Cần giúp người bị oan tái hòa nhập
Pháp luật có chính sách hỗ trợ người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng nhưng chưa có quy định tương tự với người bị giam oan.
Năm 2015, VKSND TP.HCM đã xin lỗi công khai và bồi thường oan cho ông Trương Bá Nhàn vì đã truy tố oan ông về hai tội giết người và cướp tài sản. Những gì còn lại sau gần năm năm bị vướng vào vòng tố tụng, sau 1.346 ngày bị tạm giam oan của ông Nhàn chỉ là hai bàn tay trắng bởi sau khi ông bị bắt, vợ ông đã chia tay ông, gia đình ly tán.
Chưa có chính sách hỗ trợ tái hòa nhập
Được minh oan, ông Nhàn tự mình làm lại cuộc đời ở độ tuổi ngoài 50. Nhận được ít tiền bồi thường oan xong, ông một mình rời TP.HCM đi lang bạt kiếm sống ở nơi xa. Người ông thân nhất có lẽ là vị luật sư đã hỗ trợ pháp lý miễn phí cho ông hơn chục năm qua. Đến nay vị luật sư này cũng không có thông tin về ông Nhàn nếu ông Nhàn không chủ động gọi điện thoại hỏi thăm, trò chuyện...
Ông Nhàn chỉ là một trong khá nhiều người được minh oan khác trong những năm gần đây. Một điều đáng ngạc nhiên là trong khi pháp luật hiện hành có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng thì lại không có chính sách nào tương tự đối với người bị giam oan như ông Nhàn cả.
Cụ thể, Nghị định số 80 ngày 16-9-2011 của Chính phủ (quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù) là văn bản pháp lý thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với người đã lầm lỡ vi phạm pháp luật. Theo đó, hai tháng trước khi hết hạn chấp hành hình phạt tù, phạm nhân sẽ được tư vấn, trợ giúp về tâm lý nhằm định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc của bản thân khi chấp hành xong án phạt tù. Khi trở về địa phương, người chấp hành xong hình phạt tù được trợ giúp về mặt vật chất thông qua các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam, nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thậm chí họ còn được hỗ trợ kinh phí, cho vay vốn, tổ chức học tập, dạy nghề, tìm kiếm, giới thiệu việc làm…
Trong khi đó, với người bị oan, ngoài quyền được yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại, khôi phục các quyền lợi hợp pháp vốn có trước khi bị làm oan thì chưa có chính sách nào hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng tương tự như người mãn hạn tù.
Ông Trương Bá Nhàn, người trắng tay sau những ngày ngồi tù oan. Ảnh: T.TÙNG
Khoảng trống của pháp luật
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét đây là khoảng trống của pháp luật. Người bị oan là người vô tội. Sau những năm tháng bị tạm giam oan hay ngồi tù oan, khi trở về họ cũng có những nhu cầu chính đáng, cấp thiết về một cuộc sống bình thường, một công việc bình thường.
“Họ rất cần được hỗ trợ tư vấn tâm lý, định hướng nghề nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm... để tái hòa nhập cộng đồng. Tôi nghĩ cần phải có các quy định về chính sách hỗ trợ người bị giam oan ổn định cuộc sống giống như người mãn hạn tù chứ không thể chỉ xin lỗi, bồi thường xong là bỏ mặc người bị giam oan và gia đình họ “tự bơi”” - luật sư Đức đề xuất.
“Tôi rất ủng hộ việc có chính sách hỗ trợ người bị giam oan tái hòa nhập cộng đồng. Bản thân họ vốn đã phải chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ khi bị cách ly với xã hội một cách oan ức, số tiền bồi thường nào cũng khó có thể bù đắp lại được những gì họ đã mất. Nhà nước giúp họ làm nghề gì, ổn định cuộc sống như thế nào sau khi trở về xã hội mới là điều quan trọng. Giúp họ cái cần câu còn quan trọng hơn là chỉ đền cho họ con cá” - một thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng đồng tình.
Bổ sung vào luật Tôi đề xuất ban soạn thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) nên nghiên cứu quy định luôn về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng Chính phủ nên ban hành nghị định bổ sung hay thay thế để mở rộng đối tượng của Nghị định 80/2011 cho cả người bị oan. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên đánh đồng người bị oan với người mãn hạn tù vì người bị oan là người vô tội, cần phải có quy định riêng đối với họ. Trong trường hợp ban soạn thảo xét thấy chưa cần thiết quy định chính sách hỗ trợ người bị oan tái hòa nhập cộng đồng ngay trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) thì cũng cần quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành luật này, như một nghị định của Chính phủ chẳng hạn. Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An |