia rất khó khăn vì xung quanh là rừng rậm.
Để tiện cho các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân trong đêm tối, bệnh viện đã mở cổng thông hai khu bệnh nhân. Cổng rộng chừng hơn 3 thước, phía trên cao bằng thành tường, phía dưới để hở chừng 15 cm. Nếu bệnh nhân có ý định trèo qua sẽ bị cản bởi dây thép gai, không qua được. Cổng này chỉ dành riêng cho bác sĩ, điều dưỡng viên chứ bệnh nhân không được đi lại qua đây.
Từ khi có cổng, cứ chiều thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần, nhiều cặp tình nhân lại ra đây trò chuyện. Do cổng kín tường cao, các cặp tình nhân đã nghĩ ra cách nhận biết nhau qua tín hiệu gõ vào cánh cổng.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Hà A. và Trần Văn Đ. trước khi bị công an đưa vào trại cai nghiện Phú Văn đã yêu nhau say đắm. Khi cả hai bị nhiễm "H" và đưa vào Bệnh viện Nhân Ái điều dưỡng, mỗi người ở một khu.
"Những ngày đầu tiên, em nhớ ảnh vô cùng. Giữa rừng núi mịt mùng, quanh bệnh viện là tường rào dây kẽm gai, gặp ảnh bằng cách nào đây, ngoài biết ảnh ở bên kia bức tường chứ ở phòng nào em cũng không hay. Một hôm mon men đến cánh cổng xanh theo bác sĩ, bất ngờ nhìn thấy ảnh bên kia cũng đang đi lững thững. Em hô lên, anh nhìn em và ra hiệu bằng hai ngón tay. Em đưa 3 ngón tay lên. Lúc đó em hiểu ngầm là tín hiệu để gặp nhau. Ngay buổi chiều ấy, em đã đến bên cánh cửa xanh và chờ đợi. Bỗng nhiên nghe hai tiếng gõ "cạch cạnh", em liền gõ lại ba tiếng "cạch, cạch, cạch" vào cánh cổng. Biết là ảnh đang đứng bên kia, em mừng vô cùng. Thực lòng mà nói, vô bệnh viện này, nhờ có ảnh động viên mà em sống đến bây giờ đó" - bệnh nhân Hà A. chia sẻ.
Còn bệnh nhân Nguyễn Thị Cẩm Nh. nhiễm AIDS giai đoạn cuối, hiện điều trị ở Khoa Chăm sóc đặc biệt. 13 năm trước, từ trại cai nghiện Phú Văn, Nh. được chuyển đến đây. Những ngày cai nghiện ở trại Phú Văn, Nh. và Đặng Ngọc V. quen nhau rồi đem lòng thương mến. Nh. kể ngày đầu tiên chuyển đến Bệnh viện Nhân Ái để điều trị "H", nhớ nhau vô cùng. Chỉ cách nhau một bức tường mà như hai thế giới cách biệt. Khi cánh cửa mở thông dành cho bác sĩ đi chăm sóc bệnh nhân giữa hai khu, Nh. và V. đã gặp nhau mỗi cuối tuần.
"Có bữa em pha ca mì tôm mang ra cho ảnh, em đứng bên này cổng sắt, ảnh đứng bên kia. Cổng đóng kín chỉ khe dưới hở. Ảnh nằm xuống ghé miệng qua, em bên này gắp mì tôm bỏ vô miệng cho ảnh ăn. Chúng em thường xuyên nói chuyện với nhau, nhìn nhau bằng cách nằm dưới khe cửa. Ngày đó ở phòng bệnh nhân, ai cũng biết em và ảnh yêu nhau" - Nh. tự hào kể.
Đang hứng chia sẻ chuyện tình yêu, bất ngờ mắt Nh. đỏ hoe khi tôi hỏi giờ hai người còn yêu nhau không. Trong đôi mắt Nh. dường như là cả một khoảng trống mênh mang. V. đã ra đi mãi mãi từ năm ngoái vì nhiễm trùng. Tro cốt của anh được gia đình đưa về gửi ở một ngôi chùa tại
TP HCM. Còn Nh. vẫn ở lại bệnh viện này khi thời gian sống không còn nhiều. Phía đầu giường của Nh. vẫn treo tấm ảnh duy nhất của V. để làm kỷ niệm.
Khát vọng làm lại cuộc đời
Với Nguyễn Thị L. (37 tuổi), những ngày tháng ở Bệnh viện Nhân Ái dường như hạnh phúc tái sinh. L. sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em ở một tỉnh phía Bắc. Bỏ học lấy chồng sớm, vợ chồng suốt ngày cãi vã. Chịu không nổi cảnh bị chồng đánh đập như cơm bữa, cưới nhau được 10 tháng, L. bỏ về nhà mẹ đẻ.
Chán chường, không việc làm, L. nghe lời dụ dỗ của người bạn gái nói lên Lạng Sơn bán hàng ăn cho du khách. Ai ngờ chị bị lừa bán vào nhà chứa gái mại dâm trên biên giới Việt - Trung. Sau hơn một năm buồn tủi, nhờ một khách làng chơi thương tình, L. may mắn thoát khỏi tay tú bà và trở về nhà.
Những ngày tháng sống lo sợ, hụt hẫng và chẳng biết làm gì để sống, L. lại sa vào con đường cũ. Bỏ quê xuống thành phố làm tiếp viên nhà hàng rồi không làm chủ được bản thân, L. nghiện ma túy lúc nào không hay. Sau nhiều lần cai nghiện bất thành, L. phát hiện bị nhiễm "H" giai đoạn cuối.
Trớ trêu thay, L. vào Bệnh viện Nhân Ái được gần 2 năm thì tình cờ gặp M., người chồng vũ phu ngày nào, cũng vào đây với cùng căn bệnh. Biết chồng nhiễm AIDS, L. chủ động gặp và mong tha thứ tất cả lỗi lầm trong quá khứ. Kể từ đó, chiều cuối tuần nào, vợ chồng H. cũng đến cánh cửa tình yêu để chia sẻ tâm sự.
Bệnh viện của lòng nhân, tình người Bệnh viện Nhân Ái thành lập ngày 31-10-2006, có trụ sở tại xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đây là bệnh viện dành riêng cho những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối do Sở Y tế TP HCM xây dựng và quản lý. Chức năng của bệnh viện là khám, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh lý về HIV/AIDS; chăm sóc, hỗ trợ về tâm lý, tinh thần và điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối; tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân, thân nhân gia đình bệnh nhân và những người có nhu cầu; phối hợp đông, tây y trong ứng dụng và điều trị hỗ trợ bệnh nhân AIDS. |
Mối quan hệ tình cảm không rõ ràng khiến một thanh niên đang phơi phới tuổi xuân phải chết oan nghiệt...